Hợp tác xã May gia công An Phú: Giải quyết nhiều việc làm cho địa phương

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Không ít lần thất bại, thậm chí phải bù lỗ song bằng sự kiên trì vượt khó, bà Nguyễn Thị Thuận-Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Giám đốc Hợp tác xã May gia công An Phú (TP. Pleiku) đã xây dựng thành công mô hình hợp tác xã may gia công đầu tiên trên địa bàn tỉnh Gia Lai.
Kiên trì vượt khó
Đang là giáo viên Trường Tiểu học Nguyễn Khuyến (TP. Pleiku), năm 2010, bà Thuận xin nghỉ hưu trước tuổi. Bẵng đi 6 năm, khi đã bước sang tuổi 56, bà lại quyết định mở cơ sở may gia công dù bản thân thiếu cả kiến thức lẫn kinh nghiệm về lĩnh vực này. Lý giải nguyên nhân, bà Thuận nói: “Vợ chồng đứa con gái đầu lấy nhau lâu rồi nhưng vì tính chất công việc nên đứa dạy học ở Gia Lai, đứa làm công ty may tận TP. Hồ Chí Minh. Tôi mở cơ sở một phần do có con rể lành nghề, phần nữa cũng muốn con rể có điều kiện đi đi về về Gia Lai để vợ chồng nó gần nhau hơn. Hơn nữa, tôi nhận thấy nguồn lao động tại địa phương, nhất là lao động nữ khá dồi dào”.
Đem hết vốn liếng tích góp trong nhiều năm và vay thêm gần 700 triệu đồng, bà Thuận mở cơ sở may gia công theo hình thức hộ kinh doanh cá thể. Bà đầu tư mua 30 máy may với giá 12 triệu đồng/chiếc và bắt đầu tuyển thợ. Bà kể: “Công nhân xin vào làm khá đông nhưng chủ yếu là thợ may gia đình, chưa quen với cách may công nghiệp hoặc chưa biết may nên thời gian đầu cứ lắp ráp xong lại phải tháo ra sửa lại. Công đoạn tháo ra, làm lại còn khổ hơn may mới nên nhiều người chán nản, bỏ cuộc. Tôi lại phải tuyển thêm công nhân”. Để giải quyết khó khăn này, bà Thuận quyết định thuê 1 kỹ thuật viên từ TP. Hồ Chí Minh về trực tiếp thử tay nghề và hướng dẫn thợ. Những người có tay nghề sẽ được sắp xếp vào các công đoạn cụ thể, còn người mới thì được đào tạo, hướng dẫn cơ bản. “Mặc dù vậy, không ít lần hàng gửi đi TP. Hồ Chí Minh rồi vẫn bị trả về do lỗi. Để đỡ chi phí vận chuyển, tôi lại phải thuê thợ ở trong đó sửa chữa. Thế nên, chỉ trong 6 tháng đầu, tôi đã phải bù lỗ gần 300 triệu đồng”-bà Thuận bộc bạch.
  Công nhân làm việc tại HTX may gia công An Phú, TP. Pleiku. Ảnh: Y.D
Công nhân làm việc tại HTX may gia công An Phú, TP. Pleiku. Ảnh: Y.D
“Vậy có khi nào bà muốn bỏ cuộc?”. Trả lời câu hỏi của chúng tôi, bà Thuận cười nói: “Có chứ, không phải 1 lần mà nhiều lần. Nhưng nếu bỏ cuộc, tôi thật không tự tin với những người xung quanh và cũng cảm thấy phụ sự tin tưởng của những người thợ đã tìm đến mình. Vì vậy, tôi lại kiên trì đi tiếp”. Cuối cùng, sự kiên trì ấy của bà cũng được đền đáp xứng đáng khi các đơn hàng được gửi về thường xuyên. Chỉ sau 1 năm, từ hộ kinh doanh, bà đã thành lập Hợp tác xã (HTX) May gia công An Phú. “Ngày ra mắt HTX, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh cũng quan tâm hỗ trợ 16 chiếc máy may công nghiệp và 10 triệu đồng”-bà Thuận nói.
Quan tâm chăm lo cho công nhân
Xác định người thợ là yếu tố quyết định thành công của HTX nên bà Thuận luôn quan tâm đến hoàn cảnh của từng người, tạo điều kiện về thời gian và hỗ trợ cơm trưa để họ yên tâm gắn bó hơn với công việc. Hiện tại, HTX đang giải quyết việc làm cho 60 lao động, chủ yếu ở xã An Phú, phường Thắng Lợi (TP. Pleiku) và huyện Đak Đoa. Trong số này có 21 công nhân may, còn lại được bố trí, sắp xếp đều ở các khâu: cắt, in, ủi, ép nhãn... Chị Đào Huỳnh Trang (thôn 2, xã Chư Á) bộc bạch: “Lúc trước, mình làm công nhân Công ty May Nhà Bè. Sau này lấy chồng, sinh con nên mình nghỉ việc. Mình xin vào đây làm vì thời gian không gò bó, con ốm hay gia đình có việc đều có thể xin về tranh thủ. Với lại thu nhập ở đây cũng ổn định hơn, mỗi tháng được hơn 4 triệu đồng”.
