Phê chuẩn bổ nhiệm Bộ trưởng Bộ Tài chính và Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Ngày 28/11, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng về việc bổ nhiệm Bộ trưởng Bộ Tài chính và Bộ trưởng Bộ GTVT đối với ông Nguyễn Văn Thắng và ông Trần Hồng Minh.

Tổng Bí thư Tô Lâm, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn chúc mừng các nhân sự được bầu, phê chuẩn bổ nhiệm. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)
Tổng Bí thư Tô Lâm, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn chúc mừng các nhân sự được bầu, phê chuẩn bổ nhiệm. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Thứ Năm, ngày 28/11/2024, Quốc hội tiếp tục ngày làm việc thứ 28 (Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV) tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn.

Buổi sáng, từ 08 giờ 00 đến 08 giờ 30: Quốc hội họp riêng.

Nội dung 1: Dưới sự điều hành của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội tiến hành quy trình thủ tục miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Tài chính và Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải nhiệm kỳ 2021-2026.

Từ 08 giờ 30 đến 11 giờ 00: Quốc hội họp phiên toàn thể ở hội trường.

Nội dung 2: Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi). Tại phiên thảo luận đã có 15 ý kiến đại biểu phát biểu, 1 ý kiến đại biểu tranh luận. Các ý kiến đại biểu cơ bản nhất trí với sự cần thiết sửa đổi Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp để khắc phục những bất cập của Luật hiện hành, thể chế hóa chủ trương của Đảng và Nhà nước về cải cách hệ thống chính sách thuế, đáp ứng yêu cầu thực tiễn và yêu cầu đổi mới trong phát triển kinh tế-xã hội, phù hợp với xu hướng cải cách thuế trên thế giới.

Bên cạnh đó, các đại biểu đã tập trung thảo luận, phân tích, làm rõ một số nội dung về người nộp thuế; thu nhập chịu thuế; thu nhập được miễn thuế; xác định thu nhập chịu thuế; chi phí được trừ, chi phí không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế; thuế suất; phương pháp tính thuế, chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp.

Các ý kiến đại biểu đề nghị cần lưu ý những vấn đề liên quan đến tổ chức và cá nhân nước ngoài kinh doanh trên nền tảng số không có địa chỉ thường trú tại Việt Nam; thuế đối với cơ quan báo chí, các đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ tài chính trong lĩnh vực y tế, giáo dục và các quỹ tài chính ngoài ngân sách, doanh nghiệp khởi nghiệp và một số lĩnh vực khác. Có ý kiến đại biểu đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục rà soát nội dung của dự thảo Luật để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật. Kết thúc phiên thảo luận, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

Nội dung 3: Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Quốc hội nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sỹ quan Quân đội nhân dân Việt Nam; sau đó, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật bằng hình thức biểu quyết điện tử, kết quả như sau: có 459 đại biểu tham gia biểu quyết (bằng 95,82% tổng số đại biểu Quốc hội), có 458 đại biểu tán thành (bằng 95,62% tổng số đại biểu Quốc hội), có 1 đại biểu không biểu quyết (bằng 0,21% tổng số đại biểu Quốc hội).

Nội dung 4: Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Quốc hội nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về thí điểm xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử một số vụ việc, vụ án hình sự; sau đó, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết bằng hình thức biểu quyết điện tử, kết quả như sau: có 455 đại biểu tham gia biểu quyết (bằng 94,99% tổng số đại biểu Quốc hội), có 450 đại biểu tán thành (bằng 93,95% tổng số đại biểu Quốc hội), có 5 đại biểu không biểu quyết (bằng 1,04% tổng số đại biểu Quốc hội).

Nội dung 5: Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Quốc hội nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi); sau đó, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật bằng hình thức biểu quyết điện tử, kết quả như sau: có 455 đại biểu tham gia biểu quyết (bằng 94,99% tổng số đại biểu Quốc hội), có 454 đại biểu tán thành (bằng 94,78% tổng số đại biểu Quốc hội), có 1 đại biểu không biểu quyết (bằng 0,21% tổng số đại biểu Quốc hội).

