Biến vùng đất cằn cỗi thành trung tâm năng lượng tái tạo ở Tây Nguyên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Đắk Lắk là một trong những địa phương thu hút được sự quan tâm của các nhà đầu tư trong và ngoài nước trong sản xuất nguồn năng lượng sạch, năng lượng tái tạo từ năng lượng mặt trời và sức gió.
Trong những năm gần đây,  Đắk Lắk là một trong những địa phương thu hút được sự quan tâm của các nhà đầu tư trong và ngoài nước trong sản xuất nguồn năng lượng sạch, năng lượng tái tạo từ năng lượng mặt trời và sức gió.
Nhiều dự án đã đi vào hoạt động góp phần quan trọng trong việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo an sinh xã hội ở địa phương. Những vùng đất đai bạt ngàn, cằn cỗi vốn không thể sản xuất nông nghiệp do thổ nhưỡng, điều kiện thời tiết khắc nghiệt nay trở thành miền đất hứa với những cơ hội phát triển to lớn. 
*Biến nắng, gió thành năng lượng 
Tỉnh Đắk Lắk nằm trong khu vực có tiềm năng ứng với lượng bức xạ mặt trời trung bình trên 1.750 kWh/m2/năm (trung bình khoảng 5kWh/m2/ngày), tiềm năng kỹ thuật có thể ước tính để phát triển các dự án điện mặt trời là khoảng 80GWp; trong đó, các huyện Ea Súp, Buôn Đôn, Krông Bông, Ea H’leo... có bức xạ cao hơn. 
Ngày 25/4/2019, tại xã Ea Phê, huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk đã diễn ra Lễ khánh thành Dự án Trang trại Điện Mặt trời BMT. Đây dự án điện mặt trời thứ 3 được xây dựng tại tỉnh Đắk Lắk hòa vào lưới điện quốc gia. Ảnh: TTXVN
Quỹ đất tại các địa phương này vẫn còn khoảng 30.000 ha có thể sử dụng để xây dựng các nhà máy điện năng lượng mặt trời. Đây là những vùng đất cằn, hầu như không thể canh tác vào mùa khô và chỉ trồng các cây ngắn ngày vào mùa mưa với sản lượng bấp bênh vì chủ yếu “nhờ trời” nên việc giải phóng mặt bằng tương đối thuận lợi. Theo Sở Công Thương Đắk Lắk, giai đoạn đến 2020 tiềm năng phát triển điện mặt trời khoảng 1.400MWp, giai đoạn 2021-2025 khoảng 4.000MWp. 
Cùng với năng lượng mặt trời, tỉnh Đắk Lắk còn có nhiều tiềm năng để phát triển điện gió. Các khu vực có tiềm năng phát triển điện gió tỉnh Đắk Lắk thuộc các huyện Ea H’leo, Krông Búk, Krông Năng, Cư M’Gar và thị xã Buôn Hồ. 
Riêng huyện Ea H’leo, theo kết quả quan trắc của Sở Công Thương tỉnh Đắk Lắk, lượng gió mạnh và không có sự chênh lệch nhiều giữa các tháng trong năm với tốc độ trung bình từ 6 -7 m/s. Với các điều kiện tự nhiên sẵn có, huyện có thể phát triển, xây dựng các nhà máy điện gió theo kiểu trang trại trên các quả đồi với diện tích hơn 12.200 ha đất đã được khảo sát và đánh giá phù hợp. 
Ông Phạm Thái, Giám đốc Sở Công Thương Đắk Lắk cho biết, điện mặt trời, điện gió đều là những nguồn năng lượng sạch đang được khuyến khích phát triển tại Việt Nam nói chung và Đắk Lắk nói riêng.
Vì vậy, UBND tỉnh Đắk Lắk cũng như các sở, ban, ngành địa phương đã và đang tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư trong quá trình khảo sát, lập phương án, tiến hành các thủ tục đầu tư và triển khai dự án. Bên cạnh đó, thời gian qua, tỉnh Đắk Lắk đã xây dựng Quy hoạch phát triển điện gió tỉnh Đắk Lắk giai đoạn đến 2020, có xét đến năm 2030 đã được Bộ Công Thương phê duyệt; Đề án Quy hoạch phát triển điện mặt trời tỉnh Đắk Lắk giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 do Viện Năng lượng – Bộ Công Thương lập tháng 6/2018... 
*Thành quả bước đầu 
Cụm công trình Nhà máy điện mặt trời Sêrêpốk 1 và Quang Minh do Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển điện Đại Hải và Công ty cổ phần điện mặt trời Sêrêpốk làm chủ đầu tư, được xây dựng trên diện tích 120ha tại thôn 9, xã Ea Wer, huyện Buôn Đôn, tổng vốn đầu tư hơn 2.200 tỷ đồng đã được đưa vào vận hành thương mại. Đây là dự án điện mặt trời đầu tiên ở Đắk Lắk hòa lưới điện quốc gia, với công suất 100MWp. 