Tương tự, chị Lê Ngọc Giàu (thị trấn Đak Đoa, huyện Đak Đoa) trải lòng: “Ở đây, mọi người đối xử với nhau rất thân tình. Chúng tôi được hỗ trợ cơm trưa và nghỉ ngày chủ nhật. Vì có tay nghề nên tôi được mọi người tin tưởng giao làm quản lý bộ phận may. Hàng ngày, tôi có nhiệm vụ nhận hàng, phân công công việc cho từng người, kiểm tra các công đoạn may để kịp thời chấn chỉnh nếu có sai sót và hướng dẫn cho những người mới học việc”. Còn chị Nưn (làng Ring Rai, xã Hà Bầu, huyện Đak Đoa) thì chia sẻ: “Lúc trước, mình chỉ ở nhà phụ giúp cha mẹ làm những công việc vặt. Từ khi được người quen giới thiệu đến HTX làm, mình rất vui. Mình thấy công việc này nhẹ nhàng, phù hợp với bản thân và có thu nhập cao. Hiện tại, mỗi ngày mình có thể ráp được 200-300 bo tay áo. Mỗi tháng, mình nhận được tiền công hơn 3 triệu đồng. Mình cũng mới giới thiệu 2 người bạn cùng làng vào làm trong HTX”.
Ngoài giải quyết việc làm cho 60 lao động tại chỗ, HTX còn liên kết với 8 tổ, nhóm hợp tác ở các xã: Tân Sơn, Biển Hồ và phường Thống Nhất (TP. Pleiku), xã Nam Yang, xã Kdang (huyện Đak Đoa) và cả TP. Kon Tum giải quyết việc làm cho hơn 100 lao động. Chị Bùi Thị Lam (nhóm liên kết ở xã Biển Hồ) cho hay: “Hợp tác xã chính là cầu nối giúp chị em có công việc ổn định, nâng cao thu nhập và xây dựng gia đình hạnh phúc. 22 công nhân trong nhóm đa phần là những người chưa biết may, nhưng chỉ sau 6 tháng vừa học vừa làm giờ đều đảm đương tốt các công đoạn được giao. Hiện tại, thu nhập bình quân của mỗi người dao động khoảng 3,7-4 triệu đồng/tháng”.
Theo bà Thuận, HTX đang may gia công theo mẫu của các đơn vị từ TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng. Mỗi tháng, HTX hoàn thành khoảng 70 ngàn sản phẩm, chủ yếu là áo, quần thể thao. Sau khi trừ chi phí, lợi nhuận HTX thu về đạt 300-400 triệu đồng/năm. Bà Thuận cho biết: “Lúc trước, HTX chỉ gia công trên cơ sở những mẫu vải cắt sẵn. Nhưng hiện tại, HTX đã có thể nhận vải về tự vẽ, cắt theo mẫu và lắp ráp thành phẩm rồi đóng gói gửi đi”. Bà Thuận cũng mong muốn thời gian tới sẽ có thêm nguồn vốn để mở rộng quy mô nhà xưởng bởi hiện tại HTX vẫn chưa có xưởng may theo chuẩn HTX kiểu mới, chưa có kho chứa vải; nhà ăn, nhà để xe, nơi nghỉ ngơi cho công nhân vẫn còn tạm bợ...
YẾN DUNG

Có thể bạn quan tâm

'Lên dây cót' cho điện

'Lên dây cót' cho điện

"Không để thiếu điện cho sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng trong bất cứ hoàn cảnh, trường hợp nào, nhất là vì lý do chủ quan từ công tác điều hành", đó là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong cuộc họp cuối tuần qua.
Bộ Công thương thí điểm tính giá điện 2 thành phần, tiền điện ảnh hưởng ra sao?

Bộ Công thương thí điểm tính giá điện 2 thành phần, tiền điện ảnh hưởng ra sao?

Giá bán điện 2 thành phần có nhiều ưu thế vượt trội với mục tiêu tính đúng, tính đủ chi phí mà người tiêu dùng điện gây ra cho hệ thống. Bộ Công thương khẳng định, thí điểm cần thiết để đánh giá, tính toán được khoản tiền điện chênh lệch giữa biểu giá điện hiện hành và biểu giá điện 2 thành phần.