Phát triển năng lượng tái tạo còn nhiều điểm "nghẽn"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Phát triển các dự án năng lượng tái tạo (NLTT) là cần thiết và phù hợp song trên thực tế, nhiều địa phương triển khai lại đang gặp khó vì các “điểm nghẽn” trong quá trình thực hiện như kỹ thuật, cơ chế…
 
Nhiều nhà máy phải giảm phát từ 10 đến trên 50%
Đây là ý kiến của các đại biểu tham dự hội thảo quốc tế “Năng lượng tái tạo tại Việt Nam – Từ chính sách tới thực tiễn” diễn ra vào sáng nay 27/11 tại Hà Nội.
Số lượng nhà máy vượt dự kiến quy hoạch
Tính đến cuối tháng 6/2019, cả nước có 89 nhà máy điện gió và mặt trời đạt tổng công suất lắp đặt 4.543,8 MW, chiếm 8,3% tổng công suất điện quốc gia. Con số này vượt rất xa so với dự kiến của Quy hoạch điện VII điều chỉnh (850 MW điện mặt trời vào năm 2020).
Tuy nhiên, do sự phát triển quá nhanh của các dự án điện tái tạo, trong khi đó hệ thống truyền tải không theo kịp đã dẫn tới sự quá tải.
Chia sẻ tại hội thảo, Ths. Nguyễn Anh Tuấn, Ủy viên HĐKH Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, nguyên Phó viện trưởng Viện Năng lượng cho biết, để xây dựng và đưa vào vận hành một dự án NLTT chỉ mất thời gian 6 tháng đến 1 năm. Tuy nhiên, để triển khai các thủ tục đầu tư, và xây dựng đường dây, trạm biến áp truyền tải thông thường phải mất từ 2 đến 3 năm, nếu vướng mắc trong đền bù, giải tỏa mặt bằng… thời gian có thể kéo dài thêm 1 đến 2 năm.
 
Quang cảnh hội thảo
Trên thực tế, sự mất đồng bộ giữa phát triển nguồn điện mặt trời, điện gió gây ra các “điểm nghẽn” về truyền tải.  Trong đó, theo ông Tuấn sự “bùng nổ” của các dự án điện mặt trời trong khi hệ thống truyền tải không đáp ứng được khiến nhiều nhà máy phải giảm phát từ 10 đến trên 50%.
Với đặc điểm điều kiện địa lý nắng gió là chính, là tiềm năng điện tái tạo, Phó chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Phạm Văn Hậu cho biết địa phương đã chủ động xây dựng quy hoạch điện gió. Năm 2013, tỉnh đã đề nghị Bộ Công Thương và các ngành nghiên cứu điện năng lượng mặt trời.
Theo báo cáo, hiện trên địa bàn tỉnh có 5 khu vực được quy hoạch phát triển điện gió với tổng công suất khoảng 1.429 MW, tổng diện tích khoảng 21.432 ha. Đối với lĩnh vực điện mặt trời, có 79 địa điểm với quy mô công suất khoảng 10.476 MWp (tương đương 8.381 MW). Dựa trên quy hoạch đã được phê duyệt, UBND tỉnh đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách mới để thu hút các doanh nghiệp trong, ngoài nước đầu tư vào lĩnh vực này.
Đến nay, lĩnh vực điện gió có 13 dự án đã được cấp quyết định chủ trương đầu tư quy mô công suất trên 700MW. Đối với điện mặt trời, tỉnh đã chấp thuận chủ trương nghiên cứu, khảo sát lập hồ sơ bổ sung quy hoạch cho 48 dự án, tổng quy mô công suất trên 2.748 MW, trong đó có 32 dự án đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý bổ sung vào quy hoạch phát triển điện lực, với tổng công suất trên 1.900MW. Hiện nay, có 2 dự án đã đi vào hoạt động, 14 dự án đã tiến hành khởi công xây dựng đạt tiến độ.
Dù tiềm năng lớn, địa phương cũng đã rất chủ động nghiên cứu, rà soát tổng thể tiềm năng lợi thế về đất đai nhưng Phó chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận thừa nhận “tổng thể phát triển không có định hình cho nên Ninh Thuận gặp khó khăn trong triển khai thực hiện”.
Đánh giá sự cần thiết phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam đánh giá, nguy cơ thiếu điện hiện tại đã tích tụ từ nhiều năm trước. Để bù đắp cho sự thiếu hụt này, các dự án nhiệt điện than được phát triển trở lại.
“Hiện nay, các nguồn nhiên liệu hóa thạch như than đá, dầu mỏ, khí đốt vẫn đáp ứng phần lớn nhu cầu năng lượng, tuy nhiên, nguồn nhiên liệu này đang dần cạn kiệt, gây ra biến đổi khí hậu và ảnh hưởng đến sức khỏe con người.
Vì vậy, việc nghiên cứu và sử dụng các nguồn NLTT như: năng lượng gió, mặt trời, địa nhiệt hay năng lượng sinh khối là xu hướng tất yếu của nhiều quốc gia trên thế giới.” Ông Ngãi khẳng định.
Dù vậy, nhưng vì sao các địa phương, doanh nghiệp vẫn kêu gặp khó? Trả lời câu hỏi này, ông Anh Tuấn lý giải trong lúc lập và trình duyệt Quy hoạch điện VII tại thời điểm cuối 2015, đầu 2016, vì chưa có cơ chế hỗ trợ cụ thể, thích đáng khiến rất ít các dự án NLTT được đề xuất.
“Quy mô nguồn điện NLTT trên 27.000 MW vào năm 2030 cũng chỉ là tính toán định hướng. Vì vậy, không thể xuất hiện các đường dây và trạm biến áp truyền tải cụ thể theo từng năm.” Ông Tuấn cho hay. 
Đồng tình với quan điểm này, chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cho rằng, điễm nghẽn đầu tiên có là quy hoạch. Giải bài toán này, theo ông Ánh cần phải có sự đồng bộ trong quy hoạch – từ phát điện, truyền tải điện và bán lẻ. Có như thế, điểm nghẽn mới được khơi thông.
N. Huyền (Infonet)

Có thể bạn quan tâm

'Lên dây cót' cho điện

'Lên dây cót' cho điện

"Không để thiếu điện cho sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng trong bất cứ hoàn cảnh, trường hợp nào, nhất là vì lý do chủ quan từ công tác điều hành", đó là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong cuộc họp cuối tuần qua.
Bộ Công thương thí điểm tính giá điện 2 thành phần, tiền điện ảnh hưởng ra sao?

Bộ Công thương thí điểm tính giá điện 2 thành phần, tiền điện ảnh hưởng ra sao?

Giá bán điện 2 thành phần có nhiều ưu thế vượt trội với mục tiêu tính đúng, tính đủ chi phí mà người tiêu dùng điện gây ra cho hệ thống. Bộ Công thương khẳng định, thí điểm cần thiết để đánh giá, tính toán được khoản tiền điện chênh lệch giữa biểu giá điện hiện hành và biểu giá điện 2 thành phần.