(GLO)- Thạc sĩ Phạm Thanh Dũng-Trưởng khoa Mắt, Trung tâm Phòng-chống Bệnh xã hội tỉnh Gia Lai cho biết: Ước tính hiện nay Việt Nam, còn khoảng 329.333 người mù do các nguyên nhân khác nhau, trong đó có 193.987 người mù 2 mắt do dục thủy tinh thể (chiếm 59%). Riêng tại Gia Lai, hiện nay toàn tỉnh còn khoảng 2.451 người mù; trong số này có 1.162 người mù 2 mắt do đục thủy tinh thể.
Ông Mai Xuân Hải-Giám đốc Sở Y tế Gia Lai thăm bệnh nhân sau mổ đục thủy tinh thể. Ảnh: N.N |
Tại Gia Lai, kết quả cuộc điều tra các bệnh gây mù có thể phòng tránh (RAAB) năm 2015 tại Gia Lai (từ ngày 15-6-2015 đến ngày 17-7-2015) đã chỉ ra rằng đục thủy tinh thể chưa được phẫu thuật là nguyên nhân chính gây bệnh mù lòa có thể phòng tránh được và thị lực kém ở Gia Lai, chiếm 69%. Ngoài ra, cũng như nhiều tỉnh thành khác trong cả nước, tại Gia Lai nhiều bệnh tật mới gây mù xuất hiện và có xu hướng ngày càng tăng lên như tật khúc xạ ở trẻ em, bệnh glôcôm và bệnh võng mạc tiểu đường ở người lớn.
“Đục thủy tinh thể là nguyên nhân gây mù hàng đầu hiện nay. Bệnh hay gặp ở những người trên 50 tuổi, với các triệu chứng mờ từ từ, không đỏ, không đau nhức. Phương pháp điều trị là phẫu thuật. Phẫu thuật đục thủy tinh thể đơn giản, ít tốn kém. Tuy nhiên một số người do không có điều kiện lại ít hiểu biết về bệnh nên không kịp thời phẫu thuật. Bị mù do đục thủy tinh thể là điều hết sức đáng tiếc vì chúng ta có thể phòng tránh được. Hiện nay, với sự giúp đỡ của các tổ chức trong nước, bệnh nhân nghèo bị bệnh đục thủy tinh thể được mổ mắt miễn phí. Người bệnh có thể liên hệ với các cơ sở y tế gần nhất hoặc Khoa Mắt-Trung tâm Phòng-chống Bệnh xã hội Gia Lai (79 Phan Đình Phùng, TP. Pleiku, điện thoại: (059) 3823866 để được khám và điều trị”-Thạc sĩ Phạm Thanh Dũng thông tin.
Khám mắt định kỳ kịp thời phát hiện các bệnh về mắt. Ảnh: N.N |
Theo thống kê, năm 2015 Gia Lai đã mổ 1.453 ca đục thủy tinh thể, chưa kể người dân tự đi mổ tuyến trên hoặc ở các huyện lân cận. Nhờ vậy tỷ lệ mù lòa do đục thủy tinh thể trên địa bàn tỉnh giảm xuống đáng kể. Tuy nhiên, mù lòa hiện vẫn là một vấn đề sức khỏe quan trọng trên toàn cầu. Nhìn trong khu vực lân cận, một số tỉnh đã thành lập Bệnh viện Mắt như Đak Lak, Bình Định, Phú Yên… góp phần làm tốt công tác phòng-chống mù lòa. Việc thành lập một Bệnh viện Mắt hay mô hình thống nhất để phát huy vai trò dự phòng kết hợp điều trị và chăm sóc mắt ban đầu trên địa bàn tỉnh là điều cần thiết.
Ngoài ra, tỉnh cũng cần quan tâm, khuyến khích thành lập và phát triển các cơ sở chăm sóc mắt tư nhân tại các tuyến cũng như đẩy mạnh công tác xã hội hóa về lĩnh vực này; tăng cường thu hút đầu tư cho công tác phòng-chống mù lòa; phát triển nguồn nhân lực… nhằm tiếp tục duy trì các thành quả đạt được hướng đến mục tiêu chung “Quyền được nhìn thấy cho mọi người vào năm 2020”.
Như Nguyện