Bác sỹ khám cho bệnh nhân bị ngộ độc thực phẩm tại Bệnh viện Bạch Mai. |
Nếu 10 năm trước, các vụ ngộ độc chủ yếu do vi sinh vật gây ra, thì đến năm 2010, hóa chất chính là nguyên nhân chính.
Cụ thể, số vụ ngộ độc gây ra bởi độc tố tự nhiên năm 2010 chỉ còn 10 vụ so với 70 vụ của năm 2000. Trong khi đó, số vụ ngộ độc do hóa chất năm 2010 là hơn 60 vụ tăng tới 50% so với hơn 30 vụ của năm 2000.
Giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Công Khẩn- Cục trưởng cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế) đã cung cấp những thông tin này tại hội thảo “An toàn thực phẩm với sức khỏe cộng đồng- phụ gia thực phẩm- những nguy cơ tiềm ẩn”, vừa diễn ra tại Hà Nội.
Ông Khẩn cũng cho hay ngộ độc do hóa chất đang trở thành vấn đề thu hút sự quan tâm của giới quản lý cũng như người tiêu dùng.
Thời gian qua, cùng với sự phát triển của nền kinh tế, nhu cầu về thực phẩm của con người cũng gia tăng về hình thức, chất lượng và chủng loại. Bên cạnh đó, sự phát triển của khoa học kỹ thuật nên việc sử dụng các phụ gia thực phẩm và phẩm màu trong các sản phẩm thực phẩm là một điều tất yếu và là nhu cầu thích đáng của các nhà sản xuất.
Các nhà sản xuất đã sử dụng các chất liệu phụ gia để các sản phẩm hấp dẫn hơn, thu hút người tiêu dùng hơn. Tuy nhiên, sử dụng các phụ gia thực phẩm này thế nào để phát huy được những ưu điểm của nó và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm lại là một vấn đề.
Tại hội thảo, các đại biểu đã thảo luận, đóng góp ý kiến để các nhà quản lý, sản xuất đưa ra định hướng cho công tác quản lý phụ gia thực phẩm, thúc đẩy ngành phụ gia thực phẩm phát huy những ưu điểm.
Tiến sỹ Lê Thị Hồng Hảo- Viện kiểm nghiệm Vệ sinh an toàn thực phẩm quốc gia cho biết, qua các kết quả kiểm nghiệm cho thấy các cơ sở sản xuất chế biến thực phẩm đã sử dụng các chất bảo quản trong danh mục cho phép của Bộ y tế và liều lượng phù hợp với tiêu chuẩn cho phép.
Tuy nhiên một số mẫu hạt dưa và ớt bột vẫn sử dụng phẩm màu ngoài danh mục cho phép của Bộ y tế, dẫn tới ảnh hưởng sức khỏe của người dùng, gây ngộ độc cấp và mãn tính. Những mẫu này chủ yếu tập trung vào những thực phẩm không nhãn mác và không có xuất xứ rõ ràng.
Trao đổi về tình hình sử dụng phẩm màu trong sản xuất hiện nay, phó giáo sư-tiến sĩ Phan Thị Sửu-Giám đốc Trung tâm kỹ thuật an toàn vệ sinh thực phẩm-Hội Khoa học kỹ thuật an toàn thực phẩm Việt Nam cho hay, trên thị trường phẩm màu được sử dụng rất phổ biến đối với hầu hết các sản phẩm thực phẩm như bánh, mứt, kẹo, các loại đồ uống, các sản phẩm chế biến từ thịt như thịt quay, chả quế, xúc xích…
Theo bà Sửu, qua thanh tra trên thị trường của Trung tâm kỹ thuật an toàn vệ sinh thực phẩm cho thấy, trong 203 mẫu nguyên liệu gồm 9 loại màu thì 100% màu xanh dương, tím nho, màu hồng đều là những màu không nằm trong danh mục cho phép, chỉ có 2 trong số 32 mẫu màu xanh lá cây nằm trong danh mục cho phép.
Bà cũng cảnh báo một số chất tạo màu có nguy cơ như chất brilliant lbue dùng trong chế biến sữa, thạch, sirô, đồ uống có nguy cơ gây dị ứng ở người. Chất erythrosine sử dụng trong chế biến kẹo, bánh nướng, gia vị có khả năng gây ung thư tuyến giáp. Chất allura red dùng trong chế biến thực phẩm ăn nhẹ và nước uống không cồn có thể gây dị ứng, hen suyễn, viêm mũi, chứng hiếu động thái quá ở trẻ em.
Theo TTXVN