Gia Lai : Quyết liệt đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành, một trong những giải pháp quan trọng để phục hồi kinh tế trong tình hình mới là tăng tốc triển khai các dự án xây dựng cơ bản, tháo gỡ kịp thời những vướng mắc đối với các thủ tục đầu tư để dự án sớm được triển khai.

 Thi công Dự án nâng cấp quốc lộ 19-đoạn qua thị xã An Khê. Ảnh: Minh Nguyễn
Thi công Dự án nâng cấp quốc lộ 19-đoạn qua thị xã An Khê. Ảnh: Minh Nguyễn

Theo đánh giá của Sở Kế hoạch và Đầu tư, đến thời điểm 30-1-2022, kết quả giải ngân vốn đầu tư công năm 2021 chỉ mới đạt hơn 84,5%. Đặc biệt, đối với các dự án đầu tư mới, tính đến ngày 30-3-2022, kết quả giải ngân chỉ đạt hơn 6,9%, thậm chí nhiều địa phương chưa giải ngân. Phần kinh phí giải ngân chủ yếu dành cho các hoạt động chuẩn bị công tác đầu tư, tư vấn thiết kế, phê duyệt dự toán đầu tư. Nhiều địa phương chỉ mới hoàn thành các thủ tục đấu thầu, chuẩn bị triển khai dự án nên kết quả giải ngân vốn đầu tư công còn rất thấp. Đơn cử, huyện Krông Pa triển khai thực hiện 17 dự án (trong đó có 4 công trình chuyển tiếp từ năm 2021 sang) với vốn đầu tư hơn 73 tỷ đồng. Trong số 13 dự án khởi công mới thì đến nay chỉ mới kết thúc phần đấu thầu, chuẩn bị các bước triển khai thi công nên công tác giải ngân vốn rất thấp (khoảng 1%).

Trong khi đó, ông Võ Phúc Ánh-Phó Chủ tịch UBND TP. Pleiku-cho biết: Có 46 dự án của tỉnh và thành phố triển khai trên địa bàn, trong đó có 15 dự án chuyển tiếp từ năm 2021 sang. Đến thời điểm hiện tại, tiến độ giải ngân được 114,5 tỷ đồng, đạt 28,5% so với kế hoạch vốn của tỉnh, đạt 19% giá trị giải ngân so với kế hoạch của thành phố. “Các công trình triển khai khởi công mới đã hoàn thành bước phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu, đang tiến hành bàn giao mặt bằng. Công tác giải ngân sẽ tiếp tục được đẩy nhanh tiến độ trong quý II khi các công trình đồng loạt thi công để đảm bảo tiến độ đề ra”-ông Ánh cho hay.

Theo Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Hữu Quế, giá trị giải ngân vốn kế hoạch đầu tư công năm 2022 chủ yếu tập trung ở cấp huyện. Tuy nhiên, ngoài những địa phương có giá trị giải ngân khá như: TP. Pleiku (28,5%), Kông Chro (25,3%), Đức Cơ (23,8%) thì còn rất nhiều nơi có giá trị giải ngân rất thấp, thậm chí chưa giải ngân được như: Ayun Pa, Chư Pưh, Chư Sê, Ia Pa và Kbang. Đáng chú ý là Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh được giao kế hoạch vốn rất lớn (hơn 918,7 tỷ đồng, chiếm 1/4 tổng mức vốn kế hoạch được giao toàn tỉnh) nhưng giá trị giải ngân chỉ mới đạt 2,3%. Bên cạnh đó, chủ đầu tư là các sở, ngành phần lớn đều không có giá trị giải ngân hoặc giải ngân không đáng kể.

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, nguyên nhân chủ quan là ở thời điểm hiện nay, hầu hết các công trình khởi công mới năm 2022 đang triển khai ở bước thủ tục (khảo sát thiết kế, lập dự toán hoặc tổ chức đấu thầu thi công, cung cấp thiết bị). Một số công trình đã thiết kế xong, chờ điều chỉnh giá vật liệu xây dựng và giảm thuế giá trị gia tăng từ 10% xuống 8%... dẫn đến tiến độ giải ngân chậm. Mặt khác, công tác đền bù, giải phóng mặt bằng một số công trình trọng điểm còn chậm, đến nay vẫn chưa bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư, làm ảnh hưởng đến tiến độ thi công. Một số dự án khác chưa được cấp đất để xây dựng công trình vì chưa phê duyệt kế hoạch sử dụng đất hay chi phí đền bù, giải phóng mặt bằng vượt tổng mức đầu tư so với chủ trương đầu tư và dự án đã được phê duyệt nên chưa triển khai thi công.

