(GLO)- Mật ong rừng là sản phẩm quý và đang dần bị khai thác đến mức cạn kiệt. Chính nguồn cung không đủ cho nhu cầu ngày càng lớn đã khiến một số đối tượng trên địa bàn tỉnh Gia Lai, Kon Tum thừa cơ chế biến giả mật ong rừng nhằm đánh lừa người tiêu dùng.
Cạn kiệt mật ong rừng
Huyện Kbang là địa phương có diện tích rừng lớn với Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh và Khu Bảo tồn Thiên nhiên Kon Chư Răng. Đây được xem là nơi có trữ lượng mật ong rừng lớn, chất lượng. Chính vì vậy, nhiều người đã không quản khó khăn đến đây để săn mật ong rừng đem về bán với giá cao.
Len lỏi giữa các cánh rừng đi tìm mật ong. Ảnh: N.H |
Anh Tấn-ngụ tại xã Sơn Lang, huyện Kbang cho biết, cứ vào đầu mùa khô (tháng 2, 3) hàng năm, nhóm của anh gồm 3-4 người len lỏi giữa các cánh rừng để đi tìm mật ong. Theo anh Tấn, trước đây mật ong rừng nhiều lắm, nhưng hiện nay số lượng người đi kiếm mật đông nên mật càng ngày càng khan hiếm. “Nếu như trước mỗi mùa mật tôi cũng phải kiếm được trên 50 lít, thì nay đã giảm đi nhiều, có mùa chỉ có hơn chục lít”-anh Tấn nói và cho biết số lượng mật anh đi lấy về đều đã được đặt mua trước.
Tương tự, anh Tùng, ngụ tại huyện Krông Pa, người chuyên đi săn mật ong rừng cũng cho biết, nếu như trước đây mỗi mùa anh có thể kiếm được khoảng 100 lít mật thì hiện nay chỉ khoảng 20-30 lít là nhiều. Người muốn mua phải đặt trước mới có mật ong rừng tự nhiên. Hiện 1 lít mật ong rừng được anh bán với giá 500.000 đồng. Cũng theo anh Tùng, chính vì mật ong rừng tự nhiên ngày càng khan hiếm, nhiều người dân tìm cách làm giả mật ong nuôi thành mật ong rừng để đánh lừa người tiêu dùng.
Đề cập đến việc tràn lan mật ong rừng, anh Trần Quốc Hưng-chủ một cơ sở kinh doanh mật ong trên địa bàn TP. Pleiku cho biết, hiện nay mật ong rừng gần như không còn trên thị trường. Các loại mật ong được bán ra hiện nay phần lớn là mật ong nuôi rồi lập lận là mật ong rừng để bán được giá cao. Những người làm giả có bí quyết riêng để che mắt người tiêu dùng. Tuy nhiên, bí quyết cụ thể như thế nào anh Hưng từ chối tiết lộ.
Trong khi đó, một người nuôi ong tại địa bàn huyện Krông Pa tiết lộ, cách những người làm giả mật ong rừng hay dùng nhất là trộn chung tỷ lệ 40% mật ong rừng với 60% mật ong nuôi. Chính vì vậy, chỉ có người trong nghề mới phân biệt được, còn người dân bình thường thì vẫn tin đó là mật ong rừng 100%.
Đủ chiêu lừa bán
Sáng 23-8, anh Hoàng Anh Tuấn (phường Yên Đổ, TP. Pleiku) bất ngờ nhận được cuộc gọi từ số điện thoại 0937210xxx. Vừa bắt máy,phía bên kia đầu dây nói ngay: “Anh Tuấn hả, bữa trước ngồi nhậu anh nhờ em mua 2 lít mật ong rừng, em tìm được rồi, anh ở chỗ nào em mang tới liền. Giá em mua được của mấy người trực tiếp đi rừng nên chỉ có 600.000 đồng/lít thôi”. Đang băn khoăn không nhớ là mình có nhờ ai mua mật ong không, nhưng không muốn thất hứa, anh Tuấn cho địa chỉ nhà bố mẹ anh để người kia mang tới vì bản thân đang đi công tác ở huyện.
Đến tối về, anh Tuấn phát hiện chai mật ong có màu nâu đỏ, chứ không phải màu vàng óng như mật ong rừng anh thường thấy. Lên mạng tìm cách phân biệt như dùng cọng hành hay nhỏ mật ong vào cốc nước thì anh xác định 2 lít mật kia là mật ong nuôi có giá chỉ khoảng 100.000 đồng lít.
Còn anh Nguyễn Thành (phường Yên Thế, TP. Pleiku) trong lúc đang chờ đón người quen tại Bến xe Đức Long Gia Lai thì được một thanh niên đeo ba lô tìm tới gạ bán 2 chai mật ong loại 500 ml. Thanh niên này khẳng định, đây là mật ong rừng tại huyện Kbang và đang định mang về quê biếu cha mẹ, nhưng không may rơi mất ví nên phải bán để lấy tiền về xe. Dù không biết thử mật ong, nhưng thấy thương cảm nên anh Thành đồng ý mua 2 chai mật ong với giá 600 ngàn đồng. Khi mang về nhà không lâu thì phát hiện có cả lớp đường nổi lên trên nắp.
Cách đây không lâu, chị Lê Thị Hạnh (huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum) cũng bị lừa mua mật ong rừng với giá cắt cổ. Chị Hạnh cho biết, trong một lần đến xã Ngọc Yêu, huyện Tu Mơ Rông thăm người thân thì thấy 2 người đàn ông xách theo xô mật ong đứng giữa đường. Nhìn vào xô chứa thấy có khoảng hơn 3 lít mật ong, có cả sáp và những con ong còn sống nên chị tưởng mật ong thật và quyết định mua hết với giá 1,5 triệu đồng.
Sau khi lấy được gần 3 lít mật, chị gửi 2 lít về quê biếu bố mẹ, số còn lại để trong tủ lạnh để con nhỏ dùng dần. Khoảng một tuần sau chị kiểm tra thì phát hiện chai mật có hiện tượng đóng đường dưới đáy chai. Khi nhờ người am hiểu kiểm tra thì phát hiện đó không phải là mật ong rừng chính hiệu. “Nhìn họ như vừa đi bắt ong ra, trong xô còn cả ong sống. Đến giờ nghĩ lại tôi vẫn không tin mình bị lừa”-chị Hạnh nói.
Nam Hoàng