(GLO)- Chương trình nghệ thuật tối qua (2-12) tại Quảng trường Đại Đoàn Kết (TP. Pleiku) đã chính thức khép lại Festival Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên 2018. Suốt 3 ngày diễn ra, Festival với chủ đề “Cồng chiêng và lễ hội dân gian Tây Nguyên” đã trở thành một hành trình tuyệt đẹp đưa du khách khám phá Tây Nguyên thông qua 11 hoạt động ý nghĩa.
Dù đã kết thúc, song sự hội tụ sắc màu văn hóa với vô vàn những giá trị nhân văn của cộng đồng các dân tộc bản địa Tây Nguyên chính là dư vang không dễ quên trong lòng người. Sau lễ khai mạc đẹp và hùng tráng như một sử thi với những huyền thoại về đất và người Tây Nguyên, du khách còn được giới thiệu về thiên nhiên toàn bích, con người thủy chung, nhân hậu, những phong tục tập quán độc đáo… Tất cả những giá trị ấy biến nơi này trở thành “miền mơ tưởng”, khiến hơn một lần trong đời người ta phải háo hức tìm đến để khám phá, trải nghiệm.
Sắc màu lễ hội
Có thể nói như vậy về lễ hội đường phố trong khuôn khổ Festival lần này. Đây là điểm nhấn đặc sắc, mang văn hóa cồng chiêng đến gần hơn với người dân, là cách để tôn vinh, khẳng định sức sống bền bỉ của cồng chiêng. Để rồi tiếng chiêng vang ngân trên đường phố, xuyên suốt 3 ngày diễn ra lễ hội, đưa con người bay xa hơn đến buôn làng, đến cộng đồng các dân tộc. Tiếng chiêng ấy được khởi đi từ những tâm hồn yêu cuộc sống tự do, thủy chung và nhân hậu. Chiêng cùng với chủ nhân của nó-hơn 1.000 nghệ nhân của 5 tỉnh Đak Lak, Đak Nông, Kon Tum, Lâm Đồng, Gia Lai trong trang phục truyền thống rực rỡ sắc màu, đặc trưng dân tộc đã tạo nên dấu ấn của bản sắc Tây Nguyên trong lòng người.
Festival Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên năm 2018 đã để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng người dân Phố núi và du khách. Ảnh: Đ.T |
Đã rất lâu rồi, kể từ Festival 2009, người dân Phố núi mới lại được sống trong không khí hội hè rộn ràng đến như vậy. Nếu âm vang cồng chiêng thôi thúc lòng người xuống phố thì ở một hoạt động khác, không gian trải nghiệm đã thực sự biến lễ hội thành một cuộc quảng bá đỉnh cao các giá trị văn hóa Tây Nguyên. Đó là khi gần 100 nghệ nhân của 5 tỉnh Tây Nguyên tham gia trình diễn nghệ thuật tạc tượng gỗ dân gian, đan lát và dệt thổ cẩm. Có một lần được làm “người trong cuộc” với loại hình nghệ thuật dân gian này, người ta mới hiểu vì sao Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên lại trở thành di sản, còn những con người tài hoa này lại được tôn vinh là “báu vật nhân văn sống”.
Ở loại hình tạc tượng gỗ dân gian, dựa trên nguyên liệu gỗ do Ban tổ chức chuẩn bị, các nghệ nhân đã phô diễn tài năng khi dùng các dụng cụ thô sơ như: rìu, đục, dao, rựa, búa... để sáng tạo những tác phẩm giàu giá trị nghệ thuật. Các tác phẩm đã lột tả được nét đặc trưng của nghệ thuật tạc tượng gỗ, miêu tả sinh động đời sống sinh hoạt của người dân Tây Nguyên trong lao động sản xuất, trong các dịp lễ hội. Mỗi nghệ nhân thuộc mỗi dân tộc khác nhau đã chọn những hình tượng tác phẩm mang tính đặc trưng, kế thừa truyền thống lâu đời của dân tộc mình. Vừa say sưa với tác phẩm của mình, nghệ nhân A Huynh (làng Chốt, thị trấn Sa Thầy, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum) vừa vui vẻ giải thích: “Bức tượng của tôi có tên là “Cô gái hái củi” với ý nghĩa là người dân Jrai theo chế độ mẫu hệ, người phụ nữ luôn là chủ nhân của gia đình. Bên cạnh đó, bức tượng cũng thể hiện sự thân thiện với thiên nhiên, yêu chuộng thiên nhiên. Đến với lễ hội, tôi muốn học hỏi thêm kinh nghiệm từ các nghệ nhân của các dân tộc anh em để nâng cao kỹ năng tạc tượng gỗ”.
