(GLO)- “Khi bác sĩ chuyển con đặt vào lòng thì lúc ấy tôi mới biết mình đã sinh xong mà không hề có cảm giác gì của những cơn co thắt dữ dội như lần sinh trước. Cháu đòi bú ngay và tôi cũng rất khỏe để âu yếm con vào lòng”-đó là cảm giác của sản phụ Nguyễn Thị Kim Kiều-trú phường Chi Lăng, TP. Pleiku chia sẽ khi tham gia phương pháp “đẻ không đau” tại Trung tâm Y tế TP. Pleiku.
Sản phụ Kiều và mẹ vui mừng bên con khi áp dụng khi thuật mới. Ảnh: Nguyễn Huy |
Dù mới trở lại phòng hậu sản sau sinh, nhưng tinh thần và sức khỏe của sản phụ Kiều rất tốt, chị tự mình làm các việc nhẹ và cá nhân. Tại khoa, bồng đứa con kháu khỉnh mới chào đời, chị vui cười nói: Nhớ lại lần sinh trước cách đây 6 năm, tôi không thể quên được cảm giác mà mình phải chịu đựng. Trong kỳ mang thai lần này, ban đầu cũng lo sợ, nhưng khi khám thai tôi được biết tại Bệnh viện TP. Pleiku có triển khai phương pháp “đẻ không đau”. Ngay khi có dấu hiệu chuyển dạ tôi đến cơ sở y tế để được hướng dẫn, và thật sự, tôi không hề có cảm giác gì từ những cơn đau như lần trước, đứa con ngay khi sinh khóc đòi bú.
Ngồi bên cạnh là mẹ ruột chị Kiều, bà nói vui: Đúng là y học hiện đại, đẻ mà không đau, vừa khỏe cho con, tốt cho cả cháu. Đây đúng là ước muốn của những phụ nữ sau thời gian dài mang nặng!
Để triển khai phương pháp sản khoa “đẻ không đau” tại viện, một ê kíp y-bác sĩ và nữ hộ sinh được Ban Giám đốc Trung tâm Y tế (TTYT) TP. Pleiku gửi đi đào tạo theo từng giai đoạn và tất cả họ phải là một nhóm thống nhất bởi đây là điều kiện tiên quyết của phương pháp sinh này.
Anh Võ Minh Nhật-cử nhân Khoa Gây mê hồi sức, TTYT TP. Pleiku cho biết: Phương pháp “đẻ không đau” quan trọng nhất là việc thực hiện tiêm ngoài màng cứng. Để nắm bắt và triển khai hiệu quả phương pháp này, lãnh đạo bệnh viện đã tạo điều kiện để tôi học tập nắm bắt và trực tiếp thực hiện phương pháp mới này ngay tại Bệnh viện Hùng Vương, TP. Hồ Chí Minh nơi áp dụng đầu tiên tại Việt Nam vào năm 1987. Tại nơi học, trong suốt 1 năm, mỗi ngày tôi cùng các đồng nghiệp có điều kiện tiếp xúc và cùng êkip thực hiện trên 20 sản phụ chọn sinh bằng cách “đẻ không đau”-điều này giúp cho những kỹ thuật phức tạp hoàn thiện tốt hơn.
Theo đánh giá chuyên gia y khoa, cường độ đau đẻ được phân hạng đứng đầu trong các loại đau. Khi chuyển dạ, cơn co thắt tử cung sẽ tăng cả về số lần lẫn cường độ, với những phụ nữ có ngưỡng chịu đau thấp, cơn đau sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe người mẹ và thai nhi trong suốt quá trình chuyển dạ. Ngoài ra, phần lớn phụ nữ sau sinh thường mắc chứng trầm cảm do cơn đau chuyển dạ gây ra… |
Nói về việc triển khai phương pháp “đẻ không đau” tại TTYT TP. Pleiku và cũng là đơn vị triển khai, áp dụng tiên phong kỹ thuật này tại Gia Lai, bác sĩ chuyên khoa I, Huỳnh Thị Ái Hiếu-Trưởng khoa Phụ sản vui mừng nói: Sau thời gian học tập, chuyển giao kỹ thuật từ đồng nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh, ê kíp tại bệnh viện lập kế hoạch triển khai và nhận được sự ủng hộ rất lớn từ Ban Giám đốc. Mục đích chính của kỹ thuật “đẻ không đau” là giúp cho cuộc sanh đẻ với an toàn cho mẹ lẫn con, quan trọng nhất là sự thoải mái cho mẹ, cắt hết nguồn lo âu đau đớn, tạo thuận lợi cho tình mẫu tử ngay những giây đầu tiên lúc bé chào đời; có thể cho bé bú ngay sau sinh… Hiểu được những lợi ích cho mẹ lẫn con, qua triển khai từ tháng 11-2015 đến nay đã có 20 sản phụ chọn sinh bằng kỹ thuật mới, tất cả gia đình, sản phụ đều hài lòng khi chọn dịch vụ “đẻ không đau” tại TTYT TP. Pleiku.
Thời gian đầu triển khai, nhiều sản phụ ái ngại khi chọn kỹ thuật mới vì cho rằng chuyện đẻ sao lại không đau. Nhưng rồi, với kỹ thuật, kinh nghiệm học tập, chúng tôi phối hợp, tuyên truyền, hướng dẫn đến các sản phụ khi khám tại khoa về lợi ích của kỹ thuật này. Nay đã có nhiều trường hợp đăng ký sinh theo phương pháp mới tại viện- chị Hiếu cho biết thêm.
Chìa khóa của phương pháp “đẻ không đau” chính là thủ thuật gây tê ngoài màng cứng (ưu việt hơn thủ thuật gây tê tủy sống do đã hạn chế được tác dụng hạ huyết áp của sản phụ cũng như gây mê trong sinh mổ). Thủ thuật giúp cả bác sĩ và sản phụ chủ động hơn trong việc lựa chọn cách sinh phù hợp và tốt nhất. Nhờ có thủ thuật này, nhiều bà mẹ có được trải nghiệm sinh con tuyệt vời và hạnh phúc bên trẻ sau khi sinh. Chi phí thực hiện kỹ thuật “đẻ không đau” chỉ cao hơn mức thông thường vài trăm ngàn đồng.
Nguyễn Huy