Một trong những giải pháp quan trọng phục hồi kinh tế là tăng tốc triển khai các dự án đầu tư xây dựng cơ bản và giải ngân vốn. Ảnh: Minh Nguyễn
Một trong những giải pháp quan trọng phục hồi kinh tế là tăng tốc triển khai các dự án đầu tư xây dựng cơ bản và giải ngân vốn. Ảnh: Minh Nguyễn


“Thời gian tới, đề nghị các sở, ngành, địa phương tích cực rà soát năng lực các đơn vị tư vấn, hạn chế tình trạng điều chỉnh dự án, điều chỉnh thiết kế trong quá trình triển khai; kiểm soát chặt chẽ phạm vi, quy mô, tổng mức đầu tư của từng dự án gắn với trách nhiệm tổ chức, cá nhân. Đồng thời, khẩn trương triển khai hoàn thiện các thủ tục, hồ sơ khảo sát, thẩm định thiết kế, dự toán; thi tuyển kiến trúc, điều chỉnh quy hoạch chi tiết đối với các dự án chưa đủ điều kiện giao kế hoạch vốn. Các ban quản lý dự án, chủ đầu tư đôn đốc nhà thầu đẩy nhanh tiến độ; khẩn trương triển khai công tác nghiệm thu, thanh toán và giải ngân vốn ngay khi có khối lượng nghiệm thu, không chờ đến giữa năm hoặc cuối năm mới thực hiện thanh toán. Đến tháng 6-2022, chủ đầu tư nào có giá trị giải ngân dưới 30%, Sở sẽ tham mưu UBND tỉnh điều chuyển vốn các công trình không triển khai được hoặc chậm triển khai, không có khả năng giải ngân vốn sang các công trình có khối lượng hoàn thành”-Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư nêu giải pháp.

Tại cuộc họp đánh giá kết quả thực hiện công tác quý I và triển khai nhiệm vụ quý II-2022, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành cho rằng: Đối với công tác đầu tư xây dựng cơ bản, tỉnh đã có chỉ đạo từ rất sớm nhưng nhiều địa phương còn bị động, chưa hoàn thành khâu chuẩn bị dẫn đến việc chậm giải ngân vốn. “Các ban quản lý, địa phương phải năng động, quyết liệt hơn nữa; khẩn trương triển khai thực hiện ngay các giải pháp đẩy mạnh các dự án đầu tư xây dựng cơ bản và công tác giải ngân. Đơn vị nào không đảm bảo tiến độ giải ngân vốn thì điều chuyển sang đơn vị, địa phương khác. Bởi một trong những giải pháp quan trọng phục hồi kinh tế là tăng tốc triển khai các dự án đầu tư xây dựng cơ bản và giải ngân vốn. Do vậy, các ngành, địa phương cần tháo gỡ những thủ tục đầu tư còn ách tắc để các dự án sớm triển khai”-Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo.

 

MINH NGUYỄN

Có thể bạn quan tâm

Gia Lai ưu tiên tín dụng cho nông nghiệp xanh

Gia Lai ưu tiên tín dụng cho nông nghiệp xanh

(GLO)- Bám sát định hướng tăng trưởng xanh và phát triển bền vững, các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã ưu tiên dòng vốn tín dụng cho hoạt động sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao và phát triển sản phẩm xanh, sản phẩm OCOP.

Lãi suất tiết kiệm tăng

Lãi suất tiết kiệm tăng

Sau 1 năm giảm liên tục, trong nửa cuối tháng 4 và đầu tháng 5, nhiều ngân hàng bắt đầu điều chỉnh tăng lãi suất tiết kiệm ở cả kỳ hạn ngắn và dài.