Ayun Pa "khát" vốn vay giải quyết việc làm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Với quyết tâm không để người dân thiếu vốn sản xuất, Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội thị xã Ayun Pa (tỉnh Gia Lai) đã chủ động rà soát nhu cầu thực tế của từng đối tượng, tăng dần mức cho vay hoặc tạo điều kiện thuận lợi nhất để tiếp cận nguồn vốn chương trình ưu đãi khác khi đã thoát nghèo.  



Trong năm 2020, chị Ksor H'Chiêu là một trong số bà con ở buôn Đê (phường Cheo Reo) được giải quyết cho vay vốn hộ nghèo 50 triệu đồng. Nhờ nguồn vốn này, vợ chồng chị đầu tư trồng 2,5 ha mì kết hợp chăn nuôi 5 con heo. Với bản tính chịu khó, chị H'Chiêu đã mở thêm sạp bán rau tươi ngay tại nhà, còn chồng chị tranh thủ đi phụ hồ hoặc bỏ hàng để kiếm thêm thu nhập.

“Được Ngân hàng cho vay lãi suất thấp, tôi vừa mừng vừa lo. Trồng mì, nuôi heo thì cần có thời gian nên vợ chồng tôi kiếm thêm việc làm để có thu nhập. Nhờ vậy, mỗi tháng, tôi có tiền trả lãi và gửi tiết kiệm. Lúc có dư thì tôi để dành và đã trả bớt tiền gốc được 8 triệu đồng”-chị Ksor H'Chiêu vui vẻ cho biết.  

Cán bộ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội thị xã Ayun Pa trao đổi tình hình sử dụng vốn vay của chị Ksor H'Chiêu (ở giữa). Ảnh: Sơn Ca
Cán bộ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội thị xã Ayun Pa trao đổi tình hình sử dụng vốn vay của chị Ksor H'Chiêu (ở giữa). Ảnh: Sơn Ca

Tính đến cuối năm 2020, tổng dư nợ tín dụng chính sách trên địa bàn thị xã Ayun Pa đạt 198,8 tỷ đồng với 5.058 hộ dư nợ. Trong đó, dư nợ cho vay hộ mới thoát nghèo 44,2 tỷ đồng, hộ cận nghèo 20,2 tỷ đồng, hộ nghèo hơn 9 tỷ đồng, giải quyết việc làm 35,8 tỷ đồng.
 

Không ngại khó ngại khổ, không trông chờ ỷ lại là tinh thần chung của người dân buôn Đê khi đã xác định vay vốn Ngân hàng Chính sách Xã hội để làm ăn thoát nghèo. Đơn cử như trường hợp gia đình chị Siu H'Lói. “Năm 2017, tôi được giới thiệu vay vốn hộ mới thoát nghèo 30 triệu đồng. Tháng 8-2020, đến hạn trả xong nợ, tôi tiếp tục vay vốn giải quyết việc làm 50 triệu đồng”-chị Siu H'Lói bày tỏ. Nhờ có đồng vốn để xoay xở, gia đình đã đầu tư trồng 2 ha mì và 5 sào lúa. Những lúc nông nhàn, chồng chị H'Lói tranh thủ làm thêm, còn chị H'Lói buôn bán trứng vịt để có nguồn thu nhập.  

Có thể thấy rõ, nguồn vốn tín dụng chính sách thực sự là “bà đỡ” của người nghèo. Đơn cử như tại Tổ tiết kiệm và vay vốn thuộc tổ 3 (phường Cheo Reo) hiện có 56 thành viên với tổng dư nợ hơn 2 tỷ đồng.”Trước đây, bà con đa phần rất khó khăn. Hiện nay, một số hộ đã xây được nhà ở kiên cố, ổn định cuộc sống. Nhờ vốn Ngân hàng Chính sách Xã hội hỗ trợ, đời sống bà con ngày càng tốt hơn”-bà Trần Thị Ngọc Thơ-Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn nhận định.   

Trong 5 năm trở lại đây, thị xã Ayun Pa là một trong số địa phương làm tốt công tác giảm nghèo. Nếu như ở năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo là 15,22% thì đến cuối năm 2020 chỉ còn 0,99%. Để đạt được kết quả này, cấp ủy, chính quyền địa phương đã chú trọng thực hiện các chính sách dành cho người có hoàn cảnh khó khăn, hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số.

Ông Dương Ngọc Dũng-Chủ tịch UBND phường Cheo Reo-chia sẻ: “Nguồn vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách Xã hội đã góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập, giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng luôn tuyên truyền, vận động nhân dân sử dụng nguồn vốn đúng mục đích, có hiệu quả để đưa kinh tế hộ gia đình vươn lên, góp phần vào công tác giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới”. Được biết, ngay tại địa bàn phường Cheo Reo, Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội thị xã Ayun Pa đã giải quyết cho vay với tổng dư nợ lên tới 18,27 tỷ đồng.

Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Hữu Hoàng-Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội thị xã Ayun Pa-nhìn nhận: “Hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo của thị xã chỉ còn dưới 1%. Do đó, rất khó để tăng trưởng tín dụng hộ nghèo vì hầu hết bà con đã được tiếp cận vốn. Trong khi đó, nhu cầu vốn cho vay giải quyết việc làm rất lớn nhưng nguồn vốn lại có hạn”.

Được biết, cho vay giải quyết việc làm là “bước đệm” nguồn vốn khi bà con thoát nghèo. Hiện nay, hiệu quả sử dụng vốn của chương trình này rất tốt, góp phần tạo việc làm cho người dân. Nhằm đảm bảo cân đối nguồn vốn, đáp ứng kịp thời nhu cầu của bà con, Phòng Giao dịch đã chủ động điều tiết, nâng mức cho vay, tiếp tục tạo điều kiện hỗ trợ để nguồn vốn đầu tư sản xuất của bà con không bị gián đoạn.
 

SƠN CA

Có thể bạn quan tâm

Lãi suất tiết kiệm rục rịch tăng

Lãi suất tiết kiệm rục rịch tăng

Từ đầu tháng 4, xu hướng tăng lãi suất tiết kiệm ở một số ngân hàng nhen nhóm trở lại với mức tăng 0,1- 0,2% tại các kỳ hạn khác nhau. Theo các chuyên gia nguyên nhân bởi đang có xu hướng dòng tiền rút ra khỏi ngân hàng tìm đến các kênh đầu tư khác trong khi đó tín dụng bắt đầu khởi sắc.