Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh thời hậu Covid-19

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Thời gian qua, Văn phòng đại diện Ban quản lý Khu Kinh tế Cửa khẩu Quốc tế (CKQT) Lệ Thanh, Chi cục Hải quan CKQT Lệ Thanh cũng như lực lượng Biên phòng đã phối hợp thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý nhà nước tại cửa khẩu, tháo gỡ khó khăn vướng mắc, tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế hoạt động sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu thuận lợi, kết hợp thực hiện hiệu quả mục tiêu kép: phục hồi phát triển kinh tế và phòng-chống dịch Covid-19.

Sớm trở lại bình thường

Một ngày cuối tháng 9, chúng tôi có dịp ghé thăm CKQT Lệ Thanh (huyện Đức Cơ). Trung tâm Khu Kinh tế CKQT Lệ Thanh và Khu Công nghiệp thuộc Khu Kinh tế CKQT Lệ Thanh không còn cảnh đìu hiu, vắng vẻ như trước mà đã hoàn toàn trở lại trạng thái bình thường.

Ghé vào một quán giải khát bên đường, anh Quân-chủ quán cho biết: Những ngày gần đây, lượng người và phương tiện qua lại cửa khẩu nhiều hơn. Từ Việt Nam qua là chuyên gia, công nhân; bên Campuchia sang là bà con thăm thân, khám bệnh, mua sắm hàng hóa thiết yếu.

 Phương tiện qua lại Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh. Ảnh: Thất Sơn
Phương tiện qua lại Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh. Ảnh: Thất Sơn


Xe dừng lại trước gác chắn Trạm Biên phòng. Một chiếc bàn nhỏ trên có chai nước sát khuẩn, khẩu trang y tế đã chuẩn bị sẵn. Các cán bộ, chiến sĩ Biên phòng hướng dẫn chúng tôi vào khu vực cửa khẩu sau khi đã kiểm tra giấy tờ, nội dung làm việc.

Phóng tầm mắt xung quanh, nhà xưởng, kho bãi, cơ quan, thấp thoáng bóng người. Hai lối qua lại cửa khẩu, một số xe container, ô tô tải chở hàng đang làm thủ tục thông quan. Một tốp người hình như là công nhân sang làm việc bên Campuchia tiến về quầy giải quyết thủ tục xuất cảnh của bộ phận Hải quan. Họ được hướng dẫn và yêu cầu đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn trước khi đến khu vực trực tiếp giải quyết công việc.

Anh Nguyễn Văn Linh-chuyên viên Văn phòng đại diện Ban Quản lý Khu Kinh tế CKQT Lệ Thanh-cho hay: Văn phòng có trách nhiệm thực hiện công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của các thành phần kinh tế tại khu vực. Đơn vị cũng phối hợp với lực lượng Hải quan, Biên phòng kiểm tra, kiểm soát việc qua lại biên giới, giám sát hàng hóa xuất nhập khẩu, phương tiện vận tải xuất nhập cảnh qua biên giới. Kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ tại Trạm Kiểm soát liên hợp và các địa điểm tập kết hàng hóa xuất nhập khẩu... Nói chung, hoạt động tại cửa khẩu đã cơ bản trở lại trạng thái bình thường.

Thực hiện “mục tiêu kép”

Ông Nguyễn Văn Dũng-Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan CKQT Lệ Thanh-cho biết: Chi cục quán triệt kịp thời, đầy đủ chỉ thị, kế hoạch, văn bản của ngành, tỉnh và liên quan đến cán bộ, nhân viên. Đặc biệt là sự chỉ đạo nỗ lực tháo gỡ khó khăn vướng mắc nhanh chóng thông quan hàng hóa, không để ách tắc, tồn đọng tại cửa khẩu, đi đôi với tăng cường đảm bảo phòng-chống dịch Covid-19, phù hợp với pháp luật của 2 nước Việt Nam-Campuchia.

