(GLO)-Chiều 20-11, UBND tỉnh Gia Lai tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết đánh giá tình hình thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng-an ninh, đối ngoại năm 2019 và đề ra phương hướng, nhiệm vụ năm 2020. Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành cùng các Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị. Tham dự hội nghị có lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh cùng lãnh đạo 17 huyện, thị xã, thành phố ở các đầu cầu.
19/21 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch
Năm 2019, các nghị quyết, chương trình, kế hoạch của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh đã được UBND tỉnh triển khai kịp thời cũng như chỉ đạo các ngành, địa phương bám sát các chỉ tiêu, nhiệm vụ để xây dựng kế hoạch thực hiện phù hợp với tình hình thực tế địa phương. Nhờ đó, kết thúc năm 2019, dự ước có 19/21 chỉ tiêu Nghị quyết HĐND tỉnh đề ra có khả năng đạt và vượt kế hoạch. Theo đó, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm tăng 8,16% so với năm 2018, trong đó, nông-lâm nghiệp-thủy sản tăng 5,35%, công nghiệp-xây dựng tăng 10,47%, dịch vụ tăng 8,79%, thuế sản phẩm tăng 9,56%. GRDP bình quân đầu người đạt 49,8 triệu đồng.
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Q.T |
Chương trình xây dựng nông thôn mới đạt nhiều kết quả khả quan. Theo đó, TP. Pleiku đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2018; thị xã An Khê đang hoàn thiện hồ sơ đề nghị công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Dự kiến đến hết năm 2019, tỉnh có thêm 14 xã đạt chuẩn nông thôn mới, nâng tổng số xã đạt chuẩn toàn tỉnh lên 72 xã, đạt tỷ lệ 39,1%... Trong năm, công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng cũng có nhiều chuyển biến tích cực. Ý thức của cán bộ và nhân dân trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng ngày càng được nâng cao. Các vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp được ngành chức năng điều tra, xử lý nghiêm. Từ đầu năm đến nay, ngành chức năng đã phát hiện 476 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp, giảm 44 vụ so với cùng kỳ năm 2018; đã xử lý hành chính 407 vụ, khởi tố hình sự 36 vụ (tăng 11 vụ so với cùng kỳ năm 2018); tịch thu hơn 803 m3 gỗ các loại và 142 phương tiện; thu nộp ngân sách nhà nước hơn 2,8 tỷ đồng.
Tổng mức đầu tư phát triển toàn xã hội trên địa bàn tỉnh ước đạt 26.000 tỷ đồng, bằng 100% kế hoạch, tăng 15,56% so với năm 2018. Kim ngạch xuất khẩu năm 2019 ước đạt 500 triệu USD, đạt 100% kế hoạch, tăng 6,38% so với năm 2018. Thu ngân sách nhà nước năm 2019 trên địa bàn đạt 4.908 tỷ đồng, bằng 109% dự toán Trung ương giao, bằng 100,06% dự toán HĐND tỉnh giao (bằng 98,16% kế hoạch phấn đấu), tăng 8,86% so với năm 2018. Công tác cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh, kêu gọi đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp, kinh tế tập thể được UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo quyết liệt. Nhờ đó, trong năm, toàn tỉnh có 900 doanh nghiệp thành lập mới, đạt 100% kế hoạch, tăng 16,58% so với năm 2018; có 53 dự án được phê duyệt quyết định đầu tư với tổng vốn đăng ký 8.200 tỷ đồng; có 30 dự án đưa vào hoạt động với tổng vốn đầu tư ước đạt 3.410 tỷ đồng.
