Kho bạc Nhà nước tỉnh Gia Lai: Hiện thực hóa mục tiêu "3 không"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Năm 2021, hệ thống Kho bạc Nhà nước (KBNN) xác định một trong số nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại nhằm hiện thực hóa mục tiêu “3 không”: không khách hàng, không tiền mặt, không giấy tờ.

Mặc dù số lượng chứng từ giao dịch qua KBNN tỉnh rất lớn nhưng số lượng khách hàng đến giao dịch trực tiếp tại quầy lại rất ít, cho dù là thời điểm nhiều áp lực cuối năm 2020 hoặc những ngày đầu năm mới 2021. Ông Nguyễn Thanh Quang-Trưởng phòng Kiểm soát chi (KBNN tỉnh) nhận định: “Hiện nay, hầu hết chứng từ giao dịch được xử lý qua dịch vụ công trực tuyến, cán bộ tiếp nhận, kiểm tra và hạch toán trên hệ thống ngay trong ngày. Nhờ ứng dụng CNTT trong hoạt động nghiệp vụ mà Kho bạc giải tỏa bớt áp lực kiểm soát chi thanh toán cuối năm tài chính, các đơn vị sử dụng ngân sách cũng không phải đến chờ đợi như trước đây”.  

  Quầy giao dịch tại KBNN tỉnh. Ảnh: Đức Thụy
Quầy giao dịch tại KBNN tỉnh. Ảnh: Đức Thụy


Hiện nay, KBNN tỉnh đang cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 với 1.836 đơn vị đăng ký sử dụng, tỷ lệ thực hiện qua giao dịch cũng đạt tới 96,4%. Đây là một bước quan trọng để tiến tới lộ trình thực hiện mục tiêu “Kho bạc không khách hàng”. Thông qua ứng dụng dịch vụ công trực tuyến, 100% khoản chi thường xuyên trên địa bàn tỉnh được Kho bạc kiểm soát và hạch toán trực tuyến. Riêng đối với chi đầu tư phát triển, nếu hồ sơ thanh toán đơn giản, thành phần số lượng chứng từ ít thì vừa được kiểm soát trên máy, vừa thực hiện đối chiếu trên hồ sơ giấy. Từ thực tế công việc, ông Nguyễn Thanh Quang cho biết thêm: “Trong năm 2021, KBNN Trung ương đang hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển KBNN giai đoạn 2021-2030. Đồng thời, hoàn thiện hạ tầng CNTT, xây dựng kho dữ liệu số nhằm tiến tới thực hiện kiểm soát chi đầu tư công hoàn toàn trên dịch vụ công trực tuyến, góp phần số hóa hoạt động Kho bạc”.

Bên cạnh dịch vụ công trực tuyến, các chương trình ứng dụng khác như thanh toán liên ngân hàng TABMIS, thu thuế trực tuyến TCS-TT đã được KBNN tỉnh vận hành đúng quy trình, hoạt động ổn định đáp ứng kịp thời nhu cầu nghiệp vụ phát sinh thông qua công tác phối hợp thu chi ngân sách với các ngân hàng thương mại. “Tất cả các khoản thu thuế nộp vào ngân sách nhà nước trên toàn tỉnh đều không thu tiền mặt tại KBNN, qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế, tập trung đầy đủ và kịp thời các khoản thu vào ngân sách, góp phần thực hiện mục tiêu “Kho bạc không tiền mặt”-ông Nguyễn Hữu Lộc-Phó Chánh Văn phòng KBNN tỉnh-cho biết.

Mặt khác, đối với công tác quản lý nội bộ, KBNN tỉnh cũng ứng dụng CNTT nhằm tiết kiệm thời gian và nâng cao hiệu quả công việc, đơn cử như ứng dụng quản lý điều hành văn bản EdocTC. Do vậy, việc ứng dụng CNTT giúp công việc xử lý nhanh hơn. Công tác theo dõi, truy xuất báo cáo thông tin, số liệu định kỳ hoặc đột xuất cho các cấp lãnh đạo phục vụ kịp thời công tác chỉ đạo, điều hành ngân sách nhà nước tại địa phương.

Trong năm 2021, KBNN tỉnh tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong hoạt động nghiệp vụ. Bên cạnh đó, Kho bạc chủ động hỗ trợ các đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước, các chủ đầu tư tham gia đăng ký và sử dụng dịch vụ công trực tuyến một cách hiệu quả. Phối hợp với các ngân hàng thương mại mở rộng tài khoản chuyên thu để tăng cường công tác phối hợp thu và ủy nhiệm thu ngân sách nhà nước. Ông Nguyễn Thành Chung-Giám đốc KBNN tỉnh-nhấn mạnh: “Ứng dụng CNTT hiện đại trong hoạt động KBNN là chủ trương lớn của Chính phủ, Bộ Tài chính nhằm hiện thực hóa mục tiêu Kho bạc không khách hàng, không tiền mặt, không giấy tờ. Thông qua ứng dụng CNTT, hệ thống KBNN trên địa bàn luôn chủ động hạch toán đầy đủ, kịp thời, chính xác các khoản thu chi ngân sách, các loại vốn, quỹ, tài sản của Nhà nước giao cho Kho bạc quản lý. Đồng thời, duy trì hoạt động ổn định thanh toán nội bộ và thanh toán với các hệ thống ngân hàng, đảm bảo kịp thời nhu cầu thu chi ngân sách của các đơn vị sử dụng ngân sách trên địa bàn tỉnh”.  

 

SƠN NGUYÊN

Có thể bạn quan tâm

Lãi suất tiết kiệm rục rịch tăng

Lãi suất tiết kiệm rục rịch tăng

Từ đầu tháng 4, xu hướng tăng lãi suất tiết kiệm ở một số ngân hàng nhen nhóm trở lại với mức tăng 0,1- 0,2% tại các kỳ hạn khác nhau. Theo các chuyên gia nguyên nhân bởi đang có xu hướng dòng tiền rút ra khỏi ngân hàng tìm đến các kênh đầu tư khác trong khi đó tín dụng bắt đầu khởi sắc.