Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ: Gia Lai cần đột phá về kinh tế

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Ngày 16-9, đoàn công tác của Trung ương do Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Gia Lai về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng-an ninh 8 tháng năm 2019; tình hình xây dựng nông thôn mới; phát triển kinh tế tập thể và sắp xếp, đổi mới, phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của các công ty nông-lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh Gia Lai.
Làm việc với đoàn có các đồng chí: Dương Văn Trang-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Võ Ngọc Thành-Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, đơn vị của tỉnh.
Những kết quả đáng ghi nhận
Báo cáo với Phó Thủ tướng cùng đoàn công tác tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Hoàng cho biết: Trong 8 tháng năm 2019, tình hình kinh tế-xã hội của tỉnh tiếp tục chuyển biến và đạt được những kết quả tích cực. Theo đó, tổng diện tích gieo trồng 8 tháng là 190.179 ha, đạt 90,8% kế hoạch, giảm 0,9% so với cùng kỳ năm 2018; thu ngân sách nhà nước đạt 3.030,8 tỷ đồng, bằng 67,3% dự toán Trung ương giao, bằng 61,8% dự toán HĐND tỉnh giao, tăng 0,6% so với cùng kỳ năm 2018; tổng nguồn vốn huy động trên địa bàn ước đạt 35.150 tỷ đồng, tăng 2,4% so với cuối năm 2018; tổng giá trị sản xuất công nghiệp (giá so sánh năm 2010) đạt 13.163,8 tỷ đồng, bằng 62,32% kế hoạch, tăng 8,37% so với cùng kỳ năm 2018; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 41.852 tỷ đồng, bằng 61,28% kế hoạch, tăng 12,35% so với cùng kỳ năm 2018; kim ngạch xuất khẩu đạt 325 triệu USD, bằng 65,05% kế hoạch, tăng 3,17% so với cùng kỳ năm 2018; kim ngạch nhập khẩu đạt 67,6 triệu USD, bằng 75,16% kế hoạch, giảm 11,5% so với cùng kỳ năm 2018... “Trong 8 tháng qua, Gia Lai có 24 dự án được phê duyệt quyết định chủ trương đầu tư với tổng vốn đăng ký 2.151 tỷ đồng; 77 dự án được các doanh nghiệp quan tâm lập thủ tục đầu tư với số vốn khoảng 27.000 tỷ đồng; có 27 nhà đầu tư khảo sát, nghiên cứu đầu tư 35 dự án điện mặt trời với tổng công suất dự kiến khoảng 4.090 MWp; 17 nhà đầu tư khảo sát, nghiên cứu đầu tư các dự án điện gió với tổng công suất dự kiến khoảng 3.571 MW”-Phó Chủ tịch UBND tỉnh thông tin.
Quang cảnh buổi làm việc của Phó Thủ tướng Chính phủ với lãnh đạo tỉnh.  Ảnh: ĐỨC THỤY
Quang cảnh buổi làm việc của Phó Thủ tướng Chính phủ với lãnh đạo tỉnh. Ảnh: ĐỨC THỤY
 Về kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, toàn tỉnh hiện có 60 xã đạt 19 tiêu chí, 6 xã đạt 15-18 tiêu chí, 60 xã đạt 10-14 tiêu chí, 58 xã đạt 5-9 tiêu chí, không có xã đạt dưới 5 tiêu chí. Bình quân mỗi xã đạt 12,77 tiêu chí. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh có 11 làng được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Tỉnh đã hoàn thiện hồ sơ đề nghị Bộ Nông nghiệp và PTNT thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ công nhận TP. Pleiku, thị xã An Khê hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
Ngoài ra, qua 15 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IX) về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, Gia Lai đã đạt nhiều kết quả khả quan và cơ bản thực hiện được mục tiêu đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của hợp tác xã. Toàn tỉnh hiện có 251 hợp tác xã, trong đó có 194 hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp và 57 hợp tác xã phi nông nghiệp. Tổng số thành viên hợp tác xã là 17.521 người, giải quyết việc làm cho 1.822 lao động. Tổng vốn hoạt động của các hợp tác xã là hơn 440,9 tỷ đồng. Tổng số cán bộ quản lý hợp tác xã là 820 người, trong đó có 136 người đạt trình độ đại học, cao đẳng.
Cũng tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành đã báo cáo với Phó Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai Nghị quyết số 30-NQ/TW của Bộ Chính trị, Nghị định 118/2014/NĐ-CP của Chính phủ về việc sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của các công ty nông-lâm nghiệp. Theo đó, tỉnh đã chuyển 3 công ty TNHH một thành viên nông nghiệp Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ thành công ty cổ phần, Nhà nước không giữ cổ phần chi phối hoặc không nắm giữ cổ phần; duy trì, củng cố, phát triển và tái cơ cấu 11 công ty TNHH một thành viên lâm nghiệp, Nhà nước tiếp tục nắm giữ 100% vốn điều lệ, thực hiện nhiệm vụ sản xuất và cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích.
Triển khai mạnh mẽ nông thôn mới ở thôn, làng
Tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã chia sẻ với những khó khăn mà tỉnh đang phải đối mặt, nhất là tình trạng giá cả một số mặt hàng nông sản chủ lực thời gian qua giảm sâu. Đồng thời, Phó Thủ tướng cũng biểu dương Đảng bộ, chính quyền, quân và dân các dân tộc trong tỉnh đã nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức để đạt được những kết quả rất đáng ghi nhận về phát triển kinh tế-xã hội. Phó Thủ tướng nhấn mạnh: “Gia Lai là một tỉnh miền núi có diện tích lớn thứ hai cả nước với nhiều tiềm năng lợi thế, nhưng khó khăn, thách thức cũng không ít. Gia Lai đã có nhiều nỗ lực, cố gắng để phát triển khá toàn diện như hôm nay”.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại buổi làm việc.  Ảnh: ĐỨC THỤY
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: ĐỨC THỤY