Phiên họp được truyền hình trực tiếp trên Truyền hình Quốc hội Việt Nam.

Từ 11 giờ 00: Quốc hội họp riêng.

Nội dung 6, 7, 8: Dưới sự điều hành của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội tiếp tục tiến hành công tác nhân sự thuộc thẩm quyền. Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Tài chính và Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải nhiệm kỳ 2021-2026 đối với ông Hồ Đức Phớc và ông Nguyễn Văn Thắng với tỉ lệ tán thành cao.

Quốc hội nghe các nội dung: (i) Tờ trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về danh sách đề cử để Quốc hội bầu Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV; (ii) Tờ trình của Thủ tướng Chính phủ về danh sách để Quốc hội phê chuẩn đề nghị bổ nhiệm Bộ trưởng Bộ Tài chính và Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải nhiệm kỳ 2021-2026; (iii) Tờ trình của Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao đề nghị Quốc hội phê chuẩn việc bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao; (iv) Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội về Tờ trình của Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao đề nghị Quốc hội phê chuẩn việc bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao. Sau đó, Quốc hội thảo luận ở Đoàn về các nội dung trên.

Buổi chiều, từ 14 giờ 00 đến 14 giờ 50, nội dung 1: Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật. Tại phiên thảo luận có 7 ý kiến đại biểu phát biểu. Các ý kiến đại biểu cơ bản tán thành với sự cần thiết ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật trong bối cảnh Việt Nam đã tham gia nhiều Hiệp định thương mại thế hệ mới, trong đó có các nội dung liên quan đến hàng rào kỹ thuật trong thương mại; khắc phục những bất cập của Luật hiện hành.

Bên cạnh đó, các đại biểu đã tập trung thảo luận về các nội dung: tên gọi của dự thảo Luật; giải thích từ ngữ; chính sách của Nhà nước về phát triển hoạt động trong lĩnh vực tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật; chiến lược tiêu chuẩn hóa quốc gia; hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; trách nhiệm xây dựng, thẩm định, công bố, thông báo, áp dụng tiêu chuẩn; trình tự, thủ tục xây dựng, thẩm định, công bố tiêu chuẩn quốc gia; trách nhiệm xây dựng, thẩm định, ban hành quy chuẩn kỹ thuật; trình tự, thủ tục xây dựng, thẩm định, ban hành quy chuẩn kỹ thuật; áp dụng quy chuẩn trong các lĩnh vực đặc thù; tính khả thi của hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; xã hội hóa hoạt động xây dựng, phổ biến, áp dụng tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật. Kết thúc phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

Từ 14 giờ 50 đến 15 giờ 40, nội dung 2: Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội nghe các nội dung: Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế giá trị gia tăng. Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh trình bày Báo cáo thẩm tra về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế giá trị gia tăng. Sau đó, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế giá trị gia tăng.

Tại phiên thảo luận có 6 đại biểu Quốc hội phát biểu. Các ý kiến đại biểu cơ bản tán thành với sự cần thiết giảm thuế giá tăng nhằm góp phần giảm giá thành, giá bán hàng hóa, dịch vụ, từ đó có thể kích cầu tiêu dùng, duy trì việc làm cho người lao động, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp tiếp tục duy trì đà phục hồi và thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh để đóng góp trở lại cho ngân sách nhà nước và nền kinh tế.

Bên cạnh đó, các đại biểu đã tập trung thảo luận về các nội dung: thẩm quyền ban hành chính sách; hình thức ban hành chính sách; phạm vi điều chỉnh của chính sách; mức giảm; thời hạn áp dụng chính sách; tính liên tục và ổn định của chính sách; giải pháp tổ chức thực hiện.

Kết thúc phiên thảo luận, Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

Từ 15 giờ 40: Quốc hội họp riêng.

Nội dung 3: Dưới sự điều hành của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội tiếp tục tiến hành quy trình thủ tục bầu Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội khóa XV; phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ nhiệm Bộ trưởng Bộ Tài chính và Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải nhiệm kỳ 2021-2026; phê chuẩn đề nghị của Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao về việc bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.

