Cô giáo Nguyễn Thị Nhài: Yêu nghề, sáng tạo

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Với mong muốn mang đến cho trẻ em vùng khó những giờ học bổ ích, cô Nguyễn Thị Nhài-giáo viên Trường Mầm non 1/6 (xã Yang Trung, huyện Kông Chro) đã tự mày mò sáng tạo ra hàng trăm bộ đồ chơi và đồ dùng học tập.
YÊU NGHỀ
Cô Nhài sinh năm 1988 tại huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương. Năm 1999, cô theo bố mẹ vào định cư tại huyện Kông Chro. Năm 2010, sau khi tốt nghiệp THPT, cô đã không ngần ngại đăng ký thi vào ngành Sư phạm mầm non của Trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai để hiện thực hóa ước mơ “trồng người” của mình.
 Cô Nguyễn Thị Nhài làm đồ chơi cho trẻ. Ảnh: M.T
Cô Nguyễn Thị Nhài làm đồ chơi cho trẻ. Ảnh: M.T
Ra trường, cô Nhài xin dạy hợp đồng tại Trường Mầm non Hướng Dương (xã Đak Pơ Pho, huyện Kông Chro) được hơn 1 tháng thì trúng tuyển và được phân công về giảng dạy tại Trường Mầm non 1/6 (xã Yang Trung, huyện Kông Chro) từ tháng 11-2012 cho đến nay. Suốt 8 năm qua, dẫu nếm trải không ít vui buồn, vất vả song chưa bao giờ cô giáo trẻ cảm thấy hối hận vì lựa chọn của mình; trái lại tình yêu nghề trong chị càng lúc càng mãnh liệt hơn.
“Giáo viên mầm non khá vất vả vì gần như bản thân phải lĩnh hội đủ các nghề, từ ca sĩ, họa sĩ, bác sĩ, thiết kế mỹ thuật, diễn viên đến bảo mẫu, lao công… Đặc biệt, nhiệm vụ lớn lao hơn cả chính là làm người mẹ thứ 2 của trẻ để lo cho các con từng miếng ăn, giấc ngủ, từng hoạt động vui chơi và sức khỏe hàng ngày. Nhiều trường hợp khó xử cũng xảy ra khi gặp phải phụ huynh khó tính, ít thông cảm và có lúc lại đổ mọi trách nhiệm lên giáo viên khi con cháu mình có biểu hiện gì bất thường. Áp lực và trách nhiệm của nghề này là vô cùng lớn, thế nhưng chỉ cần nhìn bọn trẻ cười đùa vui vẻ, lúc nào cũng yêu mến và gần gũi với cô thì mọi mệt nhọc trong tôi gần như tan biến hết”-cô Nhài bộc bạch.
KHÔNG NGỪNG SÁNG TẠO
Công tác tại vùng quê nghèo, trong điều kiện cơ sở vật chất còn nhiều thiếu thốn, cô Nhài cùng đồng nghiệp đã tận dụng những vật dụng bỏ đi để chế tác thành đồ chơi, đồ dùng dạy học phục vụ các chủ đề học tập cho trẻ. Không dừng lại ở đó, cô còn luôn tìm tòi, nghiên cứu trên mạng internet, sách, báo để làm sao tạo ra được nhiều sản phẩm mới lạ, sinh động, phù hợp với thực tiễn giảng dạy và thu hút học sinh. Năm 2017, sau 1 tuần miệt mài, cô Nhài cho ra đời quyển sách vải “Kỹ năng cho trẻ 2-3 tuổi”. “Tập sách giới thiệu cho bé kiến thức về các hoạt động, giờ giấc thói quen sinh hoạt hàng ngày như: giờ giấc thức dậy, tắm rửa, đánh răng, chải tóc, lựa chọn trang phục, rồi cả tập tành làm người lớn như tắm giặt, thay quần áo, chuẩn bị bữa ăn... Tất cả các vật mẫu trong sách đều được tôi thiết kế rời để các bé tự ghi nhớ, sắp xếp và dẫn chuyện. Khi đưa sách lên lớp giảng dạy, các bé vô cùng hào hứng và thích thú. Nhờ đó, tôi có thêm động lực để tiếp tục sáng tạo”-cô Nhài chia sẻ.
Các bé thích thú học tập với sa bàn kể chuyện mà cô Nhài làm. Ảnh: M.T
Các bé thích thú học tập với sa bàn kể chuyện mà cô Nhài làm. Ảnh: M.T