Các lĩnh vực văn hóa-xã hội, giáo dục-đào tạo, y tế, khoa học-công nghệ, thông tin-truyền thông, lao động việc làm tiếp tục có bước phát triển; công tác an sinh xã hội, chăm lo cho gia đình chính sách, người có công được quan tâm thực hiện. Các vấn đề bức xúc xã hội, đơn thư khiếu nại, tố cáo được quan tâm xử lý; tai nạn giao thông giảm cả 3 tiêu chí. Công tác đối ngoại được quan tâm. Tình hình an ninh chính trị, an ninh biên giới, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo…
Cần có tư duy đột phá
Bên cạnh những kết quả đạt được, năm qua, tình hình sản xuất nông nghiệp của tỉnh gặp nhiều khó khăn như: giá cả các mặt hàng nông sản giảm; diễn biến thời tiết không thuận lợi; dịch bệnh sâu keo mùa thu gây thiệt hại nặng nề cho người trồng bắp; dịch tả heo châu Phi xảy ra ở hầu hết các địa phương trên địa bàn tỉnh làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành chăn nuôi... Giải ngân vốn xây dựng cơ bản tuy có cố gắng nhưng chưa đạt như kỳ vọng, nhất là nguồn vốn các chương trình mục tiêu quốc gia. Cải cách hành chính tuy có nhiều tiến bộ nhưng vẫn còn nhiều vấn đề cần tiếp tục cải thiện…
Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành kết luận hội nghị. Ảnh: Đức Thụy |
|
Tại hội nghị, lãnh đạo các sở, ngành, địa phương đã tập trung phân tích nguyên nhân những tồn tại, hạn chế trong năm 2019 cũng như đề ra giải pháp khắc phục trong thời gian tới. Đồng thời, các đại biểu cũng đã tập trung thảo luận và xây dựng các chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội chủ yếu của tỉnh trong năm 2020. Theo ông Hồ Phước Thành-Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư: Tình trạng hạn hán trong năm qua đã gây ảnh hưởng rất lớn đến tình hình phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, đặc biệt, ngành nông nghiệp, sản xuất điện chịu ảnh hưởng lớn nhất. Tuy nhiên, trong năm qua, một số nhà máy mới đi vào hoạt động như: Nhà máy chế biến tinh bột sắn Vạn Phát, Nhà máy nhiệt điện sinh khối An Khê, Thủy điện Ia Grai 2, Nhà máy điện mặt trời Krông Pa, Nhà máy chế biến rau quả DOVECO... đã góp phần cho ngành công nghiệp đạt mục tiêu kế hoạch đề ra và tăng so với năm 2018. Đồng thời, đây cũng là động lực để ngành công nghiệp phát triển trong những năm tiếp theo cũng như góp phần thúc đẩy nông nghiệp phát triển khi các nhà máy chế biến nông sản đi vào hoạt động ổn định. Ngoài ra, các dự án đã được trao chủ trương đầu tư và 30 dự án đi vào hoạt động trong năm 2019 là những tín hiệu rất khả quan cho phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh trong năm 2020.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Dũng-Giám đốc Sở Tài chính cũng cho rằng, tình hình hạn hán, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi trong năm 2019 đã ảnh hưởng rất lớn đến các khoản thu ngân sách trên địa bàn. Do đó, để công tác thu ngân sách trên địa bàn trong năm 2020 đạt và vượt kế hoạch đề ra, các ngành, địa phương phải quyết tâm cao hơn nữa. Cần tập trung phân tích nguyên nhân thu thuế không đạt của một số ngành, địa phương, từ đó tham mưu giúp UBND tỉnh triển khai các giải pháp để khắc phục trong năm 2020. Bên cạnh đó, Giám đốc Sở Tài chính cũng đề nghị các cấp, các ngành, địa phương cùng ngồi lại với Ngân hàng Nhà nước-Chi nhánh tỉnh tìm giải pháp giải quyết dứt điểm những khó khăn của người trồng hồ tiêu, trong đó cần xem xét đến việc khoanh nợ cho người dân.
Phát biểu kết luận hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành nhấn mạnh: Năm 2020 là năm cuối của nhiệm kỳ, có ý nghĩa quan trọng trong thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội. Do đó, các sở, ngành, chính quyền địa phương cần có tư duy đột phá và giải pháp phù hợp nhằm thực hiện tốt các chỉ tiêu đề ra. Rà soát, đánh giá lại cơ chế, chính sách cũng như tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển, thu hút đầu tư. Đồng thời, tập trung thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng ngay từ bây giờ, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính nhằm tạo điều kiện cho các nhà đầu tư thực hiện dự án, góp phần đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ bản. Ngành nông nghiệp cần xây dựng kế hoạch thực hiện công tác thu hồi đất rừng và triển khai trồng rừng trong thời gian tới; chú trọng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Đẩy mạnh triển khai kế hoạch tinh giản biên chế, sắp xếp lại các đơn vị hành chính, đơn vị sự nghiệp.
Đặc biệt, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành yêu cầu các ngành, địa phương cần chuẩn bị, tổ chức thực hiện tốt các sự kiện quan trọng của tỉnh trong thời gian tới như: sự kiện TechDemo 2019; kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập đô thị Pleiku và công bố TP. Pleiku hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; Ngày Cà phê Việt Nam lần thứ III-2019; Đại hội các dân tộc thiểu số toàn tỉnh lần thứ III...
Quang Tấn