Nhắc đến Cao Bằng, người ta nhớ ngay đến thác Bản Giốc.
Nếu thác Bản Giốc là cảnh quan quá nổi tiếng miền biên ải thì động Ngườm Ngao cũng là một danh thắng rất đáng để bạn phải mất một buổi viếng thăm mà tôi tin chắc rằng không ghé đến, sẽ là điều tiếc nuối.
Cách thác Bản Giốc nổi tiếng chỉ chừng 5 cây số, động Ngườm Ngao là lối rẽ thuận tiện cho du khách trong những ngày chiêm ngưỡng cảnh đẹp núi non Cao Bằng.
Vị trí đẹp mà khuất của Ngườm Ngao
Trước khi vào động, bạn phải vượt qua một hẻm núi đã được xây bậc tam cấp cho dễ đi và quãng đường chừng hơn 700 m băng qua một thung lũng. Hai bên hẻm núi là ruộng đồng có những dãy núi đá vôi bao kín xung quanh.
Chính vì vậy, sẽ có cảm giác như lọt vào vùng rất riêng biệt trước khi nhìn thấy cửa động hiện ra trước, khiến du khách ngỡ như mình được vào chốn riêng biệt huyền ảo này, chỉ mình ta với bạn đồng hành.
Theo các tài liệu, động Ngườm Ngao có cách đây khoảng 300 triệu năm và được người Pháp phát hiện cách đây hơn 90 năm, vào năm 1921. Tuy nhiên, mãi sau này, động Ngườm Ngao mới được đưa vào khai thác tự phát. Từ năm 1994, người dân địa phương bắt đầu dẫn khách du lịch vào động tham quan bằng đường bộ và đi thuyền. Nó được biết nhiều hơn và thu hút đông người đến từ sau chuyến khảo sát của Hiệp hội Hang động Hoàng gia Anh năm 1995.
Năm 2003, ngành du lịch tỉnh Cao Bằng mới chính thức khai thác, đưa động Ngườm Ngao trở thành điểm du lịch mới hấp dẫn dù mức độ quảng bá cho nơi này rất khiêm tốn so với danh thắng Bản Giốc gần đấy.
Theo khảo sát của Hiệp hội Hang động Hoàng gia Anh, động Ngườm Ngao dài khoảng 2.144 m, có 3 cửa chính: Ngườm Ngao, Ngườm Lồm và Bản Thuôn, hiện tại chỉ khai thác du lịch khoảng hơn 980 m. Động có cái tên Ngườm Ngao vì tương truyền xưa kia, đây là nơi trú ngụ của các loài hổ thường xuyên quấy phá các bản làng chung quanh, sau này bị người ta tiêu diệt hết nên động mang luôn tên này (tiếng dân tộc, Ngườm là động, Ngao là hổ). Bên trong động gần như còn nguyên sơ với rất nhiều hình thù độc đáo, gợi nhiều sự liên tưởng.
Thật thú vị khi ở đây có mấy cây đàn đá mỗi khi gõ vào phát ra tiếng nhạc du dương như tiếng đàn Tơ-rưng. Những vô tình của thiên nhiên kỳ vĩ đã gợi nên con mắt suy tưởng thích thú cho du khách khi trong động có những thạch nhũ kết thành dáng đức Phật, tượng ông tượng bà bên nhau. Kia là cô tiên trong chuyện cổ tích, đây là thuyền rồng của nhà vua, kia nữa là những hình người, cây rừng, các loài vật, con voi ma mút, có cả búp sen khổng lồ úp xuống bên động mà ai đến cũng phải dừng lại chụp hình. Cây san hô như là nơi hội tụ của hàng trăm cây san hô dưới biển bám vào một thân cây cao lớn. Cây vàng cây bạc và có cả thác bạc lấp lánh...
Một trong những điểm đặc biệt nhất ở đây là có những cột nhũ đá vôi lấp la lấp lánh dưới ánh sáng đèn, trông như bức tường được dát kim cương sáng long lanh - cảm giác như lạc vào cung điện hoàng gia một vương quốc Ả Rập trong truyện “Nghìn lẻ một đêm”.
Nét độc đáo của Ngườm Ngao
Một trong những nét độc đáo nhất của động Ngườm Ngao chính là những “thửa ruộng bậc thang” do sàn đá vôi bị xâm thực và phong hóa suốt nhiều triệu năm. Những hình thù trên nền động trông cứ như đi trên bờ biển đầy cát nào đó sau những con sóng rút xa bờ. Đây cũng là điểm độc đáo của Ngườm Ngao so với nhiều hang động khác.