Nội dung 4: Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội nghe Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội về một số cơ chế, giải pháp cấp bách cần thiết để triển khai 03 dự án quan trọng của Văn phòng Trung ương Đảng.

Nội dung 5: Dưới sự điều hành của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội tiếp tục tiến hành công tác nhân sự thuộc thẩm quyền.

Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết bầu Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội khóa XV đối với ông Lê Quang Tùng bằng hình thức biểu quyết điện tử, kết quả như sau: có 454 đại biểu tham gia biểu quyết (bằng 94,78% tổng số Đại biểu Quốc hội), có 453 đại biểu tán thành (bằng 94,57% tổng số Đại biểu Quốc hội), có 1 đại biểu không biểu quyết (bằng 0,21% tổng số Đại biểu Quốc hội).

Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ nhiệm Bộ trưởng Bộ Tài chính và Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải nhiệm kỳ 2021-2026 đối với ông Nguyễn Văn Thắng và ông Trần Hồng Minh bằng hình thức biểu quyết điện tử, kết quả như sau: có 452 đại biểu tham gia biểu quyết (bằng 94,36% tổng số đại biểu Quốc hội), có 452 đại biểu tán thành (bằng 94,36% tổng số đại biểu Quốc hội).

Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn đề nghị của Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao về việc bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao đối với ông Nguyễn Quốc Đoàn và ông Lê Tiến bằng hình thức biểu quyết điện tử, kết quả như sau: có 451 đại biểu tham gia biểu quyết (bằng 94,15% tổng số đại biểu Quốc hội), có 448 đại biểu tán thành (bằng 93,53% tổng số đại biểu Quốc hội), có 01 đại biểu không tán thành (bằng 0,21% tổng số đại biểu Quốc hội), có 2 đại biểu không biểu quyết (bằng 0,42% tổng số đại biểu Quốc hội).

Ông Nguyễn Văn Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Bộ Tài chính nhiệm kỳ 2021-2026. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)
Ông Nguyễn Văn Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Bộ Tài chính nhiệm kỳ 2021-2026. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Thứ sáu, ngày 29/11/2024, Buổi sáng: Quốc hội họp phiên toàn thể ở hội trường, biểu quyết thông qua các nội dung: Luật Địa chất và khoáng sản; Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; sau đó, Quốc hội thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân.

Buổi chiều: Quốc hội họp phiên toàn thể ở hội trường, biểu quyết thông qua các nội dung: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế và Luật Dự trữ quốc gia; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu; Luật Đầu tư công (sửa đổi); sau đó, Quốc hội thảo luận về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Theo TTXVN/Vietnam+

Có thể bạn quan tâm

Bên trong Hội trường tòa nhà Quốc hội Hàn Quốc. Ảnh YONHAP

Quốc hội Hàn Quốc xem xét kiến nghị luận tội Tổng thống Yoon Suk Yeol

(GLO)- Sáng 5-12, bản kiến nghị luận tội Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol có chữ ký của 191 nghị sĩ đối lập đã được đưa ra trước phiên họp Quốc hội nước này. Tuy nhiên, bản kiến nghị này không nhận được sự ủng hộ từ các thành viên Đảng Quyền lực Nhân dân của Tổng thống Yoon.

Tổng thống Hàn Quốc bị điều tra phản quốc, luận tội Tổng Kiểm toán và 3 công tố viên

Tổng thống Hàn Quốc bị điều tra phản quốc, luận tội Tổng Kiểm toán và 3 công tố viên

(GLO)-Cơ quan cảnh sát Hàn Quốc đã mở cuộc điều tra với cáo buộc Tổng thống Yoon Suk-yeol phạm tội phản quốc khi ban bố thiết quân luật vào đầu tuần. Trong khi Tổng Kiểm toán và 3 công tố viên bị kiến nghị luận tội do có dính líu đến việc di dời văn phòng tổng thống và Đệ nhất phu nhân Kim Keon Hee có liên quan âm mưu thao túng giá cổ phiếu.