Dù công việc của một giáo viên mầm non khá vất vả nhưng cô Nhài vẫn tranh thủ sắp xếp thời gian vào buổi tối hay những ngày nghỉ cuối tuần để làm đồ dùng, đồ chơi cho trẻ với mong muốn mang đến cho các cháu những tiết học bổ ích và cũng để thỏa niềm đam mê sáng tạo của mình. Theo cô, công việc này đòi hỏi sự tỉ mỉ, kiên trì, khéo léo và không ngừng học hỏi của người thực hiện chứ không hẳn là năng khiếu. Không ít lần đồ chơi làm ra chẳng được như mong muốn nhưng cô giáo trẻ chưa bao giờ nản chí. Chính kinh nghiệm từ những lúc thất bại đã giúp cô tạo ra thêm khá nhiều sản phẩm đẹp mắt, không chỉ cuốn hút trẻ mà còn được đồng nghiệp trong trường đánh giá cao. Sản phẩm cô thường làm là đồ dùng trang trí góc lớp, mảng tường, sách truyện, sa bàn kể chuyện, đồ dùng minh họa cho các giờ học chữ cái, tạo hình, văn học…; trong đó có một số đồ vật khó và mất khá nhiều thời gian để thực hiện.
Cô Đinh Thị Đớt (đồng nghiệp) nhận xét: “Cô Nhài là người rất yêu nghề, mến trẻ, có năng lực chuyên môn, luôn hòa đồng và sẵn sàng giúp đỡ chị em đồng nghiệp trong việc sáng tạo đồ chơi học tập cho trẻ. Tôi cũng được cô Nhài hỗ trợ làm các mô hình kể chuyện, giúp giờ học giữa cô và các bé trở nên hấp dẫn, thú vị hơn”.
Không chỉ phục vụ cho hoạt động dạy học, cô Nhài còn giới thiệu sản phẩm của mình đến những người có cùng đam mê và được đồng nghiệp gần xa nhiệt tình đón nhận. Đơn đặt hàng gửi đến ngày một nhiều hơn. “Hầu hết những sản phẩm tôi đều làm theo yêu cầu. Khi hoàn thành, tôi thường chụp lại cho khách xem đã được chưa, có cần chỉnh sửa gì không rồi mới gửi đi nên họ rất hài lòng và hàng không bao giờ bị gửi trả lại. Giá mỗi sản phẩm dao động từ 5.000 đến 500.000 đồng, tùy theo kích cỡ, độ khó-dễ và số lượng vật liệu sử dụng”-cô Nhài cho hay.
Chị Võ Thị Minh Thư (huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi) là một trong những khách hàng thường xuyên đặt mua hàng của cô Nhài và khá hài lòng về chất lượng cũng như giá cả. “Trong một lần tìm kiếm trên Facebook về những đồ dùng dạy học, tôi biết đến cô giáo Nhài và mua sản phẩm của bạn ấy. Sản phẩm bền đẹp và có tính thẩm mỹ cao. Đến nay, tôi đã mua khá nhiều sách truyện, rối, sa bàn kể chuyện do Nhài làm và sẽ tiếp tục ủng hộ”-chị Thư vui vẻ nói.
Nói về dự định trong tương lai, cô Nhài bảo rằng, bản thân sẽ không ngừng học hỏi, cố gắng làm được nhiều sản phẩm sáng tạo, có ý nghĩa thiết thực để áp dụng trong quá trình dạy học. Cùng với đó, cô cũng mong rằng, chính quyền địa phương quan tâm hơn nữa, nhất là đầu tư sân chơi cho trẻ ở các điểm làng vùng khó để các bé có thêm điều kiện học tập, vui chơi và phát triển toàn diện.
Bà Nguyễn Thị Thuần-Hiệu trưởng Trường Mầm non 1/6: “Cô Nhài là một giáo viên hiền lành, nhiệt tình và nhanh nhẹn trong công việc chăm sóc trẻ. Đặc biệt, cô rất khéo tay và có năng khiếu trong việc làm đồ chơi, đồ dùng học tập cho trẻ. Những mô hình trực quan, sinh động do cô Nhài tạo ra không chỉ giúp các cháu hứng thú, gắn kết hơn với giáo viên mà còn góp phần trang trí, làm đẹp cho lớp học”.
MỘC TRÀ

