(GLO)- Do ảnh hưởng của bão số 5, tại các huyện, thị xã phía Đông và Đông Nam tỉnh Gia Lai có mưa rất to kèm theo gió mạnh gây ngập cục bộ một số vùng, hoa màu bị ngã đổ và làm tốc mái hàng trăm căn nhà. Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương khẩn trương nắm tình hình thiệt hại và triển khai các biện pháp khắc phục hậu quả mưa bão, giúp người dân ổn định đời sống.
Hàng trăm ngôi nhà bị tốc mái
Huyện Krông Pa là một trong những địa phương chịu thiệt hại nặng nề do bão số 5. Theo đó, từ ngày 30 đến 31-10, mưa lớn kèm theo gió mạnh đã làm tốc mái 36 căn nhà trên địa bàn các xã Uar, Ia Rsươm, Chư Rcăm, Chư Gu, Ia Rsai và Chư Drăng. Ngoài ra, mưa bão còn làm tốc mái Trạm Y tế cũ tại xã Uar và 2 phòng học ở trường mầm non (buôn Đoàn Kết 1, xã Chư Rcăm). Còn tại xã Ia Rsai, khu vực ngầm tràn suối Ia Rsai và ngầm tràn buôn Chư Tê nước qua mặt tràn 1 m, chia cắt 6 buôn của xã Ia Rsai. Đường vào buôn Kơ Nia (xã Ia Rmok), đường nội thôn buôn Sai, buôn Thưk (xã Chư Ngọc) bị sạt lở. Bà Rơ Ô HPếch (buôn Đoàn Kết, xã Chư Rcăm) kể: “Đêm 30-10 mưa rất to. Gần về sáng, mưa lớn kèm theo gió mạnh giật liên hồi đã làm cho mái nhà của gia đình tôi bị hất tung lên trời. Đến sáng 31-10, chính quyền địa phương đã xuống kiểm tra và động viên gia đình khắc phục tạm thời. Hiện chúng tôi đang nhờ lực lượng thanh niên, dân quân xã và bà con hàng xóm giúp sửa lại mái nhà để ở tạm”.
Lực lượng dân quân xã Kông Pla (huyện Kbang) giúp người dân lợp lại mái nhà. Ảnh: L.N |
Còn tại huyện Đak Pơ, theo số liệu báo cáo nhanh từ các xã trên địa bàn, bão số 5 đã làm tốc mái 73 căn nhà của người dân tại các xã Tân An, Cư An, Ya Hội, Yang Bắc và Phú An. Gió mạnh cũng làm đổ ngã 52 ha ớt đang trong giai đoạn thu hoạch, 35 ha lúa đang làm đòng, 2 ha bắp và làm sập giàn 3 ha chanh dây. Nước lớn tại một số suối còn gây chia cắt cục bộ một số thôn, làng ở xã Ya Hội.
Ngoài ra, bão số 5 cũng làm tốc mái nhiều căn nhà tại các huyện, thị xã gồm: huyện Mang Yang (26 căn nhà), Kbang (6 căn), Kông Chro (2 căn); thị xã Ayun Pa (1 căn); thị xã An Khê (3 căn). Khoảng 121 ha cây trồng như xoài, điều, chuối, bắp, mít, chanh dây, ớt, lúa nước bị ngã đổ. Rất may không có thiệt hại về người. Ông Đinh Groch (làng Briêng, xã Kông Pla, huyện Kbang) cho biết: “Mưa to và gió giật mạnh đã làm nhà mình bị tốc mái. Chính quyền xã đã xuống kiểm tra và hỗ trợ gia đình 1 triệu đồng để mua tôn về lợp lại mái nhà”.