Hy vọng, sau khi dịch Covid-19 được khống chế, hoạt động giao thương tại cửa khẩu nhanh chóng khởi sắc. Ảnh; Nguyễn Tú
Hy vọng, sau khi dịch Covid-19 được khống chế, hoạt động giao thương tại cửa khẩu nhanh chóng khởi sắc. Ảnh: Nguyễn Tú


Trên tinh thần đó, Chi cục đã có nhiều cố gắng trong thực hiện nhiệm vụ giám sát, quản lý; quản lý thuế; điều tra chống buôn lậu; thu thập xử lý thông tin và quản lý rủi ro; kiểm tra sau thông quan; cải cách hành chính, hiện đại hóa công tác Hải quan... Trong công tác giám sát quản lý, Chi cục chủ động kế hoạch phối hợp với các lực lượng chức năng tại cửa khẩu, nhất là lực lượng Biên phòng, bộ phận y tế tại Trạm Kiểm soát liên hợp, Ban Quản lý Khu Kinh tế cửa khẩu triển khai quy trình kiểm tra giám sát đối với hàng hóa xuất nhập khẩu. Việc giao nhận hàng hóa thực hiện tập trung tại một địa điểm, không cho lái xe là người Campuchia vào khu vực giao nhận hàng. Chủ động nắm chắc tình hình dịch bệnh để bố trí lực lượng, trang-thiết bị, cơ sở vật chất đảm bảo phòng-chống dịch. Cùng với lực lượng Biên phòng tại cửa khẩu kiểm tra, giám sát chặt chẽ người và phương tiện xuất nhập cảnh, tăng cường tuần tra, kiểm soát khu vực biên giới, đường mòn, lối mở nhằm ngăn chặn tình trạng buôn lậu, vận chuyển hàng hóa trái phép, động vật, sản phẩm động vật có nguy cơ lây truyền dịch bệnh. Phối hợp với các lực lượng của Cửa khẩu Oyadav (Campuchia) đề nghị thông báo kịp thời nếu phát hiện hành khách có triệu chứng bị bệnh xuất cảnh qua nước ta; thực hiện các biện pháp sát khuẩn.

Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan CKQT Lệ Thanh thông tin: “Trong quý III-2020, có 21 doanh nghiệp làm thủ tục hải quan. Phương tiện vận tải xuất nhập cảnh qua cửa khẩu chủ yếu là thương nhân, người lao động. Trong quý có 3.655 lượt phương tiện xuất nhập cảnh, tăng 13,27% so với cùng kỳ năm trước; 535 lượt hành khách nhập cảnh, giảm 98,09% so với cùng kỳ năm 2019. Kim ngạch xuất nhập khẩu trong quý của Chi cục đạt hơn 14,7 triệu USD, tăng 77,6% so với cùng kỳ năm trước. Hàng hóa nhập khẩu phát sinh trong quý chủ yếu là nông sản, cao su các loại. Hàng hóa xuất khẩu chủ yếu là hàng bách hóa tổng hợp, thùng carton, phân bón, vật tư nông nghiệp, sản phẩm gỗ, năng lượng điện...”.

Cũng theo ông Dũng, tổng số thu nộp thuế trong quý đạt hơn 1,15 tỷ đồng. Nguồn thu chủ yếu là thuế giá trị gia tăng mặt hàng cao su nhập khẩu các loại, thuế xuất khẩu các mặt hàng có chi phí tài nguyên khoáng sản trên 51%. Tổng thu ngân sách nhà nước từ đầu năm đến cuối tháng 9-2020 là hơn 4,88 tỷ đồng, đạt 16,27% chỉ tiêu năm 2020. “Hy vọng, sau khi dịch Covid-19 được khống chế, hoạt động giao thương tại cửa khẩu nhanh chóng khởi sắc”-ông Dũng bày tỏ.

 THẤT SƠN
 

Có thể bạn quan tâm

'Lên dây cót' cho điện

'Lên dây cót' cho điện

"Không để thiếu điện cho sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng trong bất cứ hoàn cảnh, trường hợp nào, nhất là vì lý do chủ quan từ công tác điều hành", đó là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong cuộc họp cuối tuần qua.
Bộ Công thương thí điểm tính giá điện 2 thành phần, tiền điện ảnh hưởng ra sao?

Bộ Công thương thí điểm tính giá điện 2 thành phần, tiền điện ảnh hưởng ra sao?

Giá bán điện 2 thành phần có nhiều ưu thế vượt trội với mục tiêu tính đúng, tính đủ chi phí mà người tiêu dùng điện gây ra cho hệ thống. Bộ Công thương khẳng định, thí điểm cần thiết để đánh giá, tính toán được khoản tiền điện chênh lệch giữa biểu giá điện hiện hành và biểu giá điện 2 thành phần.