(GLO)- Nhằm chủ động trong công tác phòng-chống bệnh viêm não vi rút (trong đó có phòng-chống bệnh viêm não Nhật Bản), hạn chế tối đa các trường hợp tử vong, ngày 18-7, UBND tỉnh ban hành Công văn số 2613/UBND-VHXH, yêu cầu các sở, ngành, địa phương tập trung chỉ đạo và triển khai thực hiện.
Tiêm phòng cho trẻ tại phòng tiêm dịch vụ Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh. Ảnh: Nguyễn Giác |
Theo đó, Sở Y tế chỉ đạo hệ thống y tế tăng cường giám sát dịch tễ, giám sát bệnh nhân viêm não vi rút, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh tại các cơ sở khám- chữa bệnh và tại cộng đồng. Khi có ca bệnh xảy ra phải khẩn trương khoanh vùng, xử lý triệt để theo hướng dẫn của Bộ Y tế, không để bùng phát thành dịch; đảm bảo 100% số trường hợp mắc viêm não vi rút được giám sát, lấy mẫu và báo cáo theo quy định. Đồng thời, chỉ đạo các cơ sở khám-chữa bệnh chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc, vật tư trang-thiết bị, hóa chất, bố trí giường bệnh, nhân lực phù hợp làm tốt công tác thu dung, cấp cứu, điều trị, chăm sóc bệnh nhân nhằm hạn chế đến mức thấp nhất tỷ lệ tử vong do bệnh viêm não vi rút, trong đó có viêm não Nhật Bản; tăng cường công tác chỉ đạo tuyến và hỗ trợ tuyến dưới, nhất là hỗ trợ trong công tác tập huấn và công tác chẩn đoán, điều trị các trường hợp có diễn biến phức tạp và biến chứng nặng; theo dõi, đôn đốc và chi viện về nhân lực và trang-thiết bị, thuốc men cho các bệnh viện có nhiều bệnh nhân.
Ngoài ra, chỉ đạo hệ thống y tế phối hợp với các địa phương khẩn trương rà soát, lập danh sách các cháu trong độ tuổi từ 12 đến 36 tháng, tiến hành tiêm vắc xin viêm não Nhật Bản mũi 1, mũi 2 và hoàn thành trong tháng 7, 8-2014, tiếp tục tiêm mũi 3 trong những tháng tiếp theo đúng lịch tiêm chủng của Bộ Y tế quy định; chỉ đạo Trung tâm Truyền thông Giáo dục Sức khỏe tập trung đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng thực hành về phòng-chống bệnh viêm não vi rút.
Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh-Truyền hình tỉnh và Báo Gia Lai phối hợp chỉ đạo công tác thông tin về tình hình bệnh viêm não vi rút, viêm não Nhật Bản; tuyên truyền rộng rãi các biện pháp phòng-chống nhằm giúp người dân nhận thức đúng về sự nguy hiểm của bệnh, tự giác, chủ động thực hiện có hiệu quả các biện pháp phòng ngừa; tuyên truyền lợi ích của việc tiêm chủng phòng bệnh và động viên các gia đình có con nhỏ trong độ tuổi tiêm chủng đến các cơ sở tiêm phòng trên địa bàn để được tiêm chủng đủ liều, đúng lịch. Cùng với đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền vệ sinh nâng cao sức khỏe nhân dân, huy động sự tham gia tích cực của cộng đồng trong việc triển khai các hoạt động vệ sinh môi trường, nhà ở, khu chăn nuôi, chuồng trại; thường xuyên diệt muỗi, bọ gậy; thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm...
Sở Tài chính hướng dẫn các địa phương hỗ trợ kinh phí đảm bảo công tác phòng- chống dịch bệnh viêm não vi rút, viêm não Nhật Bản, tạo điều kiện để các cơ quan chức năng hoạt động có hiệu quả nếu có dịch xảy ra.
Ủy ban Nhân dân các địa phương tiếp tục kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng-chống dịch cấp huyện, xã và chỉ đạo y tế huyện xây dựng kế hoạch phòng-chống bệnh nhằm đáp ứng được công tác giám sát, phát hiện, thu dung điều trị trong mọi tình huống của dịch bệnh; tiếp tục chỉ đạo Trung tâm Y tế huyện đẩy mạnh công tác tiêm chủng các loại vắc xin phòng bệnh cho trẻ em trong độ tuổi tiêm chủng; chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, các đơn vị liên quan tuyên truyền, vận động nhân dân đưa các cháu từ 12 đến 24 tháng chưa tiêm vắc xin viêm não đến các điểm tiêm chủng để tiêm vắc xin mũi 1, mũi 2 và tiếp tục tiêm mũi 3 cho trẻ em từ 25 đến 36 tháng tuổi; chỉ đạo các đơn vị chức năng liên quan tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động cán bộ, nhân dân tham gia thực hiện tốt các biện pháp phòng-chống dịch bệnh nói chung và bệnh viêm não vi rút nói riêng.
Hồng Thi