Giúp dân khắc phục thiệt hại, chủ động ứng phó
Nhằm khẩn trương khắc phục thiệt hại do ảnh hưởng cơn bão số 5 gây ra trên địa bàn tỉnh, ngày 31-10, UBND tỉnh có Công văn hỏa tốc số 2434/UBND-NL yêu cầu các cấp, các ngành tập trung triển khai thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm. Theo đó, UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức thăm hỏi, hỗ trợ các gia đình có nhà bị hư hỏng, tốc mái. Huy động các đơn vị lực lượng vũ trang, đoàn viên, thanh niên, dân quân và các đơn vị liên quan cùng vật tư, phương tiện tại chỗ để kịp thời triển khai công tác khắc phục thiệt hại do ảnh hưởng của bão gây ra trên địa bàn, tổ chức cứu hộ cứu nạn. Tổ chức tiêu độc, khử trùng, vệ sinh môi trường, phòng dịch tại vùng bị ảnh hưởng của mưa lớn gây ngập nước. Chủ động chi ngân sách địa phương để khắc phục thiệt hại do ảnh hưởng của bão gây ra theo đúng quy định của pháp luật. Thường trực Ban Chỉ huy Phòng-chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh cùng các thành viên, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Sở Y tế thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ của mình, phối hợp với chính quyền địa phương tham gia khắc phục thiệt hại do ảnh hưởng của mưa lớn gây ra. |
Trước những thiệt hại nặng nề do mưa bão gây ra, để sớm ổn định đời sống người dân, các địa phương đã khẩn trương kiểm tra tình hình, thống kê thiệt hại, triển khai các biện pháp hỗ trợ, khắc phục. Ông Đinh Xuân Duyên-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ huy Phòng-chống thiên tai và Cứu nạn cứu hộ huyện Krông Pa-cho biết: Ngay khi nắm thông tin về bão số 5, UBND huyện đã có văn bản chỉ đạo tổ chức trực ban 24/24 giờ, kiểm tra tình hình mưa bão để có các biện pháp ứng phó kịp thời. Chủ động sơ tán, di dời dân ra khỏi các khu vực nguy hiểm và bố trí lực lượng gác tại các khu vực có nguy cơ sạt lở, không cho người dân qua lại các bến đò khi có lũ. Chuẩn bị đầy đủ phương tiện, nhân lực sẵn sàng tham gia ứng phó sự cố. “Đến nay mưa đã tạnh nhưng chúng tôi vẫn tiếp tục theo dõi tình hình và huy động lực lượng giúp người dân khắc phục tình trạng nhà bị tốc mái. Trước mắt, huyện sẽ hỗ trợ kinh phí 6 triệu đồng đối với hộ bị tốc mái hoàn toàn và 1-2 triệu đồng đối với hộ bị tốc mái một phần”-ông Duyên cho biết thêm.
Ông Huỳnh Văn Hơn-Phó Chủ tịch UBND huyện Đak Pơ-cũng cho hay: “Hiện chúng tôi đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn phối hợp với các địa phương nắm tình hình và đánh giá cụ thể mức độ thiệt hại của người dân để có hướng hỗ trợ. Với những hộ bị thiệt hại nhẹ, UBND huyện giao các xã xuất nguồn kinh phí dự phòng để hỗ trợ, đồng thời chỉ đạo lực lượng thanh niên, dân quân giúp dân sửa nhà để sớm ổn định đời sống”.
Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Văn Lương-Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi-cho biết: Trước diễn biến của cơn bão số 5, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng-chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã tổ chức trực ban 24/24 giờ. Đồng thời, đôn đốc các địa phương nắm bắt diễn biến thời tiết, thống kê thiệt hại của người dân. Nghiêm túc triển khai thực hiện các nội dung chỉ đạo tại Công điện số 14/CĐ-UBND, Công điện hỏa tốc số 15/CĐ-UBND của UBND tỉnh và Công điện số 16/CĐ-TWPCTT của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng-chống thiên tai. Bên cạnh đó, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh phụ trách công tác cứu nạn cứu hộ khu vực biên giới, duy trì một trung đội 30 người để làm nhiệm vụ này. Các đồn biên phòng cũng bố trí lực lượng túc trực 24/24 giờ nhằm chủ động trong công tác phòng-chống thiên tai và cứu nạn cứu hộ.
Nhóm phóng viên