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ: “Việc xây dựng làng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh đã phát huy tối đa vai trò chủ thể của người dân, tạo ra làng nông thôn mới có kinh tế hộ phát triển, đời sống nhân dân nâng cao, đặc biệt nhằm giữ gìn bản sắc của làng đồng bào dân tộc thiểu số vùng Tây Nguyên. Tôi đề nghị tỉnh Gia Lai thời gian tới cần đẩy mạnh và nhân rộng hơn nữa việc xây dựng làng nông thôn mới trong đồng bào dân tộc thiểu số”.


Sau khi nghe đại diện lãnh đạo tỉnh báo cáo về kết quả triển khai xây dựng làng nông thôn mới trong đồng bào dân tộc thiểu số, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng đây là một cách làm hay, có ý nghĩa thiết thực và là hướng đi chính xác nhất để nhanh chóng hoàn thiện các tiêu chí nông thôn mới. Đối với việc xây dựng nông thôn mới ở huyện Kbang (một trong 5 huyện điểm xây dựng nông thôn mới của cả nước), Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và PTNT rà soát và ưu tiên phân bổ ngân sách dự phòng, đồng thời kêu gọi các doanh nghiệp hỗ trợ cho địa phương. Huyện Kbang hiện có 3/13 xã đạt chuẩn nông thôn mới, bình quân mỗi xã đạt 12,3 tiêu chí nông thôn mới. Tuy nhiên, điều kiện kinh tế-xã hội của huyện vẫn còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 47,1%, có 7/13 xã là xã đặc biệt khó khăn; tỷ lệ hộ nghèo còn 11,85% (trong đó 7 xã có tỷ lệ hộ nghèo từ 15% đến 25%)... Mặc dù địa phương đã quan tâm đầu tư nhưng đến nay vẫn còn nhiều hạng mục cần tiếp tục đầu tư để đạt chuẩn.
Tại buổi làm việc, sau khi nêu rõ những tồn tại, khó khăn của tỉnh nhà, Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang kiến nghị: “Gia Lai là một tỉnh có diện tích rộng nên rất cần được đầu tư về hạ tầng giao thông như: xây dựng đường cao tốc; dự án đường tỉnh 666 huyện Mang Yang-Ia Pa hiện đang thi công xây dựng dở dang; dự án đường liên huyện Chư Sê-Chư Pưh-Chư Prông với tổng chiều dài tuyến khoảng 33 km là tuyến đường phục vụ cho sự phát triển vành đai kinh tế các huyện... Song song với đó, Gia Lai cần được xây dựng thêm một nhà ga sân bay để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân. Ngoài ra, tổng diện tích cây hồ tiêu bị chết do mưa kéo dài trong năm 2018 là hơn 6.730 ha, ước tính giá trị thiệt hại khoảng 3.769,7 tỷ đồng, đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành xem xét hỗ trợ khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại...”. Về những kiến nghị, đề xuất của tỉnh, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị các bộ, ngành liên quan giải quyết; nghiên cứu, tham mưu đề xuất Trung ương, Quốc hội, Chính phủ điều chỉnh chính sách cho phù hợp.
Phát biểu kết luận tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị: Trong thời gian tới, Gia Lai cần tập trung rà soát những quy hoạch để tiến hành lập quy hoạch tỉnh theo kế hoạch của Bộ Kế hoạch và Đầu tư; xác định vị thế, tiềm năng, thế mạnh của tỉnh nhằm tạo sự đột phá trong phát triển kinh tế; đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công; tập trung mọi biện pháp nhằm đảm bảo hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội đã đề ra. Đồng thời, tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển; đẩy mạnh phát triển kinh tế tập thể gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp; tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã, đặc biệt là xây dựng thương hiệu các loại nông sản, sản phẩm mà địa phương có thế mạnh thông qua chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP).
Phó Thủ tướng cũng đề nghị tỉnh đẩy nhanh việc sắp xếp, đổi mới, phát triển các công ty lâm nghiệp; trong đó tập trung chuyển giao diện tích đất thu hồi về cho địa phương quản lý, bố trí sử dụng, ban hành phương án sử dụng đất nông-lâm nghiệp đã thu hồi để cấp đất ở, đất sản xuất cho người dân.
 TRẦN DUNG

Có thể bạn quan tâm

'Lên dây cót' cho điện

'Lên dây cót' cho điện

"Không để thiếu điện cho sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng trong bất cứ hoàn cảnh, trường hợp nào, nhất là vì lý do chủ quan từ công tác điều hành", đó là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong cuộc họp cuối tuần qua.
Bộ Công thương thí điểm tính giá điện 2 thành phần, tiền điện ảnh hưởng ra sao?

Bộ Công thương thí điểm tính giá điện 2 thành phần, tiền điện ảnh hưởng ra sao?

Giá bán điện 2 thành phần có nhiều ưu thế vượt trội với mục tiêu tính đúng, tính đủ chi phí mà người tiêu dùng điện gây ra cho hệ thống. Bộ Công thương khẳng định, thí điểm cần thiết để đánh giá, tính toán được khoản tiền điện chênh lệch giữa biểu giá điện hiện hành và biểu giá điện 2 thành phần.