Đừng để lãng phí nguồn điện "sạch"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Cơ sự cũng chỉ vì “cái hạn”-thời hạn nhận ưu đãi giá mua điện năng lượng tái tạo-mà gần trăm nhà máy điện mặt trời dồn dập vận hành trong thời gian ngắn để cán đích trước ngày 30-6-2019. Nếu trong năm 2018, cả nước chỉ có 3 nhà máy đóng điện thành công thì chỉ riêng 3 tháng đầu năm 2019 đã thêm 5 nhà máy. Và từ tháng 4 đến tháng 6 năm 2019, cả nước có thêm 81 nhà máy nữa đi vào vận hành. Như vậy, riêng 6 tháng đầu năm 2019, cả nước có tới gần 90 nhà máy điện mặt trời hòa lưới với tổng công suất lắp đặt 4.543,8 MW, chiếm 8,3% tổng công suất của hệ thống điện quốc gia.
Câu chuyện quá tải điện năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện mặt trời, bắt đầu từ cái thời hạn đó. Đùng một phát, hàng trăm nhà máy điện mặt trời khánh thành đi vào hoạt động và hòa vào lưới điện quốc gia thì lưới điện nào chịu nổi?
Hậu quả là nhiều nhà máy bị ép phải cắt giảm công suất sản xuất điện, cả điện gió lẫn điện mặt trời. Điều này khiến các chủ đầu tư “khóc đứng khóc ngồi”.
Nhưng nói đi thì phải nói lại. Vì sao lại đặt ra cái thời hạn 30-6-2019 để các nhà đầu tư “chạy đua hơn đua xe công thức 1” như thế? Có lẽ những người đặt ra cái thời hạn oái oăm đó cũng không lường trước được cuộc “chạy đua” của các nhà đầu tư. Ai chả muốn mình cán đích sớm để được nhận giá ưu đãi mua điện. Một mặt, phải nhận thấy năng lực thi công, lắp đặt thiết bị, chuẩn bị vận hành nhà máy điện mặt trời và điện gió của Việt Nam là quá tốt. Lẽ ra họ phải được hưởng thành quả từ khả năng xây dựng nhà máy điện năng lượng tái tạo của mình, theo đúng lời kêu gọi và chủ trương của Nhà nước. Vậy mà khi “đàn bò đã lớn” thì không có… chuồng để “nhốt”. Đó cũng là sự kỳ lạ trong cái gọi là “kế hoạch hóa” của ngành Điện nói riêng, của các ngành kinh tế mũi nhọn nói chung. Không thể “vui tính” đặt ra một thời hạn nhận ưu đãi như vậy để tổ chức thi đua giữa các nhà đầu tư điện năng lượng tái tạo, trong khi không hề nghĩ nếu các nhà đầu tư “vượt mức trước thời hạn” thì hệ thống truyền tải điện sẽ đáp ứng thế nào? Cứ như chuyện đùa, mà thiệt hại thì không biết bao nhiêu mà kể! Có người sẽ nói: “Nếu chưa dùng tới lượng điện thì… mặt trời vẫn còn đó, mất đi đâu?”. Nhưng họ không nghĩ tới chuyện trong khi quốc gia đang thiếu điện, trong khi Thủ tướng Chính phủ yêu cầu ngành Điện phải giải quyết chuyện này, không để tình trạng thiếu đến phải… cắt điện thì điện “sạch” lại thừa ra đến nỗi phải cắt giảm công suất tới mức không ai dám ngờ tới. Dĩ nhiên, khi hệ thống truyền tải điện không thể đáp ứng, không thể sẵn sàng truyền dẫn điện thì chuyện buộc phải cắt giảm công suất sản xuất điện là đương nhiên. Bây giờ, “đàn bò to lớn quá” mới lo “nâng cấp mở rộng chuồng” thì còn biết nói sao nữa! 
Để đầu tư 1 dự án điện mặt trời với công suất 50-100 MW chỉ mất khoảng 6 tháng, nhưng việc đầu tư lưới điện truyền tải với đường dây 500 kV phải mất 3 năm, đường dây 220 kV mất 2 năm. Như thế, việc “dựng chuồng” còn phức tạp và mất thời gian hơn là việc “phát triển đàn bò” rất nhiều.
Có một địa phương đã nghĩ tới chuyện vừa “làm chuồng” vừa “nuôi bò”, đó là Gia Lai. Tiềm năng điện năng lượng tái tạo ở Gia Lai khá lớn. Nhưng điện gió hay điện mặt trời thì không thể đòi hỏi sự ổn định như điện khí hay điện than. Vì thế, rất cần một kế hoạch cụ thể để xây dựng hệ thống truyền tải điện. Và kế hoạch này cần đi trước một bước, không để khi có điện tái tạo rồi thì mới xây dựng hệ thống truyền tải điện. Bởi “nước tới chân mới nhảy” thì rất dễ trượt chân...
Đừng bao giờ để phí phạm năng lượng sạch. Mà bây giờ, càng ngày người ta càng thấy chữ “sạch” nó trở nên quan trọng với cuộc sống của con người như thế nào.
Chuyện “bỗng dưng thừa điện” như hiện nay, lại là điện sạch, là chuyện khó tin nhưng có thật, trong khi Việt Nam đang phải chuẩn bị cho khả năng đối mặt với tình trạng thiếu điện trong vòng vài năm nữa. 
 THANH THẢO

Có thể bạn quan tâm

'Lên dây cót' cho điện

'Lên dây cót' cho điện

"Không để thiếu điện cho sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng trong bất cứ hoàn cảnh, trường hợp nào, nhất là vì lý do chủ quan từ công tác điều hành", đó là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong cuộc họp cuối tuần qua.
Bộ Công thương thí điểm tính giá điện 2 thành phần, tiền điện ảnh hưởng ra sao?

Bộ Công thương thí điểm tính giá điện 2 thành phần, tiền điện ảnh hưởng ra sao?

Giá bán điện 2 thành phần có nhiều ưu thế vượt trội với mục tiêu tính đúng, tính đủ chi phí mà người tiêu dùng điện gây ra cho hệ thống. Bộ Công thương khẳng định, thí điểm cần thiết để đánh giá, tính toán được khoản tiền điện chênh lệch giữa biểu giá điện hiện hành và biểu giá điện 2 thành phần.