(GLO)- Đó là một trong những chỉ đạo của Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Võ Ngọc Thành tại Hội nghị sơ kết nhiệm vụ công tác tháng 5 và triển khai nhiệm vụ những tháng cuối năm 2018 diễn ra chiều 5-6.
Những kết quả khả quan
Theo báo cáo, đến nay, toàn tỉnh đã gieo trồng 42.564 ha cây trồng vụ mùa, đạt 20,9% kế hoạch. Các hồ chứa thủy lợi, đập dâng đảm bảo cung cấp nước phục vụ sản xuất. Công tác phòng trừ sâu bệnh trên cây trồng được theo dõi thường xuyên nên chỉ xuất hiện một số loại sâu bệnh thông thường trên diện hẹp. Tỉnh cũng đã tập trung triển khai công tác tiêm phòng vắc xin lở mồm long móng type O cho gia súc tại 13/17 huyện, thị xã, thành phố.
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: G.K |
Về chương trình xây dựng nông thôn mới, ông Trương Phước Anh-Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, cho biết, tỉnh đã triển khai xây dựng bộ tiêu chí xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2018-2020 áp dụng thực hiện trên địa bàn tỉnh; tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để hướng dẫn, hỗ trợ 11 xã đăng ký xã đạt chuẩn nông thôn mới, thị xã An Khê hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Dự kiến, năm 2018, ngoài 11 xã đã đăng ký thì sẽ có thêm 2 xã nữa đạt chuẩn nông thôn mới.
Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp 5 tháng đầu năm ước tăng 6,25% so với cùng kỳ năm 2017. Giá trị sản xuất công nghiệp (giá so sánh năm 2010) tháng 5 ước thực hiện 1.660 tỷ đồng, tính chung 5 tháng đạt gần 1.200 tỷ đồng, bằng 36,4% kế hoạch. Công tác đầu tư xây dựng cơ bản đã được tập trung triển khai, đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Theo kế hoạch, vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước năm 2018 do tỉnh quản lý là 2.974,66 tỷ đồng, trong đó, ngân sách địa phương 1.239 tỷ đồng, ngân sách Trung ương 1.735 tỷ đồng. Trong số 64 dự án khởi công mới, đến cuối tháng 5 có 1 dự án hoàn thành, 45 dự án đang triển khai thi công, các dự án khác đang hoàn chỉnh thủ tục đầu tư. Tính đến ngày 30-5, toàn tỉnh giải ngân đạt 19,86% kế hoạch.
Trong tháng 5, giá lương thực, thực phẩm tương đối ổn định, nhiều mặt hàng trên thị trường có chương trình khuyến mãi, giảm giá đã kích thích tiêu dùng của người dân. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tháng 5 ước đạt 4.291 tỷ đồng, tăng 4% so với tháng trước; tính chung 5 tháng đầu năm ước đạt 22.211 tỷ đồng, bằng 38,63% kế hoạch. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5 tăng 0,31% so với tháng 4, tăng 3,56% so với cùng kỳ năm 2017. Thu ngân sách trên địa bàn tháng 5 đạt 393,4 tỷ đồng, tính chung 5 tháng đạt trên 1.960 tỷ đồng, bằng 49,28% dự toán Trung ương giao, bằng 46,74% dự toán HĐND tỉnh giao, tăng 5,28% so với cùng kỳ. Ngành ngân hàng tiếp tục triển khai cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, tưới tiết kiệm nước, tái canh cà phê... Tổng nguồn vốn huy động trên địa bàn đến cuối tháng 5 ước đạt 33.400 tỷ đồng, tăng 3,5% so với cuối năm 2017.
Các lĩnh vực giao thông-vận tải, tài nguyên-môi trường, giáo dục, y tế, lao động-thương binh và xã hội, khoa học-công nghệ, văn hóa, thể thao... cũng đạt được nhiều kết quả đáng mừng. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tiếp tục được giữ vững ổn định.
Tập trung tháo gỡ vướng mắc
Tuy kinh tế-xã hội của tỉnh trong 5 tháng đầu năm đạt được nhiều kết quả khả quan, song vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ. Theo báo cáo của Sở Công thương, kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh 5 tháng đầu năm giảm. Tháng 5, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 28,06 triệu USD, tổng 5 tháng đầu năm chỉ đạt 207,1 triệu USD, bằng 44,1% kế hoạch, giảm 17,58% so với cùng kỳ năm 2017. Lý giải nguyên nhân, ông Bùi Khắc Quang-Giám đốc Sở Công thương cho biết là do các mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực như cà phê, cao su, tiêu hạt giảm mạnh.
Một số khó khăn khác cũng được đại diện lãnh đạo các sở, ngành chỉ ra như: tiến độ triển khai các dự án đầu tư xây dựng cơ bản chậm, lúng túng trong giải tỏa đền bù, giải ngân thấp. Quản lý quy hoạch, quản lý tài nguyên khoáng sản còn bất cập. Việc triển khai các dự án đầu tư của các doanh nghiệp còn nhiều dự án kéo dài. Tai nạn giao thông tăng cao, tệ nạn xã hội đáng lo ngại...
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành yêu cầu các sở, ngành và các địa phương phải phối hợp làm tốt công tác giải phóng mặt bằng, giải quyết các thủ tục; các ngành liên quan hàng tuần họp để nắm bắt tình hình, cùng tháo gỡ những vướng mắc. Ngành Công an cần tăng cường công tác kiểm tra, chỉ đạo các địa phương tuyên truyền, vận động những người dân giao nộp vũ khí; nỗ lực xử lý tốt vấn đề an ninh chính trị khu vực nông thôn. “Tín dụng đen” cũng là vấn đề nhức nhối. Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị ngành Ngân hàng nên có kênh cho vay tập thể như phụ nữ, nông dân... Đề nghị Công an tỉnh chỉ đạo Công an các huyện rà soát những tổ chức, những nhóm chuyên cho vay, bảo kê... Chủ tịch UBND tỉnh đặc biệt lưu ý Sở Tài nguyên và Môi trường: “Phải siết chặt kỷ cương, kỷ luật trong quản lý đất đai, ai vi phạm phải đình chỉ ngay. Giám đốc Sở phải kiểm tra, kiểm soát, quán xuyến toàn bộ, nâng cao trách nhiệm”.
Gia Lai bắt đầu bước vào mùa mưa, do vậy, Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu Sở Nông nghiệp và PTNT triển khai ngay kế hoạch ứng phó với mưa bão; theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết để có lịch gieo trồng, trồng rừng phù hợp. Các ngành, địa phương tập trung các nguồn lực để triển khai xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, xóa nghèo cho các gia đình chính sách. Tập trung đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ bản, đến hết tháng 6-2018, huyện nào, ngành nào không thực hiện được mục tiêu giải ngân 40% cũng sẽ phải xử lý. Triển khai tốt các nhiệm vụ đảm bảo cho kỳ thi THPT Quốc gia. Tập trung xử lý các vấn đề về môi trường, vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, tài nguyên khoáng sản. Các sở, ngành nâng cao trách nhiệm đối với lĩnh vực mình phụ trách, không đổ trách nhiệm cho địa phương.
Gia Khang