Thảo luận nhiều vấn đề trọng tâm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sáng 10-12, kỳ họp thứ 11 HĐND tỉnh khóa XI bước vào ngày làm việc thứ 2 với phiên thảo luận tổ. Với tinh thần trách nhiệm cao, các đại biểu đã thẳng thắn trao đổi, thảo luận nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội cùng nhiều vấn đề về an sinh mà cử tri quan tâm.

Chỉ ra nhiều tồn tại, hạn chế

Trong phiên làm việc buổi sáng, các đại biểu HĐND tỉnh đã chia thành 5 tổ để thảo luận các nội dung trọng tâm của kỳ họp; đóng góp ý kiến vào nội dung các báo cáo, tờ trình. Hầu hết đại biểu cơ bản nhất trí với nội dung báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế-xã hội năm 2019 và đánh giá cao sự chỉ đạo, điều hành linh hoạt của tỉnh. Tuy vậy, đại biểu cũng thẳng thắn chỉ ra một số tồn tại, hạn chế như: công tác quản lý nhà nước về đất đai còn lỏng lẻo; công tác cải cách hành chính hiệu quả chưa cao; việc triển khai hoạt động mua sắm tập trung, vấn đề giải ngân, thu ngân sách trên địa bàn…

Quang cảnh thảo luận tổ tại kỳ họp. Ảnh: Trần Dung
Quang cảnh thảo luận tổ tại kỳ họp. Ảnh: Trần Dung

Trong phần gợi ý thảo luận, Chủ tịch HĐND tỉnh Dương Văn Trang, chỉ rõ: “Chúng ta cần đánh giá lại năng lực lãnh đạo và chỉ đạo trong năm qua. Tôi yêu cầu các đại biểu nghiên cứu, đánh giá những mặt làm được, chưa được thông qua báo cáo đánh giá tình hình phát triển kinh tế-xã hội năm 2019 và phương hướng nhiệm vụ năm 2020 của UBND tỉnh. Từ đó, cùng nhau tìm các giải pháp để làm tốt nhiệm vụ công tác sắp đến”.

Theo Chủ tịch HĐND tỉnh, năm 2020 là năm cuối để thực hiện và hoàn thành các mục tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV và kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2021. Một trong những chỉ tiêu quan trọng trên lĩnh vực kinh tế của tỉnh trong năm 2020, đó là phấn đấu thu ngân sách đạt từ 5.200 tỷ đồng trở lên. Như vậy, cả hệ thống chính trị phải cùng nhau vào cuộc, chung tay phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ với quyết tâm cao nhất. “Với tiềm năng và thế mạnh của tỉnh, việc hoàn thành chỉ tiêu thu ngân sách từ 5.200 tỷ đồng trở lên trong năm 2020 không phải là khó. Quan trọng là chúng ta chưa phát huy hết khả năng của tập thể và cá nhân. Có chỗ, có người trách nhiệm còn chưa cao. Nếu tháo gỡ được hạn chế này thì việc thực hiện các nhiệm vụ sẽ tốt hơn nhiều”- Chủ tịch HĐND tỉnh Dương Văn Trang, nhấn mạnh. Liên quan đến vấn đề này, đại biểu Rơ com Sa Duyên- Phó Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội, cho rằng: “Hiện nay, thu ngân sách của tỉnh vẫn chưa đạt. Trong đó, đang tồn tại nhiều khoản thu thấp. Do đó, đề nghị UBND tỉnh cần yêu cầu các cơ quan Thuế phải quyết liệt thực hiện công tác thu để đảm bảo thu ngân sách đạt và vượt chỉ tiêu”.

Chủ tịch HĐND tỉnh Dương Văn Trang phát biểu tại buổi thảo luận tổ. Ảnh: Trần Dung
Chủ tịch HĐND tỉnh Dương Văn Trang phát biểu tại buổi thảo luận tổ. Ảnh: Trần Dung

Vấn đề đầu tư cơ sở hạ tầng tại các điểm du lịch cũng được nhiều đại biểu quan tâm thảo luận. Những năm gần đây, các địa phương trong tỉnh đã chú trọng đầu tư và nâng cao chất lượng phục vụ du lịch; gắn các hoạt động văn hóa, thể thao với phát triển du lịch. Năm 2019, ước có 845.000 lượt khách đến tỉnh, tăng 25,5% so với cùng kỳ, (trong đó khách quốc tế 15.000 lượt); doanh thu du lịch ước đạt 510 tỷ đồng, tăng 22%. Theo đại biểu Nguyễn Tùng Khánh- Giám đốc Sở Ngoại vụ thì ngành du lịch Gia Lai chưa khơi hết tiềm năng bởi nhiều yếu tố, trong đó có việc hạn chế trong đầu tư cơ sở hạ tầng. Đại biểu này cho hay: “Đầu tư cơ sở hạ tầng ở các điểm du lịch là điều rất cần thiết. Chúng ta có nhiều lợi thế về du lịch, vì vậy cần có cơ sở tốt để ngành du lịch đi lên”. Đồng quan điểm, đại biểu Đỗ Ngọc Thành- Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Phú Thiện cũng đề nghị UBND tỉnh quan tâm bố trí ngân sách đầu tư cho du lịch, đặc biệt là cơ sở hạ tầng du lịch trong năm 2020 và những năm tiếp theo.

