Giàu nhờ cà phê sạch

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sau hơn 20 năm gắn bó với cây cà phê, gia đình anh Phan Hữu Dương (tổ 3, thị trấn Ia Ly, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai) đã xây dựng được thương hiệu cà phê Xuân Dương. Với phương châm “Sạch từ nông trại đến ly cà phê”, cà phê Xuân Dương được “gắn sao” OCOP cấp tỉnh và thu nhập 300-400 triệu đồng/ha/năm.

Từ canh tác bán hữu cơ

Năm 1989, gia đình anh Phan Hữu Dương rời quê hương Nghệ An vào Gia Lai làm công nhân tại công trường xây dựng Thủy điện Ia Ly. Anh Dương kể: Gần 10 năm làm công nhân nhưng thu nhập cũng chỉ đủ trang trải cuộc sống hàng ngày. Năm 1998, vợ chồng tôi quyết định nghỉ làm công nhân và gom góp tiền mua đất để trồng cây cà phê. “Những năm đầu chưa có kỹ thuật, kinh nghiệm nên thấy người dân ở đây làm sao thì mình làm theo vậy. Tôi thấy trồng cà phê quá lạm dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật dẫn đến chi phí đầu tư cao lại ảnh hưởng đến môi trường và chất lượng cà phê”-anh Dương cho biết.

Để nâng cao giá trị, chất lượng sản phẩm cà phê, anh Dương đã tìm tòi, học hỏi cách trồng, chăm sóc ở nhiều nơi. Năm 2007, anh bắt tay cải tạo vườn cà phê bằng cách thay đổi chế độ chăm sóc theo hướng hữu cơ. “Mỗi năm, tôi tăng lượng phân NPK hữu cơ, phân sinh học và giảm dần phân hóa học. Đồng thời, để cỏ mọc tự nhiên giúp bảo vệ đất, giữ nước, tạo điều kiện thiên địch có lợi cho cây phát triển, giảm tác hại đến môi trường và bảo vệ sức khỏe con người. Ngoài ra, tôi còn áp dụng mô hình canh tác cà phê đa thân, không hãm ngọn, không cắt cành tạo tán. Cách làm này giúp giảm nhiều công lao động mà năng suất bình quân đạt 25-27 tấn tươi/ha. Nhiều người thấy mô hình này thì cho rằng tôi khùng, làm cà phê “lười”-anh Dương chia sẻ.

  Anh Phan Hữu Dương chế biến cà phê theo phương pháp honey. Ảnh: Gia Hưng
Anh Phan Hữu Dương chế biến cà phê theo phương pháp honey. Ảnh: Gia Hưng



Bên cạnh đó, anh Dương còn liên kết với 30 hộ dân để hình thành tổ sản xuất cà phê theo hướng hữu cơ với diện tích hơn 35 ha. Thông qua tổ liên kết, các thành viên có thể trao đổi kinh nghiệm, hướng dẫn nhau từ khâu chăm sóc, thu hoạch, chế biến. Ông Đoàn Xuân Bính (tổ 1, thị trấn Ia Ly) cho biết: “Mô hình này giúp tôi giảm chi phí nhân công làm cỏ, cắt cành, giảm thuốc bảo vệ thực vật, phân bón vô cơ nhưng năng suất vườn cây vẫn giữ ổn định 6-7 tấn nhân/ha. Mỗi năm, gia đình thu nhập 150 triệu đồng/ha”.

Đến xây dựng thương hiệu cà phê sạch

Có nguồn nguyên liệu sạch, anh Dương tiếp tục đầu tư máy móc chế biến cà phê ướt theo phương pháp honey (mật ong) để nâng cao giá trị sản phẩm. Anh chia sẻ: Cà phê đạt độ chín trên 90% thì bắt đầu thu hoạch rồi cho vào bể nước để loại bỏ những quả kém chất lượng và tạp chất. Sau đó, đưa vào máy xay ướt để loại bỏ vỏ. Nhân cà phê sau khi được tách vỏ sẽ đưa vào ủ lên men trước khi đưa ra phơi nắng tự nhiên. Trong quá trình ủ, chất đường ngấm vào nhân cà phê nhằm tạo vị ngọt. Nhân cà phê sau khi trải qua quá trình sơ chế nhưng vẫn còn lớp vỏ trấu cứng bên ngoài tránh bị côn trùng và một số tác nhân khác làm hư hại. Khi giao cho khách hàng mới tiến hành xay tách vỏ trấu. Với phương pháp này, sản phẩm nhân cà phê bán ra thị trường có giá cao gấp đôi so với cách làm truyền thống.

Năm 2016, khi có nguồn nguyên liệu tốt, anh Dương tiếp tục đầu tư hệ thống máy rang xay, chế biến, đóng gói mang thương hiệu cà phê Xuân Dương. Đến năm 2019, anh Dương đưa sản phẩm cà phê Xuân Dương đăng ký tham gia Chương trình OCOP và đạt 3 sao cấp tỉnh. Theo anh Dương, để cho ra sản phẩm đạt chất lượng, khâu chế biến rất quan trọng. “Quan điểm của tôi là muốn có sản phẩm tốt thì nguyên liệu phải tốt, muốn có cà phê ngon thì nguyên liệu phải sạch. Tôi luôn xác định làm hàng đặc sản chứ không làm thương mại. Sau khi trừ chi phí đầu tư, gia đình tôi đạt lợi nhuận 1,6-2 tỷ đồng/năm”-anh Dương vui vẻ nói.

Nhận xét về mô hình của anh Dương, ông Nguyễn Công Sơn-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Păh-cho rằng: Sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ đang là xu hướng tất yếu. Mô hình sản xuất cà phê bán hữu cơ của gia đình anh Dương là hướng đi mới của địa phương. “Để nâng cao hiệu quả trong sản xuất, tạo ra nguồn nguyên liệu sạch, đảm bảo chất lượng thì người trồng cà phê cần đẩy mạnh việc tái canh, đưa những giống năng suất chất lượng cao vào canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP, 4C hoặc hữu cơ. Huyện luôn khuyến khích người dân chủ động tiếp cận với những phương pháp chế biến sâu để nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm và mang lại hiệu quả kinh tế cao”-ông Sơn thông tin thêm.

 

GIA HƯNG

Có thể bạn quan tâm

Hiểu lịch sử qua tranh vẽ “Em yêu chiến sĩ Điện Biên”

Hiểu lịch sử qua tranh vẽ “Em yêu chiến sĩ Điện Biên”

(GLO)- Cuộc thi vẽ tranh với chủ đề “Em yêu chiến sĩ Điện Biên” do Tỉnh Đoàn-Hội đồng Đội tỉnh Gia Lai tổ chức không chỉ tạo cơ hội cho các họa sĩ “nhí” thể hiện năng khiếu, sự sáng tạo, mà còn là dịp để nâng cao hiểu biết về lịch sử và ý nghĩa của chiến thắng Điện Biên Phủ.
Trao 19 giải Hội thi vẽ tranh “Thiếu nhi Gia Lai làm nghìn việc tốt” năm 2024

Trao 19 giải Hội thi vẽ tranh “Thiếu nhi Gia Lai làm nghìn việc tốt” năm 2024

(GLO)- Sáng 5-5, Trung tâm Hoạt động Thanh thiếu nhi tỉnh phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo TP. Pleiku tổng kết và trao giải Hội thi vẽ tranh “Thiếu nhi Gia Lai làm nghìn việc tốt” năm 2024. Đây là hoạt động chào mừng kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024).