Siết chặt quản lý bán hàng đa cấp tại Gia Lai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Qua nhiều lần sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật về hoạt động bán hàng đa cấp (BHĐC), cơ sở pháp lý ngày càng được hoàn thiện, công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động này được chặt chẽ hơn. Hoạt động BHĐC theo đó đã dần đi vào khuôn khổ, đúng bản chất là một hình thức phân phối hàng hóa, không còn bị lợi dụng để huy động tài chính trái phép như trước đây.
Tính đến tháng 10-2019, có 10 doanh nghiệp BHĐC đăng ký hoạt động BHĐC tại Gia Lai gồm: Công ty TNHH Best World Việt Nam, Công ty TNHH một thành viên New Image Việt Nam, Công ty TNHH một thành viên Herbalife Việt Nam, Công ty TNHH Nu Skin Enterprises Việt Nam, Công ty TNHH Thương mại Lô Hội, Công ty cổ phần Liên kết Tri Thức, Công ty TNHH Unicity Marketing Việt Nam, Công ty TNHH Mỹ phẩm Thường Xuân, Công ty TNHH Siberian Health Quốc tế, Công ty TNHH AMWAY Việt Nam. Trong số này, chỉ có Công ty TNHH Thương mại Lô Hội có văn phòng đại diện tại địa phương; 9 công ty còn lại ủy quyền cho các cá nhân có hộ khẩu thường trú tại Gia Lai làm người đại diện. Các doanh nghiệp kinh doanh chủ yếu là ngành hàng thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, thực phẩm… thu hút hơn 2.000 nhà phân phối trên địa bàn tỉnh tham gia mạng lưới.
Bà Lê Thị Huyên-quản lý Chi nhánh Công ty TNHH Thương mại Lô Hội (59 Nguyễn Tất Thành, TP. Pleiku) cho biết: “Khi mới thành lập (năm 2003), Công ty thu hút được gần 700 người trên địa bàn tham gia mạng lưới bán hàng. Song, kể từ khi thực hiện quy định mới về quản lý BHĐC, số người tham gia giảm rất nhiều. Hiện Công ty kinh doanh các mặt hàng thực phẩm chức năng, hàng tiêu dùng, mỹ phẩm và có mạng lưới phân phối chủ yếu ở các tỉnh miền Trung-Tây Nguyên với doanh thu bình quân khoảng 1,6 tỷ đồng/tháng. Hoạt động của Công ty đang gặp một số khó khăn bởi người dân vẫn còn dè chừng với phương thức BHĐC”.
  Hội nghị phổ biến pháp luật về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp được tổ chức tại TP. Pleiku.           Ảnh: V.T
Hội nghị phổ biến pháp luật về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp được tổ chức tại TP. Pleiku. Ảnh: V.T
Đến nay, các doanh nghiệp BHĐC trên địa bàn tỉnh cơ bản tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật. Các cơ quan chức năng chưa phát hiện vụ vi phạm nào về hành vi yêu cầu người muốn tham gia BHĐC phải đặt cọc hoặc đóng một khoản tiền nhất định hoặc có hành vi lôi kéo, dụ dỗ, mua chuộc người tham gia vào mạng lưới BHĐC. Tuy nhiên, trong thời gian qua, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện hình thức kinh doanh theo phương thức đa cấp biến tướng bằng tiền ảo như vụ Ngân hàng cộng đồng Bitcoin (FXMT4) do Trần Thiện Lâm (trú tại TP. Hồ Chí Minh) đứng đầu đã thu hút hơn 300 người ở thị xã An Khê và một số địa phương trong tỉnh tham gia với 1.900 Bitcoin, tương đương khoảng 22 tỷ đồng bị mất trắng.
Đánh giá về hoạt động BHĐC trên địa bàn, ông Bùi Khắc Quang-Giám đốc Sở Công thương-cho rằng: Nghị định số 40/2018/NĐ-CP ngày 2-5-2018 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp đã siết chặt hơn điều kiện đăng ký hoạt động đối với tổ chức tham gia BHĐC thông qua việc ghi nhận bổ sung các điều kiện mới như: tổ chức tham gia BHĐC chưa từng bị thu hồi chứng nhận đăng ký hoạt động BHĐC, tăng mức ký quỹ tối thiểu là 10 tỷ đồng, phải có mẫu hợp đồng tham gia BHĐC, yêu cầu các tổ chức, cá nhân chỉ được phép tổ chức hoạt động sau khi có xác nhận đăng ký hoạt động BHĐC bằng văn bản của Sở Công thương… Những quy định này đã khắc phục được tình trạng quản lý nhà nước về kinh doanh đa cấp chưa chặt chẽ, khó xử lý vi phạm. Từ đó, đưa hoạt động này đi vào khuôn khổ, đúng với bản chất là một phương thức bán hàng trực tiếp, đảm bảo quyền lợi cho các nhà phân phối, khách hàng.