Việc phát triển điện mặt trời tại Đắk Lăk làm tăng giá trị từ đất lên từ 30-40 lần so với cây trồng nông nghiệp phù hợp loại đất hiện trạng. Ảnh minh họa: TTXVN
Theo ông Trần Bá Quang, Giám đốc Nhà máy điện mặt trời Sêrêpốk 1, việc xây dựng nhà máy đã tạo việc làm cho hàng trăm lao động địa phương. Mỗi năm, công ty nộp ngân sách khoảng 30 tỷ đồng. Thêm vào đó, giá trị của đất đai đã được khai thác tốt hơn, bởi đất tại khu vực làm nhà máy nếu trước đây đa số bỏ hoang, thì nay có thể tạo ra 2 tỷ đồng/ha mỗi năm. 
“Ngoài mục tiêu cung cấp điện cho hệ thống điện Quốc gia, phát triển kinh tế xã hội tạo công ăn việc làm cho địa phương, việc phát triển điện mặt trời tại Đắk Lăk làm tăng giá trị từ đất lên từ 30-40 lần so với cây trồng nông nghiệp phù hợp loại đất hiện trạng”, ông Quang cho biết. 
Theo Sở Công Thương Đắk Lắk, trên địa bàn tỉnh hiện có 32 dự án điện mặt trời đã đầu tư, đăng ký đầu tư và hàng chục nhà đầu tư tiến hành khảo sát, lập dự án; trong đó, có 1 dự án đã được Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt bổ sung vào Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia là Nhà máy điện mặt trời Xuân Thiện-Ea Súp, giai đoạn 1 công suất 600MW (750MWp).
Bộ Công Thương đang thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt 3 dự án khác vào Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia. Ngoài ra, 5 dự án đã được Bộ Công Thương phê duyệt bổ sung vào Quy hoạch phát triển điện lực tỉnh Đắk Lắk. 
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã có 5 dự án Nhà máy điện mặt trời, công suất 190MWp hoàn thành, đưa vào vận hành phát điện. Dự kiến, trong năm 2019, các dự án Điện mặt trời Long Thành 1 – huyện Ea Súp, Cụm nhà máy Điện mặt trời Xuân Thiện – Ea Súp với tổng công suất gần 700MWp sẽ đi vào hoạt động từ 50 đến 100% công suất. 
Về điện gió, Trang trại phong điện Tây Nguyên tại xã Dliê Yang, huyện Ea H’leo do Công ty cổ phần Giải pháp năng lượng gió HBRE làm chủ đầu tư, tổng công suất 436MW, vốn đầu tư gần 13.000 tỷ đồng. Dự kiến đến tháng 9/2019 giai đoạn 1 của dự án, công suất 28,8MW sẽ hoàn thành và hòa lưới điện quốc gia với sản lượng 108 triệu kWh/năm.
Bên cạnh đó, trong năm cũng sẽ có thêm 4 dự án điện gió khác, tổng công suất khoảng 400MW dự kiến được khởi công. Đồng thời, hiện tại, UBND tỉnh cũng đã đồng ý cho 9 nhà đầu tư đến khảo sát, lập dự án với tổng công suất trên 1.300MW. 
Hiện nay, các dự án điện mặt trời đang có ưu thế hơn so với điện gió do giá bán cao hơn, suất đầu tư thấp hơn. Tuy nhiên, với những tiềm năng sẵn có, trên cơ sở dung hòa các lợi ích, tỉnh Đắk Lắk đang thu hút đầu tư vào cả hai nguồn năng lượng sạch này.
Trong tương lai, khi cơ chế về giá cả, hợp đồng ràng buộc giữa bên bán điện và mua điện rõ ràng cũng như hạ tầng điện để đấu nối, giải tỏa công suất được xây dựng ổn định thì chắc chắn nguồn năng lượng tái tạo tại Đắk Lắk sẽ tiếp tục phát triển bền vững với nhiều công trình hơn nữa được hòa lưới quốc gia. 
Trong chuyến công tác tại Đắk Lắk dự hội nghị xúc tiến đầu tư và khánh thành Cụm công trình Nhà máy điện mặt trời Sêrêpốk 1 và Quang Minh, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình khẳng định: việc phát triển năng lượng tái tạo là xu hướng của thế giới, của Việt Nam nói chung và tỉnh Đắk Lắk nói riêng. 
Để tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư phát triển về năng lượng mặt trời tại Đắk Lắk và tại các địa phương khác, Phó Thủ tướng Thường trực yêu cầu các nhà đầu tư, các doanh nghiệp phải chú trọng thực hiện dự án xây dựng phải đúng trình tự và thủ tục, vận hành nhà máy đúng với quy trình của các cấp điều độ, đặc biệt là phải bảo vệ môi trường trong quá trình xử lý và thay thế pin. 
Về phía địa phương, các cơ quan ban ngành tiếp tục đồng hành, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư tìm hiểu, khảo sát, lập dự án điện mặt trời trên địa bàn, yên tâm đầu tư sản xuất và phát triển nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế, tạo công ăn việc làm nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần phát triển kinh tế xã hội.
Anh Dũng-Phạm Cường (TTXVN)

Có thể bạn quan tâm