Đại đội là "cái nôi" quan trọng của đời lính

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Trong suốt gần 1 tiếng đồng hồ hàn huyên, ông chia sẻ về những điều tâm huyết sau 46 năm gắn bó với môi trường quân đội. Chỉ duy nhất bản thân mình, ông lại rất kiệm lời…

Những chiêm nghiệm sâu sắc

Trung tướng Nguyễn Thành Út (nguyên Phó Tư lệnh về Chính trị Quân khu 5) sinh năm 1942 tại xã Hòa Xuân, huyện Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên. Năm 1960, từ giã gia đình, ông khoác lên vai chiếc ba lô đi theo tiếng gọi của Tổ quốc cho đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, giang sơn một mối thu về.

 

Ảnh: Hồng Thi
Ảnh: Hồng Thi

Ông bảo rằng, trước khi trở thành tướng lĩnh phục vụ trong quân đội, ông đã từng là một chiến sĩ lâu năm. Một thập niên không hẳn là khoảng thời gian quá dài song đủ để ông thấu hiểu và dành trọn tình thương mến sâu sắc của mình cho người chiến sĩ. “Dù ở vị trí nào, một Tiểu đoàn trưởng hay Phó Tư lệnh Quân khu, tôi luôn luôn đề cao và quý trọng chiến sĩ. Đừng bao giờ coi mình hơn người hay khác người bởi ai cũng có những điều đáng để ta phải học hỏi”- Trung tướng bày tỏ.

Theo ông, đại đội là nơi bắt đầu cho sự rèn luyện của một người lính mà ít ai nhắc tới. Ông đánh giá cao tầm quan trọng của đại đội, bởi đây chính là “cái nôi” giải quyết 4 vấn đề lớn của mỗi quân nhân. “Thứ nhất, đại đội là nơi giáo dục, xây dựng nhân cách của người bộ đội Cụ Hồ. Mọi chiến sĩ vào quân đội đều phải tiếp tục rèn luyện nhân cách. Nếu không xây dựng được cho mình một nhân cách tốt thì người chiến sĩ ấy sẽ không bền vững. Thứ hai, đại đội là cái nôi định hướng quần chúng và xây dựng chiến sĩ trở thành những người đảng viên cộng sản. Thứ ba, đại đội là nơi để người chiến sĩ định hướng, xây dựng và phấn đấu để trở thành những anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Và cuối cùng, đây là môi trường để phấn đấu, rèn luyện bản thân trở thành tướng lĩnh trong quân đội”- Trung tướng Út nhận định.

Nhìn ánh mắt và chất giọng hào sảng của ông, tôi cảm nhận được sự tâm huyết tận đáy lòng của vị tướng dành cho quân đội. Đến bây giờ, khi đã về hưu, ông vẫn trăn trở: “Liệu rằng thế hệ các chiến sĩ trẻ hiện nay có xem đại đội quan trọng hay không?”. Riêng ông, ấy chính là nền tảng để ông phấn đấu, rèn luyện và trưởng thành với cương vị Phó Tư lệnh Quân khu sau này.

Trở về…


Đó là tựa đề bài thơ do chính tay ông viết vào đêm 20-7-2006 tại Đà Nẵng trước khi chính thức nhận sổ hưu vào sáng hôm sau. Bài thơ chất chứa bao tâm tình sâu lắng của một quân nhân cách mạng khi nhìn lại chuỗi thời gian trong quá khứ. Nơi đó có những tháng ngày gian khổ cùng đồng đội “thân trần che đạn cho nhau” trên chiến trường; có những hy sinh đã trở thành bất tử và cả niềm vui khôn tả rộn lên khi đất nước giành lại trọn vẹn chủ quyền… Rồi khi nhìn về tương lai, người quân nhân ấy lại thể hiện một niềm tin bất diệt vào sự lãnh đạo của Đảng, sự đoàn kết, chung lòng của toàn dân trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước thời bình.

46 năm trong quân đội, 27 năm gắn bó ở chiến trường (với 15 năm chống Mỹ và 12 năm giúp nước bạn Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng) đã để lại trong ông nhiều ký ức khó phai. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ về nước, năm 1990, ông được bổ nhiệm làm Phó Chủ nhiệm rồi Chủ nhiệm Chính trị Quân khu 5 với quân hàm Đại tá. Đến năm 1994, ông là Thiếu tướng, giữ chức Phó Tư lệnh về Chính trị kiêm Bí thư Đảng ủy Quân khu 5. Ông được phong quân hàm Trung tướng vào năm 2002.

Ở cái tuổi ngoài 70, mang trong mình căn bệnh cao huyết áp phải thường xuyên điều trị ngoại trú, lại là thương binh hạng 2/4 (7 lần bị thương nơi chiến trường) nhưng Trung tướng Nguyễn Thành Út vẫn chưa chịu ngơi nghỉ. Khỏe ngày nào là ông lại phụ vợ làm cà phê, chăm sóc vườn tược. Hai người con của ông đều đã trưởng thành và có sự nghiệp ổn định. Con trai đầu sinh năm 1977, hiện đang là Thiếu tá, công tác ở Học viện Chính trị Quân sự tại Hà Nội; con út đang vừa trợ giảng tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP. Hồ Chí Minh vừa học cao học. Trong ngôi nhà tại số 74 Trường Sơn (phường Yên Thế, TP. Pleiku) chỉ còn hai vợ chồng già ngày qua ngày chăm sóc lẫn nhau. Với ông, lúc trẻ sống sao để trong những ngày cuối đời có được sự thanh thản, vui vẻ, đó là điều hạnh phúc…

Hồng Thi

Có thể bạn quan tâm