(GLO)- Bằng ý chí quyết tâm và nỗ lực của bản thân, anh Bùi Minh Hoàng và Lê Văn Thêm (thôn 3, xã Kim Tân, huyện Ia Pa) đã thực hiện thành công mô hình trồng rau sạch theo phương pháp thủy canh.
Đến thăm mô hình trồng rau sạch của anh Hoàng và Thêm, trước mắt chúng tôi là đủ loại rau, quả khá mướt mắt cùng với hệ thống thoát nước và tưới tiêu hiện đại. Chia sẻ câu chuyện khởi nghiệp của bản thân và cộng sự, Bùi Minh Hoàng cho biết: Qua tìm hiểu trên các phương tiện truyền thông về các mô hình rau sạch ở nước ngoài và Đà Lạt, tháng 4-2017, anh rủ Thêm bắt tay vào thực hiện mô hình trồng rau sạch. Tuy nhiên lúc này, 2 anh hầu như không có một chút kiến thức nào về nông nghiệp, nguồn vốn lại hạn hẹp, thị trường đầu ra cũng chưa ổn định. Nhưng với sự đam mê, Hoàng cùng người bạn của mình đã góp vốn và lặn lội khắp nơi để tìm nguyên-vật liệu, hạt giống về trồng thí điểm.
Mô hình thu hút sự quan tâm của rất nhiều đoàn viên thanh niên và bà con địa phương. Ảnh: N.L |
Đến nay, sau hơn 6 tháng triển khai, tổng diện tích của mô hình đã lên đến 1.000 m2 với đủ các loại rau như: xà lách, cải ngọt, cần tây, dưa leo…, tổng kinh phí đầu tư khoảng 200 triệu đồng. Để đảm bảo cho cây trồng sinh trưởng và phát triển tốt, Hoàng và Thêm đã tìm hiểu rất kỹ và lựa chọn giống nhập khẩu từ nước ngoài. Không thuê nhân công nên hầu hết những công đoạn như ươm giống, chăm sóc và thu hoạch đều do 2 thanh niên này đảm nhận.
Chia sẻ về những khó khăn, anh Lê Văn Thêm cho biết: “Khó khăn bước đầu là gia đình chưa đồng tình, hơn nữa số vốn bỏ ra hơi cao, khí hậu ở đây nóng. Về kỹ thuật cũng có một số khó khăn do mình không học qua trường lớp, chủ yếu là tự nghiên cứu trên mạng và đọc thêm tài liệu”.
Vượt qua những khó khăn bước đầu, đến nay, qua những kinh nghiệm từ thực tế, Hoàng và Thêm đã phát triển vườn rau xanh tốt, cho năng suất và lợi nhuận cao. Với phương pháp thủy canh, trung bình 2 tháng mô hình này cho thu hoạch khoảng 3 lứa rau. Hiện xà lách và cần tây có giá 30.000 đồng/kg, cải ngọt 20.000 đồng/kg…, cao hơn các loại rau của bà con tại địa phương từ 5.000 đồng đến 10.000 đồng/kg. Theo tính toán của chủ mô hình, sau khi trừ chi phí, dự kiến vườn rau sẽ cho thu nhập khoảng 200 triệu đồng/năm.
Đây là mô hình trồng rau sạch đầu tiên ở huyện Ia Pa được áp dụng theo phương pháp thủy canh và bước đầu đã mang lại hiệu quả, được Huyện Đoàn Ia Pa đánh giá rất cao vì tinh thần dám nghĩ, dám làm. Anh Nguyễn Hữu Công-Phó Bí thư Huyện Đoàn, nói: “Qua tham quan mô hình này, đoàn viên thanh niên rất phấn khởi. Thời gian tới, Ban Thường vụ Huyện Đoàn sẽ chỉ đạo các cơ sở Đoàn tiếp tục nhân rộng các mô hình thiết thực, hiệu quả như thế này để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế của đoàn viên thanh niên”.
Được tận mắt chứng kiến và học hỏi mô hình, nhiều đoàn viên thanh niên của các xã khác cũng rất hào hứng và muốn được áp dụng tại địa phương mình. “Tôi thấy mô hình này rất có ý nghĩa. Hiện trên địa bàn huyện Ia Pa chưa có mô hình nào khả quan như mô hình này. Bản thân tôi và rất nhiều đoàn viên thanh niên khác cũng muốn học hỏi”-anh Nguyễn Huy Hải-Đoàn xã Chư Răng, chia sẻ.
Là khách hàng thường xuyên của mô hình này, chị Trần Thị Hồng Phước (thôn Đkun, xã Pờ Tó) tâm sự: “Tôi thường mua rau ngoài chợ, nhưng không yên tâm. Từ khi có mô hình rau sạch trên địa bàn huyện, tôi rất tin tưởng và không lo bị ngộ độc thực phẩm nữa”.
Tuy chưa tìm được thị trường đầu ra ổn định, sản phẩm chủ yếu bán cho bà con tại địa phương, song từ những hiệu quả bước đầu mà mô hình mang lại, thời gian tới anh Hoàng và Thêm cho biết sẽ tiếp tục mở rộng diện tích để tăng lợi nhuận.
Như Loan