(GLO)- Biết tôi đang mơ về một chiếc xế hộp, trước trận khai mạc World Cup 2018, chú em đồng hương vốn là dân garage, ghé tai thì thầm: “Anh chuẩn bị tiền đi, chục ngày nữa, chỉ cần bốn năm trăm triệu là có một con Toyota Fortuner mới leng keng. Em lo cho”. Ban đầu, tôi vô cùng ngạc nhiên. Về sau, qua nhiều lần giải thích của “chuyên gia ô tô” này, tôi bắt đầu hiểu lờ mờ câu chuyện.
Đại loại, vào mùa World Cup, do thua cá độ bóng đá nên không ít “tín đồ” môn túc cầu phải cầm cố hoặc bán tháo tài sản để trả nợ, phổ biến là xe máy, điện thoại, ô tô, đất đai, nhà cửa… Lợi dụng tình cảnh ấy, nhiều người nhờ mối lái săn tìm để mua được những món hàng xịn nhưng giá rẻ bất ngờ. Trong mùa World Cup trước, cậu em đồng hương của tôi đã mối lái để “con bạc” bán tháo 5 chiếc xe ô tô theo phương thức ấy.
Ảnh minh họa |
Xin phép được miễn bình luận về tính hợp pháp hay yếu tố tình người trong các mối quan hệ giao dịch nói trên. Vấn đề chúng tôi muốn đề cập ở đây là tệ nạn cá độ bóng đá, không đâu xa, nó ẩn mình đâu đó xung quanh chúng ta. Ngay tại Phố núi Pleiku vốn yên bình của chúng ta cũng đã có hàng chục câu chuyện bi hài liên quan đến cá độ bóng đá. Đó là ông chủ một quán phở nổi tiếng bỗng chốc bị vợ phạt “ra hè ngồi” vì trái bóng C1 bên trời Tây.
Chủ một nhà hàng cơm nổi tiếng bỗng chốc mất quyền sở hữu cũng bởi con cái trót “nhúng chàm” và thua cháy túi vì những trò đỏ đen liên quan đến bóng đá trên mạng internet… Cách đây 4 năm, mùa World Cup 2014, không ít người ở Phố núi phải “ra đường”, mất xe vì các đường dây cá độ bóng đá. Đã qua rồi cái thời hơn thua nhau bằng tô, ly, điếu hay một bữa nhậu lai rai. Cá độ bóng đá bây giờ được tổ chức trên mạng internet, ẩn mình dưới công nghệ cao và được tính bằng chục triệu, trăm triệu, tỷ đồng. Thua độ bóng đá bây giờ là mất xe, mất nhà, gia đình ly tán. Thiển nghĩ, đó là một thực trạng đau xót mà mọi người, mọi nhà phải nghĩ đến trước kỳ World Cup năm nay.
Bên cạnh tệ nạn cá độ, ở các giải bóng đá nói chung, World Cup nói riêng, tại các địa phương cũng xuất hiện không ít tai tệ nạn như: rượu chè bê tha, đua xe, tụ tập gây rối, đánh nhau gây thương tích… Hậu quả của những hành vi này là khôn lường, chưa kể không ít kẻ vướng vào vòng lao lý vì thói bốc đồng, xả láng, ích kỷ… được che giấu dưới cái gọi là “tình yêu bóng đá”, “bốn năm mới có một lần”.
World Cup 2018 được tổ chức tại Liên bang Nga, chênh lệch với Việt Nam không nhiều múi giờ nên khá thuận lợi cho người hâm mộ. Tuy nhiên, nếu nhắm mắt chạy theo tất cả các trận đấu, không phân bổ thời gian hợp lý thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe, cuộc sống gia đình và công việc.
Không phải ngẫu nhiên mà người ta tôn vinh bóng đá là môn thể thao “vua”. Bởi lẽ, bóng đá rất đẹp, hấp dẫn, phổ thông và luôn đem lại những hiệu ứng bất ngờ. Cùng với hàng tỷ người hâm mộ trên thế giới, cư dân Gia Lai đang hướng về ngày hội bóng đá của hành tinh bằng trái tim rộn ràng, tinh thần hứng khởi. Tuy nhiên, mọi người cũng cần ứng xử với môn thể thao “vua” một cách có văn hóa. Đó là kiên quyết không sa vào các tai tệ nạn; nói không với những kẻ lợi dụng bóng đá để trục lợi và làm ảnh hưởng xấu đến cộng đồng. Đặc biệt, cán bộ, công chức, viên chức không vì quá đam mê bóng đá mà làm ảnh hưởng đến công việc của cơ quan, đơn vị.
Duy Lê