Gia Lai: Kỳ vọng vào các dự án đầu tư công

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa tổ chức hội nghị trực tuyến xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và đầu tư công giai đoạn 2021-2025 và năm 2021 vùng miền Trung-Tây Nguyên. Tại đây, nhiều dự án quan trọng đã được tỉnh Gia Lai đề nghị đưa vào kế hoạch nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội địa phương nói riêng, vùng miền Trung-Tây Nguyên nói chung.

Theo Quyết định số 326/QĐ-TTg ngày 1-3-2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch phát triển đường bộ cao tốc Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, đường cao tốc Quy Nhơn-Pleiku có chiều dài khoảng 160 km, điểm đầu giao nối với quốc lộ 1A (tại khoảng Km 10, thuộc huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định) và điểm cuối giao với tuyến cao tốc Bắc-Nam phía Tây (TP. Pleiku).

 Thi công dự án kè chống sạt lở suối Hội Phú (TP. Pleiku). Ảnh: H.D
Thi công dự án kè chống sạt lở suối Hội Phú (TP. Pleiku). Ảnh: Hà Duy

Theo kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 của tỉnh được phê duyệt tại Nghị quyết số 89/NQ-HĐND ngày 24-8-2017 của HĐND tỉnh, tổng vốn đầu tư công được triển khai là 6.774 tỷ đồng (trong đó, vốn cân đối ngân sách tỉnh khoảng 6.330 tỷ đồng, vốn từ các nguồn khác trên 444 tỷ đồng) để thực hiện hàng loạt các công trình, dự án có ý nghĩa quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.

Tuyến cao tốc có quy mô 4 làn xe, đi song song với quốc lộ 19 hiện hữu. Tổng kinh phí đầu tư dự kiến là 56.000 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách, vốn vay ODA, thu hút đầu tư từ các thành phần kinh tế với nhiều hình thức.

Theo ông Nguyễn Văn Hạnh-Phó Giám đốc phụ trách Sở Giao thông-Vận tải, tuyến cao tốc sẽ góp phần giảm tải rất lớn cho quốc lộ 19 (có nhiều đoạn đã xuống cấp, đường nhỏ hẹp chưa đáp ứng được nhu cầu giao thương, vận chuyển hàng hóa, hành khách giữa các tỉnh Duyên hải miền Trung với Tây Nguyên). Tới thời điểm này, tỉnh đang đề nghị Bộ Giao thông-Vận tải sớm triển khai lập quy hoạch, xây dựng cơ chế hỗ trợ giải phóng mặt bằng, kêu gọi đầu tư.

Một dự án khác mà tỉnh rất quan tâm và đang đề nghị Bộ Giao thông-Vận tải tiếp tục ưu tiên là dự án đầu tư nâng cấp đồng bộ đường cất/hạ cánh, sân đỗ và nhà ga Cảng Hàng không Pleiku. Được biết, công suất thiết kế của Cảng Hàng không Pleiku hiện nay khoảng 600.000 hành khách/năm. Tuy nhiên, theo Quyết định số 236/QĐ-TTg ngày 23-2-2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh quy hoạch phát triển giao thông-vận tải hàng không đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 thì đến năm 2020 sẽ đạt 2 triệu lượt hành khách/năm, năm 2030 là 4 triệu lượt hành khách/năm. Nếu tính theo nay thì hiện Cảng Hàng không Pleiku có năng lực khoảng 300 hành khách/giờ, song thực tế có thời điểm phục vụ tới 400-450 hành khách/giờ.

Tại hội nghị trực tuyến xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và đầu tư công giai đoạn 2021-2025 vùng miền Trung-Tây Nguyên vừa diễn ra ngày 27-8, ông Hồ Phước Thành-Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư đặc biệt nhấn mạnh tới dự án cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia tỉnh Gia Lai giai đoạn 2015-2020 (theo Quyết định số 2081/QĐ-TTg ngày 8-11-2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình cấp điện nông thôn, miền núi và hải đảo giai đoạn 2013-2020). Dự án được giao Tập đoàn Điện lực Việt Nam làm chủ đầu tư.

“Nhưng từ khi có quyết định cho tới nay, dự án vẫn chưa được triển khai. Chúng tôi đang kiến nghị Bộ Công thương bố trí vốn để sớm triển khai dự án này”-ông Thành kiến nghị.

Ông Thành cũng kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa dự án hồ chứa nước Ia Tul (huyện Ia Pa) vào kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021-2025; xây dựng Quỹ bình ổn giá đối với các mặt hàng chủ lực; có các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các hộ gia đình tại Gia Lai nói riêng, Tây Nguyên nói chung không có khả năng trả nợ vốn vay ngân hàng do cây hồ tiêu mất mùa, chết và mất giá.

Theo định hướng của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng: “Kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021-2025, các địa phương phải tránh dàn trải, quan tâm ưu tiên cho những dự án quan trọng, chương trình, dự án phát triển hạ tầng trọng điểm, có sức lan tỏa, tạo động lực phát triển kinh tế-xã hội của từng địa phương và có tính liên vùng”.

Theo đó, bên cạnh những dự án trọng điểm thì kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021-2025 của tỉnh sẽ tiếp tục tập trung vào các dự án đầu tư mang tính lan tỏa, tạo động lực phát triển kinh tế trong vùng, liên vùng, như các công trình thủy lợi hồ chứa nước, mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn, hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ.

HÀ DUY

Có thể bạn quan tâm

Lãi suất tiết kiệm rục rịch tăng

Lãi suất tiết kiệm rục rịch tăng

Từ đầu tháng 4, xu hướng tăng lãi suất tiết kiệm ở một số ngân hàng nhen nhóm trở lại với mức tăng 0,1- 0,2% tại các kỳ hạn khác nhau. Theo các chuyên gia nguyên nhân bởi đang có xu hướng dòng tiền rút ra khỏi ngân hàng tìm đến các kênh đầu tư khác trong khi đó tín dụng bắt đầu khởi sắc.