(GLO)- Mặc dù các sở, ngành, địa phương trong tỉnh tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trật tự an toàn giao thông nhưng tình hình tai nạn giao thông (TNGT) trên địa bàn Gia Lai vẫn diễn biến phức tạp. Vì vậy, việc tăng cường các giải pháp kiềm chế TNGT trong những tháng cuối năm 2018 đang được các sở, ngành, địa phương hết sức quan tâm.
Tai nạn giao thông diễn biến phức tạp
Theo đánh giá của Sở Giao thông-Vận tải, tình hình TNGT 6 tháng đầu năm 2018 trên địa bàn tỉnh vẫn diễn biến phức tạp, số người chết tăng 3,65% so với cùng kỳ năm 2017. Cụ thể, toàn tỉnh xảy ra 207 vụ TNGT (trong đó có 14 vụ rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng), làm chết 142 người, bị thương 202 người. Có 7 địa phương tăng về số người chết, gồm: Đức Cơ, Kông Chro, Krông Pa, An Khê, Chư Prông, Ia Grai và Đak Đoa.
Hiện trường một vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng xảy ra trên quốc lộ 19 (đoạn qua địa bàn huyện Mang Yang) vào tháng 3-2017. Ảnh: Minh Nguyễn |
Phân tích của Sở Giao thông-Vận tải cho thấy, có 8/14 vụ TNGT rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến đồng bào dân tộc thiểu số. Nguyên nhân là do phần lớn thanh-thiếu niên người dân tộc thiểu số điều khiển xe mô tô đã độ chế để tăng tốc độ, thay đổi đặc tính của xe hoặc xe đã quá cũ nát không đủ điều kiện lưu hành, không có giấy phép lái xe, không đội mũ bảo hiểm, chở nhiều người, phóng nhanh, vượt ẩu. Chính điều này khiến tình hình TNGT liên quan đến người dân tộc thiểu số diễn biến bất thường, mức độ hậu quả ngày càng nghiêm trọng (chiếm 50% số người chết vì TNGT). So với cùng kỳ năm ngoái, TNGT liên quan đến người dân tộc thiểu số tăng trên 19% về số vụ, tăng 73,17% số người chết và tăng 9,76% số người bị thương...
Nhận định về nguyên nhân khiến tình hình TNGT còn diễn biến phức tạp, ông Lê Văn Hạnh-Phó Giám đốc phụ trách Sở Giao thông-Vận tải, Phó Trưởng ban Thường trực Ban An toàn Giao thông tỉnh-cho rằng: Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong thời gian qua tuy có nhiều cố gắng nhưng vẫn chưa tác động mạnh mẽ để làm chuyển biến ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông. Đặc biệt, sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền địa phương một số nơi chưa quyết liệt, đồng bộ và chưa duy trì thực hiện thường xuyên các giải pháp kéo giảm TNGT bền vững. Sự phối hợp của Mặt trận, các đoàn thể và chính quyền trong công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật ở cơ sở còn hạn chế. Nhiều địa phương vẫn còn để một số đối tượng thanh niên hư hỏng, càn quấy, tự độ chế xe mô tô chạy tốc độ cao, lạng lách, đánh võng là nguyên nhân dẫn đến các vụ tai nạn gây hậu quả rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng. Công tác quản lý máy kéo nhỏ phục vụ sản xuất nông-lâm nghiệp còn hạn chế, lúng túng nên tình trạng máy kéo nhỏ kéo theo rơ moóc chở người lưu thông trên quốc lộ, tỉnh lộ vẫn tồn tại mà chưa có giải pháp ngăn chặn hữu hiệu. Bên cạnh đó, tình trạng xe mô tô độ chế không đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật, người điều khiển phương tiện không có giấy phép lái xe vẫn còn diễn ra ở nhiều địa phương.
Đề xuất giải pháp kéo giảm TNGT
Đức Cơ là một trong những địa phương để TNGT gia tăng với tỷ lệ rất cao trong 6 tháng đầu năm 2018. Đại tá Lê Đức Đạo-Trưởng Công an huyện Đức Cơ-cho biết: Đơn vị đã tập trung lực lượng phối hợp các ban, ngành, đoàn thể và các chức sắc tôn giáo của huyện, xã tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao ý thức của người tham gia giao thông. Đồng thời, chỉ đạo lực lượng Cảnh sát Giao thông phối hợp với Công an xã rà soát, gọi hỏi răn đe các đối tượng thanh-thiếu niên hư hỏng, thường tụ tập đua xe, lạng lách, đánh võng, tiềm ẩn nguy cơ TNGT cho người đi đường; xử lý nghiêm các trường hợp xe không đảm bảo an toàn kỹ thuật, không giấy tờ; tổ chức ký cam kết với chủ phương tiện xe công nông không được chở người, lưu thông trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ và phải gắn biển phản quang khi tham gia giao thông… “Chúng tôi đã thành lập 30 tổ công tác ở 10 xã do 1 Cảnh sát Giao thông làm tổ trưởng phối hợp cùng với Công an xã tổ chức rà soát, đánh giá phân loại xe độ chế không đảm bảo an toàn giao thông; tăng cường công tác tuần tra kiểm soát và thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn giao thông tại cơ sở”-Đại tá Đạo thông tin.
Nhiều địa phương đã tổ chức ký cam kết với chủ phương tiện xe công nông không được chở người, lưu thông trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ. Ảnh: Minh Triều |
Trong khi đó, Thượng tá Phùng Quang Tuấn-Trưởng Công an huyện Krông Pa-cho hay: Từ đầu năm đến nay, lực lượng Cảnh sát Giao thông Công an huyện đã phát hiện và lập biên bản 79 trường hợp, xử phạt hơn 60 triệu đồng với các lỗi vi phạm như: độ chế pô hoặc thay đổi một số bộ phận kỹ thuật, đôn nòng... “Để loại bỏ các mối nguy hiểm tiềm ẩn của xe máy độ chế, chúng tôi đã chỉ đạo lực lượng Cảnh sát Giao thông tăng cường tuần tra, xử lý vi phạm đối với loại xe này; chủ động phối hợp với UBND các xã, thị trấn lên danh sách các tiệm sửa xe để yêu cầu viết cam kết không tiếp tay hoặc “độ” xe, nếu vi phạm sẽ bị xử lý hành chính theo quy định”-Thượng tá Tuấn nói.
Phó Giám đốc phụ trách Sở Giao thông-Vận tải Lê Văn Hạnh cũng cho biết: Sau vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến xe công nông chở người xảy ra trên địa bàn huyện Kông Chro, Sở cũng như Ban An toàn Giao thông tỉnh đã tham mưu cho UBND tỉnh có công điện chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố chấn chỉnh việc tuần tra, kiểm soát các phương tiện xe công nông, máy kéo lưu thông trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ và khu đông dân cư. “Trong thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục tham mưu giải pháp để làm sao hạn chế xe công nông chở người; phối hợp với UBND các huyện chỉ đạo lực lượng chức năng kiểm tra những vị trí giao cắt giữa quốc lộ, tỉnh lộ với các tuyến đường giao thông nông thôn nhằm xem những đoạn nào có thể cho xe máy kéo đi được, cũng như thời điểm lưu thông vào lúc sáng sớm hoặc buổi chiều. Chúng tôi cũng sẽ bố trí lực lượng chức năng hướng dẫn, kiểm soát loại xe này nhằm đảm bảo trật tự an toàn giao thông, hạn chế các vụ tai nạn nghiêm trọng cũng như tạo thuận lợi hơn cho người dân trong việc mưu sinh”-ông Hạnh nhấn mạnh.
Minh Nguyễn