(GLO)- Chỉ thị 36-CT/TW ngày 30-5-2014 của Bộ Chính trị về đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng đặc biệt quan tâm đến công tác chuẩn bị và tổ chức đại hội, nhất là việc phát huy dân chủ đi đôi với giữ vững nguyên tắc, kỷ luật, kỷ cương của Đảng; bảo đảm tăng cường đoàn kết, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của cấp ủy; phát huy trí tuệ, trách nhiệm của các tổ chức trong hệ thống chính trị… Việc phát huy dân chủ đi đôi với giữ vững kỷ cương phải thể hiện đầy đủ trong quá trình chuẩn bị và tổ chức đại hội, từ xây dựng các văn kiện trình đại hội đến công tác nhân sự.
Phạm vi bài viết này, chúng tôi đề cập đến vấn đề chuẩn bị nội dung cho đại hội Đảng bộ các cấp. Chúng ta đã biết, một trong những nội dung chuẩn bị để trình đại hội, báo cáo chính trị là văn bản quan trọng bậc nhất, bởi nó là văn bản có tính tổng kết, đúc rút kinh nghiệm, tìm ra nguyên nhân và bài học của thành, bại trong suốt nhiệm kỳ 5 năm. Và làm tốt điều đó sẽ là căn cứ khoa học cho việc đề ra mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cho nhiệm kỳ tiếp theo. Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ trình đại hội phải đánh giá đúng tình hình, kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ nhiệm kỳ 2010-2015 của mình và kết quả thực hiện các nghị quyết của cấp ủy cấp trên và của Ban Chấp hành Trung ương.
Ảnh: T.N |
Đặc biệt là tập trung làm rõ ưu điểm, khuyết điểm, nguyên nhân, bài học kinh nghiệm; nêu rõ trách nhiệm của cấp ủy, từng cấp ủy viên được phân công trên các lĩnh vực công tác, nhất là người đứng đầu. Để đảm bảo khách quan, dân chủ, tập thể Ban Chấp hành Đảng bộ cần thảo luận, dự báo sát tình hình, đề ra mục tiêu, nhiệm vụ 5 năm tới, vừa bảo đảm tiến trình để đến năm 2020, nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, vừa có tính khả thi cao, phù hợp tình hình địa phương, cơ sở; tránh việc sao chép, hình thức, lý thuyết suông, rập khuôn, máy móc, thiếu thực tế trong báo cáo chính trị; nhất là cấp cơ sở và trên cơ sở. Ở cấp này cần nhìn thẳng vào những công việc cụ thể mà nhiệm kỳ trước đã đề ra, việc tổ chức lãnh đạo, thực hiện đến đâu, ai là người chịu trách nhiệm trong việc tổ chức triển khai thực hiện đó, và kết quả ra sao, có những ưu điểm, khuyết điểm gì, nguyên nhân khách quan, chủ quan; rút ra được những kinh nghiệm nào cho nhiệm kỳ tiếp theo.
Được biết, nhiều nhiệm kỳ trong việc chuẩn bị nội dung cho đại hội Đảng bộ cấp cơ sở và trên cơ sở, thường là tập trung lo công tác nhân sự, thiếu sự chuẩn bị chu đáo đối với dự thảo báo cáo chính trị trình đại hội, và tình trạng cấp dưới sao chép văn kiện của cấp trên, các bản báo cáo cứ na ná nhau, đề ra một số chỉ tiêu, nhiệm vụ không ăn nhập gì với thực tế tình hình địa phương, cơ sở. Cũng cần nói thêm, ở mỗi loại hình tổ chức cơ sở đảng và tổ chức đảng có những đặc thù, những nội dung lãnh đạo, hoạt động khác nhau, cho nên báo cáo chính trị cũng cần bám sát nội dung lãnh đạo của tổ chức đảng của mình để chuẩn bị báo cáo chính trị sao cho sát, đúng.
Ảnh: T.N |
Nếu coi báo cáo chính trị là “linh hồn” của đại hội, thì các cấp ủy, đồng thời với việc chuẩn bị kỹ càng cho công tác nhân sự, phải hết sức coi trọng việc chuẩn bị dự thảo báo cáo chính trị. Phân công các cấp ủy viên và những người có khả năng tổng hợp, phân tích, đánh giá thực trạng tình hình trong nhiệm kỳ và có tầm nhìn cho nhiệm kỳ tiếp theo đảm đương công việc “chắp bút” cho văn kiện quan trọng này. Đồng thời phải coi văn kiện này là kết tinh của cả tập thể cấp ủy và trí tuệ của toàn Đảng bộ. Muốn vậy cần trân trọng, tiếp thu các ý kiến đóng góp, tham gia trong việc chuẩn bị văn kiện. Đối với cấp cơ sở, cấp trên cơ sở cần phân công cán bộ, những người am hiểu thực tiễn, có tâm huyết, có trình độ và khả năng tổng hợp, phân tích tình hình giúp đỡ trong việc chuẩn bị đại hội nói chung và báo cáo chính trị nói triêng.
Hiện nay đã có nhiều cấp ủy cấp trên cơ sở chỉ đạo tổ chức đại hội thí điểm ở các loại hình cơ sở đảng, thông qua đại hội điểm này, cần tổ chức rút kinh nghiệm, trong đó kinh nghiệm chuẩn bị báo cáo chính trị, làm thế nào để cấp ủy và đại hội dám nhìn thẳng vào thực tế tình hình của địa phương, ngành, cơ sở; dám nói thẳng, nói thật, nói hết những ưu điểm, khuyết điểm, yếu kém, nguyên nhân, trách nhiệm... Và từ đó, đề ra mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp khả thi cho nhiệm kỳ tiếp theo. Kiên quyết chống chủ nghĩa chủ quan, qua loa đại khái, chuẩn bị báo cáo chính trị cho có lệ, thiếu khách quan, thiếu thực tế, xa rời thực tiễn, làm cho khó khăn trong quá trình tổ chức thực hiện cho nhiệm kỳ tiếp theo.
Bích Hà