Cũng bàn về vấn đề phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, nhiều đại biểu nêu các giải pháp cụ thể, như: Gia Lai cần đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, quảng bá du lịch; xây dựng kế hoạch về khám phá văn hóa, ẩm thực, thiên nhiên và con người Gia Lai kết nối với YouTuber; tổ chức điều tra thị trường để xây dựng kế hoạch thu hút du khách; duy trì và nâng cao chất lượng tổ chức các sự kiện văn hóa, du lịch mang tính chuyên nghiệp, đảm bảo nội dung đa dạng và phong phú tạo sự hấp dẫn cho khách du lịch; tiếp tục triến khai thực hiện có hiệu quả một số chính sách hỗ trợ đầu tư du lịch, hoạt động xúc tiến du lịch và phát triển du lịch cộng đồng…

Ngoài ra, đối với các dự thảo Nghị quyết do UBND tỉnh trình tại kỳ họp, đa số các đại biểu đều thống nhất. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều dự thảo nghị quyết cần được chỉnh sửa, bổ sung như: việc thông qua danh mục các công trình, dự án cần thu hồi đất năm 2020, đề nghị phê chuẩn quyết toán ngân sách địa phương năm 2018, quy định chính sách hỗ trợ đối với cán bộ, công chức, viên chức, người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã , thôn, tổ dân phố dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính trên địa bàn tỉnh…

Tình hình tội phạm diễn biến phức tạp

Trong năm 2019, tình hình tội phạm trên địa bàn tỉnh diễn biến phức tạp, đặc biệt là tội phạm liên quan đến quản lý, bảo vệ rừng. Năm 2019, tội phạm liên quan đến quản lý, bảo vệ rừng tăng mạnh cả về số vụ và số bị can bị khởi tố. Cụ thể: “Tội vi phạm các quy định về khai thác, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản” khởi tố mới 28 vụ/51 bị can (tăng 11 vụ và 22 bị can); “Tội hủy hoại rừng” khởi tố mới 23 vụ/22 bị can (tăng 13 vụ và 12 bị can). Việc giải quyết các vụ án về Luật Lâm nghiệp của các cơ quan tiến hành tố tụng gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc như: về trưng cầu giám định để xác định nhóm, chủng loại, khối lượng gỗ; việc thu giữ, bảo quản và xử lý vật chứng là gỗ; việc xác định giá trị thiệt hại về môi trường và xác định trách nhiệm của cơ quan chức năng được giao nhiệm vụ quản lý rừng.

Đại biểu Võ Ngọc Thành-Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh nêu rõ: Thời gian qua, tỉnh đã đẩy mạnh ngăn chặn, siết chặt vấn đề quản lý, bảo vệ rừng. Từ năm 2018 đến nay chúng ta làm gần 20 cuộc thanh tra và phát hiện ra nhiều sai phạm tại các Ban quản lý rừng trên địa bàn. Nhiều diện tích rừng bị mất, nguyên nhân thì có nhiều nguyên nhân, trong đó có phần yếu kém của các ban quản lý, việc để mất rừng xảy ra trong nhiều năm trước nhưng do không kiểm kê, đo đếm dẫn đến khi thanh tra thì phát hiện nhiều… Qua đó, đã phát hiện xử lý kỷ luật hàng loạt cán bộ, hàng loạt cán bộ bị khởi tố hình sự do liên quan đến vấn đề quản lý, bảo vệ rừng. Thông tin thêm về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Đình Quang- Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh, cho biết: “Trong những năm trở lại đây, tội phạm về Luật Lâm nghiệp ngày càng tăng. Năm 2018 mới chỉ có 16 vụ nhưng đến năm 2019 đã lên tới 28 vụ. Tội hủy hoại rừng riêng năm 2019 xảy ra 23 vụ. Từ năm 2016,  chúng tôi đã có kiến nghị với HĐND tỉnh cần có chuyên đề về giám sát tội phạm này. Tuy nhiên vẫn chưa được thực hiện”.

