Chuyến hành hương lễ Phật ấn tượng nhất miền Bắc

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Người yêu văn hóa bản địa đến Fansipan để say trong điệu khèn, trong váy xòe, hoa núi. Người ưa khám phá đến Fansipan để chinh phục đỉnh cao Đông Dương. Phật tử bốn phương đến Fansipan để chiêm bái, cầu an. Cũng chính tại Quần thể văn hóa tâm linh kỳ vĩ này, những người yêu nghệ thuật kiến trúc thỏa niềm đam mê khám phá những nét tinh hoa kiến trúc tâm linh trong từng đường nét.
 
Quần thể văn hóa tâm linh Fansipan Legend gồm các cụm công trình tâm linh nằm trải dài từ độ cao 2900m đến hơn 3000m. Giữa những vách đá dựng đứng, băng tuyết, sương mù, gió rít từng cơn, thời tiết khắc nghiệt đến độ “đứng vững cũng là việc khó”, bàn tay và khối óc con người đã bền bỉ tạo nên một tuyệt tác tâm linh kỳ vĩ.
 
Ngay từ Ga đi cáp treo Fansipan, Bảo An Thiền Tự đón khách bộ hành bằng sự bình dị, thân thuộc của nét kiến trúc tâm linh truyền thống, kế thừa từ những tiền mẫu di tích kiến trúc gỗ cổ xưa như chùa Bối Khê, chùa Thầy…
 
Mái ngói cổ phục chế kể câu chuyện về những nếp chùa Việt. Góc mái cong cong mang những hình mẫu rồng, phượng được phục dựng tỉ mỉ theo các di chỉ thành Thăng Long xưa. Cứ tự nhiên như thể đã neo vào thiên nhiên nơi này từ nhiều năm cũ, những công trình kiến trúc tâm linh tại Fansipan gieo vào ký ức du khách những nếp chùa Việt cổ kính, linh thiêng.
 
 
Bích Vân Thiền Tự, trên độ cao 3.025m, điểm dừng chân đầu tiên tại Ga đến lại dễ khiến người mê kiến trúc tâm linh Việt xao lòng, với tam cấp, sân thềm, tam quan, đền thờ Tổ, thờ Mẫu… 
 
 
Giữa non ngàn và sương núi, đài gác Đại Hồng Chung ẩn hiện trong lớp lớp mây bồng bềnh, vừa trầm mặc, vừa thanh tao với lầu chuông tám mái. Để làm nên công trình bình dị mà đẹp kỳ vĩ này, những phiến đá xanh và ngói phục chế đã được vận chuyển kì công lên độ cao 3.000m, rồi khéo léo sắp đặt cho tiệp với thiên nhiên, núi rừng.
 
Trong khi đó, tại nơi cao nhất của quần thể tâm linh, Kim Sơn Bảo Thắng Tự được xây dựng theo kiểu “nội công, ngoại quốc” với đầy đủ Tiền Đường, Tam Bảo, Nhà Tổ, hành lang bên, tháp đá, tam quan. 
 
Tại đây, nghệ thuật điêu khắc tượng và vẻ đẹp tâm linh đạt đến độ tinh tế cao, với 18 vị La Hán được sơn son thếp vàng ngự dọc hành lang Tả Vu, Hữu Vu, với đủ sắc thái, biểu cảm của cuộc đời. 
 
Chiêm ngưỡng từng chi tiết chạm khắc trên đá, trên tượng, trên cửa gỗ mộc mạc, thấy cả một nền mỹ thuật Việt thời Trần được tái hiện một cách sống động và chân thực.
 
Sừng sững giữa mây ngàn gió núi, Đại Tượng Phật A Di Đà buông xuống nhân gian ánh nhìn đại từ bi. Được tạo nên bởi hàng ngàn tấm đồng đen dày 5mm ốp theo kỹ thuật áp lực cơ khí lên khung thép đặc biệt chống biến dạng, bức tượng Phật A Di Đà cao nhất Việt Nam là minh chứng rõ nét cho sức mạnh và ý chí của con người nơi núi cao rừng thẳm.
 
Những tinh hoa kiến trúc tâm linh hội tụ nơi đây như Tượng Quan Thế Âm Bồ Tát, Miếu sơn thần, Đường La Hán, Tòa Bảo Tháp 12 tầng… Và mỗi công trình, nói như Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hội đồng trị sự TƯ Giáo hội Phật giáo Việt Nam, đều “là những kỳ quan và cũng là những di sản mà chúng ta để lại cho hậu thế mai sau”.
Thu Thúy (sggp)

Có thể bạn quan tâm

Độc đáo có "1-0-2" cảnh cá chép ăn hoa sen

Độc đáo có "1-0-2" cảnh cá chép ăn hoa sen

Ngay khi tiếp cận được bông sen thơm ngát, trái với suy nghĩ của mọi người rằng cá chép sẽ từ tốn thưởng hoa, con cá này mạnh mẽ nhao đến, cắn thẳng vào từng cánh hoa thơm ngát, cố gắng giật đứt, nuốt vào mồm.
Giữa Hà Nội mới xuất hiện một ngôi làng bích họa

Giữa Hà Nội mới xuất hiện một ngôi làng bích họa

Hơn 20 bức tranh với nội dung gắn với văn hóa lịch sử thôn Chử Xá (Gia Lâm, Hà Nội) được vẽ lên những bức tường đã tạo nên một diện mạo mới và hấp dẫn cho một làng quê Bắc Bộ. Nơi đây hứa hẹn sẽ là điểm đến mới cho nhiều du khách trong và ngoài nước.
Say sưa cốm Tú Lệ

Say sưa cốm Tú Lệ

Tú Lệ là một xã thuộc huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái. Thung lũng Tú Lệ được vây quanh bởi ba ngọn núi: Khau Phạ, Khau Thán và Khau Song. Từ lâu, nơi đây đã nổi tiếng với một loại nếp có hạt to tròn, trắng trong.