(GLO)- Tuy được chính quyền đặc biệt quan tâm nhưng công tác thu hồi đất rừng bị lấn chiếm để chuyển sang cây trồng phù hợp với mục đích lâm nghiệp và trồng rừng ở huyện Ia Grai, Gia Lai vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thách thức.
Xã Ia Bă là địa bàn nổi cộm của huyện Ia Grai với nhiều vụ chống đối của người dân khi các đơn vị chủ rừng tiến hành thu hồi đất rừng bị lấn chiếm. Cụ thể, ngày 21-7-2017, Ban Quản lý Rừng phòng hộ (QLRPH) Bắc Ia Grai tiến hành thu hồi đất bị lấn chiếm đã bị người dân xã này chống đối, đánh bị thương một nhân viên bảo vệ rừng; hay khi Ban QLRPH Ia Ly huy động lực lượng phát dọn thực bì chuẩn bị trồng rừng năm 2017 trên địa bàn xã Ia Bă thì bị người dân phản ứng nên đến nay vẫn chưa thực hiện được…
Việc thu hồi đất rừng bị lấn chiếm để chuyển sang trồng rừng còn gặp nhiều khó khăn do chưa nhận được sự đồng thuận cao từ phía người dân. Ảnh: Q.T |
Theo ông Nguyễn Xuân Bổn-Chủ tịch UBND xã Ia Bă, tổng diện tích đất lâm nghiệp trên địa bàn xã bị lấn chiếm cần phải thu hồi là 144,46 ha. Phần lớn diện tích này đã được người dân (chủ yếu là người dân tộc thiểu số) trồng điều, mì... Đây cũng là nguồn thu nhập chính của nhiều hộ. Trong khi đó, nếu chuyển diện tích này sang trồng cây lâm nghiệp thì trong thời gian chờ thu hoạch khá lâu (khoảng 5 đến 7 năm), bà con không có nguồn thu nhập khác để trang trải đời sống hàng ngày. Chính vì vậy, nhiều hộ dân không đồng thuận chủ trương thu hồi đất rừng bị lấn chiếm. Ngoài ra, một số diện tích đất lâm nghiệp trên địa bàn xã do người dân ở các xã lân cận đến xâm canh nên việc vận động, tuyên truyền cũng như triển khai các công việc liên quan đến thu hồi và chuyển đổi cây trồng rất khó khăn vì họ không hợp tác.
Theo thống kê của UBND các xã và đơn vị chủ rừng thì tổng diện tích đất rừng bị người dân lấn chiếm sử dụng trên địa bàn huyện Ia Grai là trên 4.000 ha. Trong đó, xã Ia Bă có hơn 144 ha đất rừng bị người dân lấn chiếm; xã Ia Grăng gần 16 ha; xã Ia Pếch 168 ha; Ban QLRPH Bắc Ia Grai (xã Ia Khai, Ia Grăng và Ia Bă) trên 1.028 ha; Ban QLRPH Ia Grai (xã Ia O và Ia Chía) hơn 2.733 ha. Phần lớn diện tích đất rừng bị lấn chiếm đang được người dân trồng mì và điều. |
Thực hiện Kế hoạch số 1123/KH-UBND ngày 23-3-2017 của UBND tỉnh về tổ chức thu hồi diện tích rừng bị lấn chiếm để chuyển sang cây trồng phù hợp mục đích lâm nghiệp và trồng rừng, UBND huyện Ia Grai đã xây dựng kế hoạch thu hồi đất rừng bị lấn chiếm giai đoạn 2017-2020 trên địa bàn. Cụ thể, diện tích cần thu hồi trong 3 năm (2017-2019) là trên 1.816 ha. Hiện đa phần diện tích này đều đang được người dân canh tác nông nghiệp với các cây trồng chủ yếu như: lúa, mì, điều, cà phê... Trong đó, diện tích đất rừng bị lấn chiếm và đang canh tác nông nghiệp dự kiến vận động, khuyến khích người dân tự nguyện kê khai là gần 810 ha; diện tích rừng bị lấn chiếm dự kiến giao lại cho người dân trồng rừng có hưởng lợi theo Nghị định 75/2015/NĐ-CP và Quyết định 38/2016/QĐ-TTg của Chính phủ do UBND các xã Ia Grăng, Ia Bă và Ia Pếch quản lý là hơn 428 ha; diện tích đất rừng bị lấn chiếm dự kiến thu hồi để trồng rừng của các đơn vị chủ rừng (theo Kế hoạch số 36/KH-UBND của UBND huyện) là 578,6 ha. Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện công tác thu hồi đất rừng bị lấn chiếm để chuyển sang cây trồng phù hợp với mục đích lâm nghiệp trên địa bàn gặp phải một số khó khăn, vướng mắc.
Ông Lâm Văn Long-Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Ia Grai-cho biết: Công tác tuyên truyền đến cộng đồng dân cư cũng như tuyên truyền cá biệt còn nhiều bất cập; nhận thức của người dân trong việc thu hồi và nhận khoán đất lâm nghiệp để trồng rừng sản xuất hưởng lợi còn hạn chế. Đối tượng lấn chiếm đất rừng trên địa bàn huyện chủ yếu là người dân tộc thiểu số có cuộc sống khó khăn; mục đích lấn chiếm là để trồng điều và các loại cây nông nghiệp ngắn ngày như lúa, mì nhằm phục vụ cuộc sống hàng ngày của gia đình nên việc triển khai thu hồi gặp phải sự chống đối, không đồng thuận của người dân. Ngoài ra, nguồn kinh phí hỗ trợ trồng rừng sản xuất theo Nghị định 75/2015/NĐ-CP và Quyết định 38/2016/QĐ-TTg năm đầu tiên là 2 triệu đồng/ha không đủ để các hộ dân mua giống trồng đúng mật độ. Trong khi đó, các hộ dân đăng ký trồng rừng đa phần là đồng bào dân tộc thiểu số có cuộc sống khó khăn, không có kinh phí, nguồn nhân lực để phát dọn thực bì, mua thêm cây giống. Chính vì những nguyên nhân trên nên việc vận động người dân trên địa bàn huyện tự nguyện kê khai, đăng ký trồng rừng hết sức khó khăn.
Tuy vậy, trong 2 năm (2017 và 2018), Ban Chỉ đạo của huyện và các xã đã vận động được 92 hộ dân tự nguyện kê khai diện tích, vị trí đất lấn chiếm với tổng diện tích trên 109 ha. Ngoài ra, Ban Chỉ đạo thu hồi đất rừng bị lấn chiếm xã Ia Khai đã phối hợp với Ban QLRPH Bắc Ia Grai tổ chức vận động được 53 hộ dân tự nguyện trả đất lấn chiếm để giao cho Ban trồng rừng phòng hộ. Theo đó, năm 2017, huyện Ia Grai đã tổ chức trồng được gần 209 ha rừng tập trung, đạt 101,6% kế hoạch tỉnh giao. Năm 2018, huyện đã triển khai trồng được trên 107 ha rừng tập trung, đạt trên 107% kế hoạch tỉnh giao.
Quang Tấn