đại biểu Nguyễn Đình Quang- Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh nêu vấn đề về tình hình tội phạm ngày càng gia tăng. Ảnh: Trần Dung
Đại biểu Nguyễn Đình Quang- Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh nêu vấn đề về tình hình tội phạm ngày càng gia tăng. Ảnh: Trần Dung

Tình hình an ninh trật tự (ANTT) trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua cũng là vấn đề được quan tâm tại Kỳ họp này. Theo báo cáo của UBND tỉnh, trong năm qua, mặc dù tình hình ANTT trên địa bàn tỉnh được đảm bảo tuy nhiên vẫn còn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp. Trong đó, phạm pháp hình sự tuy giảm nhưng tính chất, hậu quả một số vụ xảy ra nghiêm trọng, nhất là tội phạm giết người, cố ý gây thương tích, tội phạm xâm hại trẻ em; an ninh nông thôn, trật tự an toàn xã hội vẫn tiềm ân yếu tố phức tạp. Tình trạng vay tín dụng đen, lừa đảo chiếm đoạt tài sản còn xảy ra ở một số địa phương; tình hình tin giả, xấu, độc trên các trang mạng xã hội còn nhiều, chưa kịp thời xử lý nghiêm. Điều này đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của các ngành chức năng và chính quyền địa phương. “Năm 2019, đã khởi tố 14 vụ với 29 đối tượng. Tội phạm giết người xảy ra 29 vụ, tăng 3 vụ so với năm 2018. Đặc biệt, tội phạm cố ý gây thương tích ngày càng trẻ hóa, nguyên nhân chủ yếu do mâu thuẫn trong sinh hoạt và sử dụng rượu bia…Rất mong cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc để giảm thiểu tình trạng này”- đại biểu Nguyễn Đình Quang ý kiến.  

Bên cạnh đó, tình trạng tự tử trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn diễn biến phức tạp trong năm qua. Theo đó, toàn tỉnh có 86 vụ tự tử, chết 86 người thì có tới 62 vụ liên quan người dân tộc thiểu số, chiếm 72,1%. Nguyên nhân chính được ngành chức năng chỉ ra chủ yếu do mâu thuẫn gia đình, bệnh tật. Đại biểu Ayun H’Bút-Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh cho hay: Thời gian qua, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh có một chuyên đề, sổ tay về thay đổi cách nghĩ, cách làm trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Chuyên đề này đã góp phần thay đổi cả về tư duy, nhận thức của người dân trong làm ăn phát triển kinh tế cũng như từ bỏ các hủ tục, phong tục lạc hậu. Do đó, thời gian tới, UBND tỉnh cần có sự phối hợp với các tổ chức chính trị xã hội trên địa bàn để vận động, tuyên truyền, nhất là trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Từ đó, đề ra những giải pháp ngăn chặn, phòng chống tình trạng tự tử trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Đại biểu Ayun H’Bút-Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh quan tâm đến tình trạng tự tử trong vùng đồng bào DTTS. Ảnh: Đức Thụy
Đại biểu Ayun H’Bút-Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh quan tâm đến tình trạng tự tử trong vùng đồng bào DTTS. Ảnh: Đức Thụy

Ngoài ra, tại buổi thảo luận tại tổ, các đại biểu cũng tập trung thảo luận, đóng góp ý kiến đối với các vấn đề liên quan đến công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhất là đất liên quan đến các công ty, doanh nghiệp sau khi tiến hành cổ phần hóa; vấn đề dự toán ngân sách năm 2020, phân bổ dự toán ngân sách địa phương và phương án phân bổ ngân sách cấp tỉnh năm 2020; vấn đề chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi…

Chiều nay, kỳ họp sẽ tiếp tục với phần thảo luận chung tại hội trường.

Báo Gia Lai điện tử sẽ liên tục thông tin nội dung kì họp đến bạn đọc trong thời gian sớm nhất.

Dung Tấn

Có thể bạn quan tâm

Hạn nặng hàng trăm hộ dân Đức Cơ được Công ty 72 dùng xe bồn cấp nước sinh hoạt

Hạn nặng hàng trăm hộ dân Đức Cơ được Công ty 72 dùng xe bồn cấp nước sinh hoạt

(GLO)-

Những ngày này, người dân trên địa bàn làng Sơn và thôn Đức Hưng (xã Ia Nan, huyện Đức Cơ) đang quay quắt vì hạn, không chỉ thiếu nước sản xuất mà nước sinh hoạt cũng không còn. Trước những khó khăn ấy, Công ty TNHH một thành viên 72 đã huy động xe chở nước miễn phí cho người dân.

Sức mạnh ở Tiểu đoàn SPG-9

Sức mạnh ở Tiểu đoàn SPG-9

(GLO)- Tiểu đoàn SPG-9 (Tiểu đoàn 15), Sư đoàn 320, Quân đoàn 3 được trang bị hỏa lực mạnh, cơ động nhanh là một trong những lực lượng chủ công của Sư đoàn 320 khi thực hiện nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ địa bàn.


Xứng đáng với truyền thống đơn vị anh hùng

Xứng đáng với truyền thống đơn vị anh hùng

(GLO)- Cùng với lực lượng Cảnh sát Cơ động (CSCĐ) cả nước, Phòng CSCĐ (tiền thân là lực lượng An ninh vũ trang thuộc Ban An ninh Gia Lai) đã không ngừng trưởng thành, lớn mạnh để tiến lên hiện đại. Với những chiến công xuất sắc, Phòng CSCĐ được Đảng, Nhà nước khen tặng nhiều phần thưởng cao quý.