(GLO)- Toàn tỉnh Gia Lai hiện có 87 xã đạt chuẩn xã văn hóa nông thôn mới (NTM). Ở những xã này, các thiết chế văn hóa được quan tâm xây dựng, phong trào văn hóa-văn nghệ, thể dục thể thao tương đối nổi bật, góp phần làm phong phú đời sống văn hóa tinh thần của người dân.
Chiều về, sân Nhà văn hóa xã Nghĩa Hưng (huyện Chư Păh) có rất nhiều thanh niên tập trung chơi bóng đá, bóng chuyền. Phong trào thể dục thể thao khởi sắc từ năm 2018, khi xã tận dụng khuôn viên trụ sở UBND xã cũ để làm nhà văn hóa, sân thể thao. Anh Rơ Châm Mun (làng Bui) chia sẻ: “Ủy ban nhân dân xã đầu tư lưới, bóng cho thanh niên yêu thích môn bóng đá, bóng chuyền đến chơi. Chúng tôi thường xuyên đến đây để chơi thể thao, rèn luyện sức khỏe”.
Ông Nguyễn Ngọc Dũng-Bí thư Đảng ủy xã Nghĩa Hưng-cho hay: Cuối năm 2018, xã Nghĩa Hưng đạt chuẩn xã NTM, đồng thời cũng đạt chuẩn xã văn hóa NTM. Theo đó, 13 thôn, làng của xã đều có nhà sinh hoạt cộng đồng, có sân chơi thể thao. Từ năm 2015 đến nay, xã đã đầu tư gần 1 tỷ đồng để sửa chữa, nâng cấp nhà văn hóa cộng đồng ở các thôn, làng. Nhờ đó, phong trào văn hóa-văn nghệ, thể thao phát triển mạnh. Các thôn, làng đều thành lập đội bóng đá, bóng chuyền. Từ đầu năm đến nay, xã tổ chức 2 giải bóng đá và các buổi giao lưu văn hóa-văn nghệ, thu hút hàng ngàn lượt người tham gia và cổ vũ. “Việc đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa đã tạo sự đồng thuận của người dân trong xây dựng xã văn hóa NTM cũng như thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội”-ông Dũng nói.
Theo ông Nguyễn Minh Đức-Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Chư Păh: Đến nay, toàn huyện có 4 xã đạt chuẩn xã văn hóa NTM gồm: Nghĩa Hưng, Nghĩa Hòa, Ia Nhin và Hòa Phú. Các thiết chế văn hóa ở các xã này đều được đầu tư xây dựng đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của người dân. Đến nay, 100% thôn, làng trong huyện đã có nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng. Nhờ vậy, người dân tham gia các hoạt động văn hóa-văn nghệ, thể dục thể thao đạt trên 50%.
Nhà văn hóa, khu thể thao làng Iắt (xã Ia Boòng, huyện Chư Prông) được xây dựng khang trang. Ảnh: Hà Tây |
Xã Ia Boòng (huyện Chư Prông) đạt chuẩn văn hóa NTM vào cuối năm 2018. Ông Cù Minh Thông-Chủ tịch UBND xã-cho biết: Đến nay, 11/11 thôn, làng đều đạt tiêu chí văn hóa. Hàng năm, trên 90% gia đình được công nhận danh hiệu gia đình văn hóa, trong số này có 70% được cấp giấy chứng nhận gia đình văn hóa cấp huyện 3 năm liên tiếp trở lên.
Trong số đó, làng Iắt dẫn đầu phong trào vận động người dân đóng góp mua sắm các thiết chế văn hóa. Trưởng thôn Rơ Mah Men cho hay: Cuối năm 2017, nhà sinh hoạt cộng đồng được hoàn thành với kinh phí trên 250 triệu đồng từ nguồn hỗ trợ của Nhà nước và dân làng đóng góp. “Từ khi có nhà sinh hoạt cộng đồng, bà con thường cắt cử người bảo quản, dọn vệ sinh. Ban Nhân dân thôn đã vận động bà con tự nguyện đóng góp được 20 triệu đồng để mua 80 chiếc ghế, 1 bộ âm thanh phục vụ sinh hoạt”-ông Men vui mừng nói.
Mặc dù được quan tâm đầu tư nhưng vẫn còn nhiều nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng bị xuống cấp. Một số nhà văn hóa chưa có địa điểm vui chơi cho trẻ em và người cao tuổi. Hơn nữa, việc khai thác, quản lý, sử dụng thiết chế văn hóa phần lớn phục vụ hội họp mà chưa tổ chức được nhiều hoạt động văn hóa-văn nghệ, thể dục thể thao, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Ông Nguyễn Văn Hạnh-Phó Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch-thông tin: Để tiếp tục phát huy hiệu quả các thiết chế văn hóa ở cơ sở, Sở tiếp tục phối hợp với chính quyền các địa phương làm tốt công tác quy hoạch, tạo quỹ đất, bố trí nguồn kinh phí từ ngân sách nhà nước và huy động xã hội hóa để đầu tư hoàn thiện các thiết chế văn hóa, sân chơi thể dục thể thao. Sở cũng chỉ đạo các địa phương tiếp tục xây dựng các mô hình hoạt động văn hóa cơ sở phù hợp với tập quán từng địa phương để thu hút đông người dân tham gia; khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng và tổ chức các hoạt động văn hóa-văn nghệ, thể dục thể thao nhằm góp phần nâng cao chất lượng phong trào xây dựng gia đình văn hóa, thôn, làng, tổ dân phố văn hóa, xây dựng môi trường văn hóa phong phú, lành mạnh, giàu bản sắc, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.
HÀ TÂY