Nếu như đi tham quan động bạn luôn phải ngước nhìn đến mỏi cả cổ để ngắm các thạch nhũ đủ loại vóc dáng hình thù kỳ vĩ ở trên trần và vòm động thì với Ngườm Ngao, bạn còn phải để ý nhìn xuống những bước chân. Như thể bạn đang bước qua những tiểu cảnh, những đồng ruộng bậc thang thu nhỏ xinh xắn của vùng Tây bắc. Sàn động đầy những vết hóa thạch như những làn nước hóa thạch đang lô xô chạy qua bãi cát ngoài biển, trông không khác gì biển sóng cát nhân tạo trong các khu vườn Nhật Bản. Đây cũng là điểm khiến Ngườm Ngao tăng thêm sự thú vị, khiến khách đến không chỉ mỏi cổ ngước nhìn mà còn mê mải nhìn xuống những bước chân qua. Điều thú vị kèm âu lo, không biết vài mươi năm sau nữa, hàng triệu bước chân du khách bước qua sẽ làm mòn, trầy bớt đi những dấu vết đẹp tuyệt trên sàn động?
Cũng ở nơi này, người ta còn tìm ra điều thú vị hiếm gặp khác. Nơi có khe hở thông lên trời của động, vào đúng 14 giờ chiều ngày 22.4 hằng năm, có 3 luồng ánh sáng gặp nhau làm một khoảng lòng động rực sáng như ban ngày trong vài phút. Một hiện tượng kỳ thú mà thiên nhiên ban tặng cho riêng động này.
Tôi hơi tiếc một chút, không được dịp đi tham quan bằng thuyền hoặc lội nước theo dòng suối ngầm để tham quan động vì từ nhiều năm nay đã ngưng sử dụng hành trình này. Trong lòng động Ngườm Ngao có dòng suối ngầm, mùa mưa nước tràn lên cả lối đi trên cạn. Trước kia, người dân địa phương đưa du khách vào tham quan, đến những đoạn suối, họ chở du khách bằng thuyền gỗ nhỏ. Bây giờ, khi đón khách vào tham quan, hướng dẫn viên địa phương sẽ đưa khách đi từ cửa Ngườm Lồm và trở ra bằng cửa Ngườm Ngao.
Ở cao bằng khôhg chỉ có Ngườm Ngao Ngườm Ngao thuộc bản Gun, xã Đạm Thủy, huyện Trùng Khánh, Cao Bằng. Bạn có thể liên hệ các đơn vị lữ hành để mua tour hoặc đặt tour theo ý. Bạn nên kết hợp để đi cùng một chuỗi tham quan với thác Bản Giốc cách đấy chừng 5 cây số. Nếu thích có thể thuê xe bao tài xế để đi. Tuy nhiên, bạn phải chuẩn bị tâm lý là đường khá xa, không hề dễ đi và tài xế phải vững tay lái. Đường từ Hà Nội đến Cao Bằng khoảng 300 km. Từ thành phố Cao Bằng đến nơi này gần 100 km nữa. Đường lắm dốc, nhiều đèo, quanh co, khúc khuỷu. Từ Hà Nội đi theo quốc lộ 3 lên đến Cao Bằng (khoảng 272 km), đến thị trấn Quảng Uyên, rẽ sang tỉnh lộ 206 là đến động Ngườm Ngao. Không biết có phải vì thế hay vì người ta chỉ mải đi xem thác Bản Giốc mà con số du khách đến nơi này mỗi năm chỉ khiêm tốn chừng 11.000 - 12.500 lượt. Trong đó, có gần 4.500 khách nước ngoài (số liệu của Công ty du lịch Cao Bằng). Tháng 4.2018, UNESCO đã công nhận Công viên Địa chất non nước Cao Bằng là Công viên Địa chất Toàn cầu UNESCO. Với danh hiệu này, Công viên Địa chất Non Nước Cao Bằng trở thành công viên địa chất thứ 2 ở VN, sau Cao nguyên đá Đồng Văn, tỉnh Hà Giang (được công nhận năm 2010). Với danh hiệu này, nhiều vẻ đẹp của non nước Cao Bằng sẽ được nhiều khách du lịch gần xa biết đến cùng với động Ngườm Ngao. |
Theo Thanhnien