Bộ Y tế cho biết, sau hơn 30 năm thực hiện công tác tiêm chủng mở rộng, với sự quan tâm, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước và Chính phủ, công tác tiêm chủng phòng bệnh tại Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng ghi nhận, được quốc tế đánh giá cao.
Tuy vậy, hiện hình thức quản lý công tác tiêm chủng đã không còn phù hợp trước sự thay đổi của nền kinh tế chuyển từ bao cấp sang cơ chế thị trường. Để phát huy tính tự chủ của các cơ sở tiêm chủng, đáp ứng nhu cầu đòi hỏi việc chăm sóc sức khoẻ người dân ngày càng cao hơn, chất lượng dịch vụ phải càng tốt hơn và đặc biệt nhu cầu tiêm chủng nhiều loại vắc xin mới cho người dân và cần phải có sự đổi mới một cách tích cực trong thời gian tới.
Bộ Y tế cho biết, Luật Phòng-chống bệnh truyền nhiễm được Quốc hội thông qua ngày 21-11-2007 có quy định về sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế. Bên cạnh đó, chương trình tiêm chủng mở rộng là một chương trình có tính xã hội rộng lớn, tác động đến toàn dân và có tầm quan trọng đặc biệt trong công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân. Việc đảm bảo độ bao phủ và tăng cường tính bền vững của Chương trình là hết sức quan trọng, vì vậy cần thiết phải xây dựng Nghị định về vấn đề này.
Cũng theo Bộ Y tế, tiêm chủng phòng bệnh là một chính sách công của tất cả các nước nên cần phải có những chính sách, quy định đủ mạnh để triển khai một cách đồng bộ và quyết liệt từ Trung ương đến cơ sở. Nghị định do Chính phủ ban hành sẽ có tính pháp lý cao, đảm bảo sự phân công rõ ràng, có sự phối hợp liên ngành và trách nhiệm pháp lý đầy đủ trong việc tổ chức triển khai hoạt động tiêm chủng của các đơn vị thực hiện. Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp đối với công tác tiêm chủng phòng bệnh.
Thêm vào đó, hiện nay việc xã hội hóa các dịch vụ y tế đã và đang triển khai trong đó có tiêm chủng vắc xin, do vậy cần thiết có Nghị định quản lý về tiêm chủng để bảo đảm quản lý một cách chặt chẽ và có hiệu quả. Đồng thời, khoa học kỹ thuật ngày càng phát triển trong đó có việc sản xuất vắc xin mới do vậy cần thiết phải xây dựng Nghị định để cơ quan chức năng có cơ chế, chính sách cho người dân Việt Nam có cơ hội tiếp cận và tiếp cận nhanh với các vắc xin thế hệ mới đó.
Vì những lý do trên, Bộ Y tế đề xuất dự thảo Nghị định quy định về hoạt động tiêm chủng gồm 5 chương, 37 điều. Bên cạnh những quy định chung, dự thảo đã nêu rõ những quy định cụ thể về quản lý hoạt động tiêm chủng; bồi thường khi sử dụng các vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng...
Các hành vi bị nghiêm cấm
Theo dự thảo, nghiêm cấm 5 hành vi trong hoạt động tiêm chủng gồm: 1- Thực hiện tiêm chủng tại các cơ sở chưa được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện tiêm chủng hoặc chưa được cấp có thẩm quyền cho phép thực hiện việc tiêm chủng theo quy định.
2- Cá nhân trực tiếp thực hiện khám sàng lọc, tư vấn, tiêm chủng, theo dõi, xử trí phản ứng sau tiêm chủng khi không có giấy chứng nhận tham dự tập huấn về tiêm chủng hoặc đã có giấy chứng nhận nhưng không còn giá trị.
3- Thuê, cho thuê, mượn, cho mượn giấy chứng nhận đủ điều kiện tiêm chủng, giấy chứng nhận tham dự tập huấn về tiêm chủng.
4- Sử dụng vắc xin chưa được phép lưu hành tại Việt Nam hoặc vắc xin không bảo đảm chất lượng cho hoạt động tiêm chủng.
5- Sử dụng vắc xin của Chương trình tiêm chủng mở rộng và phòng-chống dịch bệnh truyền nhiễm vào các mục đích khác.
Theo Chinhphu.vn