Đến nay, toàn tỉnh Gia Lai ghi nhận 1.500 ca mắc sốt xuất huyết, tăng gần 5 lần so với cả năm 2009, trong đó có 1 ca tử vong. Riêng tại TP. Pleiku đã có trên 1.000 ca sốt xuất huyết.
Ngoài TP. Pleiku, thị xã An Khê và Ayun Pa thì huyện Ia Grai và Chư Prông cũng đang có nhiều ca sốt xuất huyết nhập viện trong thời gian gần đây. Những năm trước, Gia Lai chỉ có 1 tuýp virus gây sốt xuất huyết nhưng hiện nay cùng lúc xuất hiện 3 tuýp virus với mức độ nguy hiểm như nhau. Người bệnh sau khi mắc tuýp này hết bệnh vẫn có thể mắc tuýp khác và nếu chủ quan, không chữa trị kịp thời sẽ có thể tử vong.
Các cơ sở y tế quá tải với bệnh nhân sốt xuất huyết. Ảnh: N.G |
Trao đổi với chúng tôi, ông Lương Đình Thảo- cha của bệnh nhân Lương Triều (đang điều trị tại Trung tâm Y tế TP. Pleiku) cho biết: “Có thấy xe đi phun thuốc diệt muỗi chạy nhiều lần qua khu phố nhưng thấy mùi hôi từ đằng xa nên chúng tôi đóng cửa cho thuốc khỏi bay vào nhà. Nếu biết thuốc không ảnh hưởng đến sức khỏe thì chúng tôi đã mở tất cả cửa để diệt muỗi...”. Còn bệnh nhân Lương Thị Tường Vy thì: “Cả nhà em cả 3 người cùng nhập viện trong khi công việc gia đình lại quá nhiều nên ông ngoại của em nay đã trên 70 tuổi phải cùng vào viện với chiếc giường xếp mang theo để lo cho chúng em khi bác sĩ có yêu cầu”.
Bệnh nhân nhập viện do sốt xuất huyết tăng đột biến khiến nhiều cơ sở y tế luôn trong tình trạng quá tải. Vẫn biết là người bệnh cần được tạo điều kiện thoải mái trong việc chữa trị nhưng vì quá tải nên tại hầu hết các khoa điều trị sốt xuất huyết ở các bệnh viện lúc nào cũng trong tình trạng đông đúc, phải kê thêm giường xếp hoặc có trường hợp 2 bệnh nhân cùng nằm điều trị chung một giường. Ông Phạm Quốc Toàn- Phó Giám đốc Trung tâm Y tế TP. Pleiku cho biết: Biên chế giường bệnh tại Trung tâm chỉ có 70 chỗ nhưng bệnh nhân đang điều trị hiện nay trên 200 ca bệnh, trong đó số bệnh nhân mắc sốt xuất huyết chiếm gần một nửa. Do vậy, nhiều bệnh nhân đến điều trị phải nằm chung giường.
Nguyên nhân dịch sốt xuất huyết kéo dài trong 2 tháng vừa qua phần lớn do chưa có sự phối hợp tốt giữa chính quyền địa phương và người dân trong công tác phòng- chống dịch bệnh. Người dân chưa có ý thức tự giác trong việc triển khai các biện pháp phòng bệnh, không chủ động diệt lăng quăng, bọ gậy… Ông Phạm Quốc Bảo-Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh bức xúc: Đối với các dịch bệnh khác như dịch tả, dịch cúm A(H1N1)… thì vai trò của ngành Y tế là chủ đạo. Ví như dịch tả xảy ra, chúng tôi chỉ cần 1 tuần là có thể dập tắt được ngay nhưng riêng dịch sốt xuất huyết thì vai trò của ngành Y tế không là chưa đủ mà chủ đạo là người dân. Trong khi đó người dân lại không mặn mà trong việc chống dịch. Trong đợt I phun thuốc vừa qua và cả những ngày đầu trong đợt II này, nhiều hộ dân khi thấy xe phun thuốc chạy ngang qua là chạy ngay vào nhà đóng kín cửa. Cũng xin nói thêm là trước đó chúng tôi đã thông báo rõ về việc phun thuốc hoàn toàn không gây hại cho sức khỏe người dân, người dân cần mở hết tất cả các cửa để thuốc phát huy tác dụng. Có lẽ chính quyền địa phương chưa tuyên truyền sâu rộng nên nhân dân không hiểu.
Đợt I phun thuốc dù tiêu tốn 150 triệu đồng nhưng hiệu quả vẫn chưa cao (chưa kể đợt II cũng không khả quan là mấy). Sự tuyên truyền của cấp chính quyền địa phương chưa đến được người dân. Ngay cả những người dân trong vùng dịch vẫn khẳng định họ không hề được thông báo về lịch phun và đóng cửa lại khi xe thuốc đi ngang qua cũng là một cách phòng vệ chính đáng vì họ sợ thuốc có hại cho sức khỏe. Qua kiểm tra, chỉ số lăng quăng tại nhà một số hộ dân sau khi được phun thuốc vẫn ở mức cao.
Dịch sốt xuất huyết đã, đang và sẽ diễn biến hết sức phức tạp trong thời gian tới-Đó là khẳng định của ông Phạm Quốc Bảo. Khẩu hiệu phòng- chống sốt xuất huyết cũng nêu rõ: Không có lăng quăng, bọ gậy thì không có sốt xuất huyết. Chính vì thế diệt lăng quăng, bọ gây là cách phòng bệnh tốt nhất hiện nay.
Giác Nguyện