Tuy nhiên, theo ông Quang, mặc dù Nghị định số 40 quy định rất mở về việc tổ chức các hội nghị, hội thảo, đào tạo nhưng vẫn còn tình trạng một số nhà phân phối lách luật tổ chức các buổi tư vấn “dã chiến” tại các quán nước vỉa hè. Hầu hết các đơn vị khi phát triển mạng lưới BHĐC đến các địa phương thường không đăng ký địa chỉ giao dịch mà người tham gia BHĐC theo hình thức cơ động, tư vấn bán hàng tận nhà thông qua các mối quan hệ bạn bè, bà con, gây khó khăn cho cơ quan quản lý nhà nước. Các lực lượng chức năng vì thế cũng không có nhiều thông tin để kiểm tra, kiểm soát hoạt động này.
Theo Luật sư Võ Đan Mạch-Chánh Văn phòng Hiệp hội BHĐC Việt Nam thì hoạt động BHĐC đang đi sai lệch quỹ đạo, người dân vẫn còn có định kiến sau những vụ lợi dụng phương thức đa cấp để lừa đảo. Do đó, những doanh nghiệp BHĐC chân chính đang gặp nhiều khó khăn. Hiện không ít người vẫn đang nhầm lẫn rằng BHĐC là một dạng đầu tư chứ không phải một hình thức bán hàng. Vì vậy, tuy có 1,2 triệu người tham gia nhưng thực ra chỉ hơn 600 ngàn người có phát sinh doanh thu từ hoạt động bán hàng. “Đề nghị các Sở Công thương tăng cường thanh-kiểm tra đối với các doanh nghiệp không chính thống, không đăng ký BHĐC nhưng vẫn lợi dụng phương thức BHĐC trá hình nhằm mục đích lừa đảo bằng cách tổ chức các hội thảo lôi kéo rất đông người tham gia và bắt đóng một khoản tiền nhất định hay bắt buộc người tham gia mua hàng, tổ chức các hoạt động trung gian thương mại phục vụ phát triển mạng lưới”-Luật sư Võ Đan Mạch nói.
Tại hội nghị về BHĐC diễn ra ngày 11-10 vừa qua ở TP. Pleiku, ông Phạm Văn Cao-Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Điều tra và Xử lý hành vi cạnh tranh không lành mạnh (Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, Bộ Công thương) cho biết: “Hiện nay, công tác quản lý lĩnh vực này còn chưa đạt kết quả như mong muốn, hiệu quả mang lại chưa cao. Tại Gia Lai, thời gian vừa qua đã có những vụ việc các doanh nghiệp BHĐC bất chính lợi dụng để lừa đảo như vụ Thiên Ngọc Minh Uy, Phúc Gia Bảo 68… gây nhiều thiệt hại cho người tham gia. Do đó, người dân có tâm lý e ngại và cứ nghĩ BHĐC đều là bất chính. Theo thống kê, năm 2016, cả nước có đến 67 doanh nghiệp BHĐC. Qua kiểm tra, sàng lọc, các cơ quan chức năng đã thu hồi, rút phép hoạt động của nhiều doanh nghiệp. Do đó, đến tháng 3-2019, cả nước chỉ còn 23 doanh nghiệp BHĐC đang hoạt động chính thức”.
Cũng theo ông Cao, cần tăng cường công tác tuyên truyền để người dân không tham gia vào hoạt động BHĐC không chính thống. Bởi lẽ, nó không chỉ gây thiệt hại về tài chính cho người tham gia mà còn gây ra nhiều hệ lụy lớn cho xã hội. Do đó, khi tham gia, người dân nên phân biệt rõ, những doanh nghiệp hoạt động BHĐC chân chính đều có sản phẩm bán ra thị trường, có vòng xoay sử dụng sản phẩm, từ đó tạo ra nguồn thu để chi trả hoa hồng cho người tham gia. Còn những doanh nghiệp hoạt động BHĐC bất chính thì dùng bình phong để quảng bá rầm rộ, đồng thời lôi kéo người tham gia đóng một khoản tiền ban đầu hoặc bắt buộc phải mua hàng, từ đó hưởng lợi bất chính.
 VŨ THẢO

Có thể bạn quan tâm

'Lên dây cót' cho điện

'Lên dây cót' cho điện

"Không để thiếu điện cho sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng trong bất cứ hoàn cảnh, trường hợp nào, nhất là vì lý do chủ quan từ công tác điều hành", đó là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong cuộc họp cuối tuần qua.
Bộ Công thương thí điểm tính giá điện 2 thành phần, tiền điện ảnh hưởng ra sao?

Bộ Công thương thí điểm tính giá điện 2 thành phần, tiền điện ảnh hưởng ra sao?

Giá bán điện 2 thành phần có nhiều ưu thế vượt trội với mục tiêu tính đúng, tính đủ chi phí mà người tiêu dùng điện gây ra cho hệ thống. Bộ Công thương khẳng định, thí điểm cần thiết để đánh giá, tính toán được khoản tiền điện chênh lệch giữa biểu giá điện hiện hành và biểu giá điện 2 thành phần.