Ngành Nông nghiệp "Chủ động, sáng tạo, chung sức, đồng lòng, hiệu quả"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Chiều 23-12, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã tổ chức hội nghị trực tuyến tổng kết ngành nông nghiệp năm 2019 và triển khai kế hoạch năm 2020. Dự và chủ trì hội nghị có Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Xuân Cường. Dự và chủ trì tại điểm cầu Gia Lai có đồng chí Dương Văn Trang-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh và đồng chí Kpă Thuyên-Phó Chủ tịch UBND tỉnh.
Quang cảnh Hội nghị tại điểm cầu Gia Lai. Ảnh: Lê Nam
Quang cảnh Hội nghị tại điểm cầu Gia Lai. Ảnh: Lê Nam
Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết: Năm 2019, nông nghiệp nước ta duy trì được đà tăng trưởng khá, nhiều chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch. Theo đó, tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành đạt khoảng 2,2%; kim ngạch xuất khẩu nông-lâm thủy sản đạt 41,3 tỷ USD; tỷ lệ che phủ rừng đạt 41,85%. Cả nước đã chuyên đổi khoảng 100 ngàn ha lúa có khả năng bị hạn sang cây trồng khác; 39.300 ha cây trồng được chứng nhận VietGAP, GlobalGAP; thành lập mới được 6 Liên hiệp Hợp tác xã nông nghiệp, 1.800 Hợp tác xã nông nghiệp; xây dựng và vận hành ổn định gần 1.484 chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản; có 4.806 xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), bình quân đạt 15,66 tiêu chí/xã, 8 tỉnh, thành phố có 100% xã đạt chuẩn NTM và hoàn thành mục tiêu 10 năm (2010-2020) trước 1,5 năm...
Tuy nhiên, năm 2019, nông nghiệp nước ta cũng đối mặt với nhiều khó khăn như: dịch tả heo châu Phi xâm nhiễm và lan rộng trên cả nước gây thiệt hại chưa từng có đối với ngành chăn nuôi, đã tiêu hủy hơn 342 ngàn tấn thịt heo hơi. Ngân sách nhà nước đã bố trí hơn 5.000 tỷ đồng để hỗ trợ phòng-chống dịch bệnh. Ngoài ra, tác động của biến đổi khí hậu gây hạn hán, lũ lụt, cháy rừng, sạt lở đất, xâm nhập mặn mức độ nghiêm trọng hơn. Thiên tai đã làm 130 người chết và mất tích, thiệt hại về kinh tế khoảng 7.000 tỷ đồng...
Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Lê Nam
Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Lê Nam
Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang cho biết: tỉnh Gia Lai đã ban hành Chương trình về tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng NTM theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, chất lượng sản phẩm, đẩy mạnh ứng dựng công nghệ cao vào sản xuất. Đến cuối năm 2019, ngành nông-lâm-thủy sản chiếm hơn 37,3%; tổng giá trị sản xuất ước đạt 28.521 tỷ đồng. Toàn tỉnh có 58/184 xã đạt chuẩn NTM, đang thẩm định xét công nhận thêm 14 xã đạt chuẩn NTM, 69 làng đạt chuẩn NTM. Toàn tỉnh có 42 sản phẩm OCOP cấp tỉnh. Đặc biệt, Tỉnh ủy đã ban hành nghị quyết bảo tồn và phát triển cây dược liệu, Nghị quyết phát triển sản xuất rau, hoa và cây ăn quả làm cơ sở để tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh công tác tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Chuyển đổi 659 ha lúa kém hiệu quả sang cây trồng khác có giá trị kinh tế cao hơn. Ứng dụng công nghệ tưới nước tiên tiến, tiết kiệm nước gần 26.000 ha. Đồng thời, trên lĩnh vực chăn nuôi, nhiều doanh nghiệp, người dân quan tâm đầu tư theo hướng gia trại, trang trại ứng dụng công nghệ cao, nhất là trong chăn nuôi bò. Từ năm 2017 đến nay, toàn tỉnh đã trồng được 18.000 ha rừng và dự kiến giai đoạn 2020-2025 mỗi năm sẽ trồng thêm 5.000 ha rừng... “Gia Lai đề nghị Bộ Nông nghiệp và PTNT có hướng dẫn về việc trồng xen cây dược liệu dưới tán rừng. Đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương đầu tư hỗ trợ cho tỉnh xây dựng các công trình thủy lợi vừa và nhỏ để giải quyết nước tưới cho người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số”-Bí thư Tỉnh ủy đề xuất.   
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ghi nhận, đánh giá cao những kết quả mà ngành Nông nghiệp và PTNT đạt được. Trong năm qua, tuy ngành nông nghiệp Việt Nam gặp những khó khăn, thách thức nhưng ngành Nông nghiệp Việt Nam vẫn có nhiều điểm sáng. Đó là, thông qua nông nghiệp, xây dựng NTM đã nâng cao đời sống người nông dân. Các hình thức liên kết theo chuỗi giá trị được đổi mới. Xuất hiện nhiều vùng chuyên canh gắn với thị trường tiêu thụ. Nhiều loại trái cây có giá trị cao và nhiều mặt hàng đã được xuất khẩu sang thị trường Mỹ, Úc, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc. Công tác phòng chống thiên tai được triển khai mạnh mẽ, đã giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản của nhân dân. Trước những kết quả đạt được, Thủ tướng Chính phủ đã tặng 10 chữ cho ngành Nông nghiệp Việt Nam: “Chủ động, sáng tạo, chung sức, đồng lòng, hiệu quả”. Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ đạo: “Năm 2020, ngành Nông nghiệp Việt Nam tiếp tục thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đặc biệt  tập trung vào công nghiệp chế biến, mở rộng thị trường xuất khẩu, nhất là thị trường EU. Hoàn thiện kết cấu hạ tầng nông nghiệp; sử dụng linh hoạt và hiệu quả diện tích đất trồng lúa, cây ăn quả; tiếp tục triển khai các biện pháp ứng phó với biến đổi khí hậu; triển khai hiệu quả công tác quản lý bảo vệ rừng, sử dụng rừng trồng hiệu quả hơn. Tăng cướng kiểm tra, kiểm soát an toàn thực phẩm. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ 4.0 và sản xuất nông nghiệp...”.
Lê Nam

Có thể bạn quan tâm

Hạn nặng hàng trăm hộ dân Đức Cơ được Công ty 72 dùng xe bồn cấp nước sinh hoạt

Hạn nặng hàng trăm hộ dân Đức Cơ được Công ty 72 dùng xe bồn cấp nước sinh hoạt

(GLO)-

Những ngày này, người dân trên địa bàn làng Sơn và thôn Đức Hưng (xã Ia Nan, huyện Đức Cơ) đang quay quắt vì hạn, không chỉ thiếu nước sản xuất mà nước sinh hoạt cũng không còn. Trước những khó khăn ấy, Công ty TNHH một thành viên 72 đã huy động xe chở nước miễn phí cho người dân.