Có thể bạn quan tâm

Khởi nghiệp ở 'cổng trời'

Khởi nghiệp ở 'cổng trời'

Vĩnh Sơn là xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện miền núi Vĩnh Thạnh (Bình Định). Nằm ở độ cao khoảng 800m so mặt nước biển, Vĩnh Sơn được ví von là “cổng trời”, mang nét đẹp nguyên sơ đặc trưng.

Chư Păh nỗ lực ngăn chặn tình trạng tảo hôn

Chư Păh nỗ lực ngăn chặn tình trạng tảo hôn

(GLO)- Thực hiện Tiểu dự án 2-Dự án 9 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021-2025, huyện Chư Păh (tỉnh Gia Lai) đã triển khai nhiều giải pháp nhằm ngăn chặn tình trạng tảo hôn trên địa bàn.

Cô gái gen Z khởi nghiệp với tinh dầu bơ địa phương

Cô gái gen Z khởi nghiệp với tinh dầu bơ địa phương

(GLO)- Cô gái Lê Ánh Thùy Trang (20 tuổi, thôn Blo, xã A Dơk, huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) đã từ bỏ giảng đường cao đẳng để về quê khởi nghiệp với sản phẩm tinh dầu bơ thuần thiên nhiên. Sản phẩm không chỉ bảo vệ sức khỏe mà còn giúp phát triển kinh tế và tạo việc làm cho người dân địa phương.

Tặng 500 chiếc áo ấm cho học sinh huyện Chư Pưh

Tặng 500 chiếc áo ấm cho học sinh huyện Chư Pưh

(GLO)- Chiều 12-11, Công ty TNHH Doanh nghiệp xã hội từ thiện và hỗ trợ phát triển cộng đồng Fly To Sky phối hợp cùng Huyện Đoàn-Hội LHTN Việt Nam-Hội đồng Đội huyện Chư Pưh tổ chức chương trình “Áo ấm chuyền tay” cho học sinh huyện Chư Pưh (tỉnh Gia Lai).

Nữ 9X khởi nghiệp từ trái cây sấy khô

Nữ 9X khởi nghiệp từ trái cây sấy khô

Từng theo học Trường đại học Tây Nguyên, ngành kế toán, công tác tại nhiều công ty, chị Phạm Thị Nga (32 tuổi, trú tại Ea M'Nang, H.Cư Mgar, Đắk Lắk) quyết tâm về quê khởi nghiệp mô hình trái cây sấy khô.

Hành trình từ kình ngư Ánh Viên trở thành hot TikToker

Hành trình từ kình ngư Ánh Viên trở thành hot TikToker

Tại 'TikTok Awards Việt Nam 2024', kình ngư Nguyễn Thị Ánh Viên có tên trong danh sách đề cử hạng mục Nhà sáng tạo nội dung thể thao của năm. Cựu vận động viên có những chia sẻ thú vị về hành trình trở thành TikToker để lan tỏa niềm đam mê bơi lội đến mọi người.