Một hoạt động khác ít sôi nổi nhưng lại mang đến nhiều cảm xúc. Đó là triển lãm ảnh tư liệu, nghệ thuật về “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” và triển lãm tranh, ảnh, tư liệu về cuộc đời, sự nghiệp của họa sĩ Xu Man. Những hình ảnh quý giá của nghệ thuật nhiếp ảnh và hội họa giúp du khách có một hành trình khám phá qua tranh, ảnh những giá trị đặc sắc của “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” bên thềm lễ hội. Đó là một Tây Nguyên giản dị mà huyền ảo nhưng chưa bao giờ nguôi bớt sức hút.
Dư âm đọng lại
Lễ hội cà phê đường phố xuyên suốt Festival đã góp phần không nhỏ khi tạo ra không gian hội hè đúng nghĩa cho sự kiện lần này. Là đơn vị chủ trì, Công ty TNHH Vĩnh Hiệp Gia Lai đã khiến bạn bè và du khách phải cùng nhau “lắng nghe cà phê kể” câu chuyện về miền cao nguyên huyền thoại thông qua những giọt cà phê lắng đọng. Cà phê không chỉ là cà phê. Cà phê còn là câu chuyện dài về vùng đất và con người, là một thức uống thức tỉnh nhưng cũng đầy quyến rũ, say đắm. Cà phê đường phố còn kể về khát vọng “mang cà phê hữu cơ Việt ra thế giới” thông qua “Hộp cà phê Organic” khổng lồ để truyền tải thông điệp này.
Festival Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên năm 2018 đã để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng người dân Phố núi và du khách. Ảnh: Đ.T |
Nhiều du khách đã rất thích thú với những quầy cà phê lưu động được trang trí đậm chất lễ hội của thương hiệu Lamant ở Quảng trường Đại Đoàn Kết và trên các trục đường chính như: Trần Hưng Đạo, Cách Mạng Tháng Tám; Nguyễn Tất Thành, Lê Lợi với giá chỉ 5.000 đồng/ly. Bà Lương Thị Ngọc Nữ-Giám đốc Thương hiệu cà phê Lamant-cho biết: “Mục đích chính của chương trình lần này là mang đến không khí đúng chất lễ hội. Đây là lần đầu tiên Gia Lai có lễ hội cà phê đường phố cho nên hoạt động này mang ý nghĩa đặc biệt không chỉ đối với đơn vị Lamant mà còn đối với ngành cà phê Gia Lai”. Cùng với đó, đơn vị này còn tổ chức nhiều hoạt động vui chơi hấp dẫn để “tăng chất” cho lễ hội như “Luky Draw-Vòng xoay may mắn”-với những quà tặng hấp dẫn, ý nghĩa dành cho du khách. Vòng loại cuộc thi “Tìm kiếm Barista tài năng-Rang tinh hoa-Pha tinh tế” đã mang đến cho du khách một sự trải nghiệm mới trong cách thưởng thức. Hương vị cà phê đậm đà lan tỏa ở mỗi góc phố đã để lại trong lòng du khách nhiều cảm xúc khó quên.
Chương trình nghệ thuật trong đêm bế mạc tối 2-12 đã để lại những tình cảm nồng ấm trong lòng người. Bạn bè và du khách và người dân Phố núi sẽ nhớ đến một Festival với những hoạt động đặc sắc, mang đậm ý nghĩa tôn vinh giá trị di sản đã được thế giới vinh danh. Nhưng có lẽ sẽ còn ấn tượng về một vùng đất giàu giá trị văn hóa và đa dạng sản vật từ các địa phương, từ đó mở ra các cơ hội thu hút đầu tư. Đó cũng chính là mục tiêu lâu dài của Ban tổ chức. Từ cuộc hội tụ sắc màu Tây Nguyên, sắc màu của di sản này sẽ có thêm nhiều sản phẩm du lịch được định hình. Ngoài ra, lễ công bố các tour du lịch cộng đồng với sự tham gia khảo sát du lịch của 40 doanh nghiệp lữ hành lớn trong cả nước sẽ đánh thức những giá trị của miền đất di sản Gia Lai nói riêng và Tây Nguyên nói chung.
Quyết tâm ngay từ đầu của tỉnh sẽ tổ chức một lễ hội tôn vinh di sản Festival bằng tất cả tâm sức và sự trọng thị của chủ nhà. Có thể khẳng định, mong muốn của Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành-Trưởng ban tổ chức lễ hội-rằng “mỗi người dân, mỗi gia đình, mỗi cơ quan, đơn vị đều phải cố gắng hết mình chứ không riêng gì ai để tạo nên hình ảnh Gia Lai thân thiện, hiếu khách” đến giờ phút này đã trở thành hiện thực.
Nhóm P.V
---------------------
(*) Lời bài hát “Ngọn lửa cao nguyên” của nhạc sĩ Nguyễn Cường.