Dọc tuyến tỉnh lộ 664 (đoạn qua xã Ia Krai, Ia Khai, Ia O thuộc huyện Ia Grai, Gia Lai) và xã Ia Tơi (tỉnh Kon Tum), các xe “hết đát” mang biển số lạ nằm chình ình hai bên đường...
Chạy dọc tỉnh lộ 644 qua các xã Ia Krái, Ia Khai, Ia O (huyện Ia Grai, Gia Lai) và QL14C đoạn qua xã Ia Tơi (Huyện Ia Hdrai, Kon Tum) xe “hết đát”, xe độ chế nằm ngổn ngang hai bên đường và các xưởng sửa ô tô dọc các làng vùng sâu.
Tận mắt, chúng tôi đã chứng kiến các loại xe For Transit xe 16 chỗ đã ‘hết đát”, mang biển số lạ và những loại xe độ chế mà người dân gọi là “bò vàng”, xe cẩu kéo… nằm dọc trục đường. Lâu lâu, xuất hiện những chiếc xe này chạy “băng băng” trên đường.
Theo ghi nhận, Hạt kiểm lâm huyện Ia Hdrai, UBND xã Ia Tơi (Kon Tum), đang tạm giữ hàng trăm các loại xe hết đát và phà chuyên dùng để chở gỗ lậu.
Trao đổi với chúng tôi, ông Lương Việt Tú – Hạt trưởng Hạt kiểm Lâm huyện Ia Hrai (Kon Tum) cho biết: “Các phương tiện “hết đát” thường là xe độ chế hết thời gian đăng kiểm, hết thời hạn sử dụng, số khung số máy bị thay đổi và thường được sang tay nhiều đời chủ. Bằng nhiều con đường, các xe “hết đát” đã tràn vào khu vực biên giới này để phục vụ cho việc chuyên chở gỗ lậu đi tiêu thụ. Khi chúng tôi phát hiện thì các đối tượng thường rất hung hãn chống đối người thi hành công vụ hoặc bỏ phương tiện lại và chạy…”.
“Khi chúng tôi thu giữ xe về, rất khó xác định được chủ phương tiện vì xe “hết đát” sử dụng số khung và số máy giả… Các vụ phát hiện xe “hết đát” thì đều là vô chủ, rất khó để xử lý…
Để ngăn chặn tình trạng vận chuyển xe “hết đát” phục vụ chở gỗ lậu, huyện đã có nhiều văn bản chỉ đạo rà soát, kiểm tra các loại phương tiện không hoạt động, ngăn chặn các xe không rõ nguồn gốc vào khu vực biên giới…”, ông Tú cho biết thêm.
Trao đổi với chúng tôi, Trung tá Trần Dũng Sỹ - Đội trưởng Đội Giao thông (Công an huyện Ia Grai) cho biết: “Khi thu giữ các xe hết đát này thì rất khó để xử lý và phải qua nhiều bước nên số lượng xe tồn trong bãi tạm giữ còn rất nhiều. Cụ thể, nếu muốn xử lý loại xe này cần phải đăng thông báo tìm chủ phương tiện sau đó làm các loại hồ sơ để tiến hành thanh lý. Tuy nhiên, xét về giá trị thì các xe này không còn khả năng sử dụng lưu hành…”.
Hiện nay, tại bãi tại giữ của UBND xã, Hạt kiểm lâm, số lượng xe “hết đát” bị thu giữ ngày càng nhiều. Bằng nhiều hình thức, các đối tượng đã bỏ các ghế ra để dành chỗ chứa các khối gỗ lậu xẻ hộp.
Nguy hiểm hơn, các loại đầu kéo được đội chế từ nhiều phương tiện khác nhau để tiến hành kéo, vận chuyển gỗ lậu từ rừng, qua các sông để chở gỗ đi tiêu thụ. Khi gặp lượng lực chức năng thì các đối tượng chống đối và bỏ chạy với tốc độ cao gây nguy hiểm cho các phương tiện lưu thông.
Phổ biến nhất là các chiếc xe For Tranxit thường được tháo ghế để chở gỗ đi tiêu thụ
Hàng trăm chiếc xe 16 chỗ "hết đát" đang vận chuyển gỗ lậu bị cơ quan chức năng hai tỉnh Gia Lai, Kon Tum thu giữ
Những chiếc xe "hết đát" khi bắt giữ, lực lượng chức năng rất khó xử lý vì không tìm ra chủ và giá trị kinh tế không cao trong khi xử lý theo quy định thường rất tốn kém
Những chiếc xe "hết đát" cũng được độ chế nhằm chở gỗ
Những chiếc xe độ chế mà người địa phương gọi là Bò Vàng, bò Nghé được dùng phổ biến để chuyên chở gỗ lậu từng rừng ra
Xe độ chế chở những khúc gỗ từ rừng ra bị lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ
Nhằm tránh sự kiểm soát, lâm tặc còn sử dụng các phà để chở gỗ lậu trên các con sông vùng giáp ranh hai tỉnh
Tinh vi hơn, các đối tượng lâm tặc còn sử dụng phà để chở các xe tải hạng nặng chứa gỗ lậu trên sông
Hàng loạt chiếc xe độ chế nằm dọc tuyến tỉnh lộ 644 (Gia Lai) và QL14C (Kon Tum)
Xe độ chế nằm "ngổn ngang" trên biên giới hai tỉnh Gia Lai, Kon Tum
Một vụ xe "hết đát" chở gỗ lậu chạy bạt mạng trên đường QL19, (tuyến Đức Cơ - TP.Pleiku) gây tai nạn khiến 3 người thương vong vào cuối năm 2017
Phạm Hoàng (Dân trí)