Chung sức xây dựng nông thôn mới

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Đến nay, 100% các đội sản xuất trực thuộc hai Công ty 78 và 732 (Binh đoàn 15) đã kết nghĩa với các thôn làng trên địa bàn, 670 cặp hộ công nhân người Kinh gắn kết với 670 cặp hộ công nhân người dân tộc thiểu số ở địa phương.

Hưởng ứng phong trào thi đua “Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới” do Bộ Quốc phòng phát động, những năm qua, Đảng ủy-Ban Giám đốc Công ty TNHH một thành viên 78 và Công ty TNHH một thành viên 732 (Binh đoàn 15) đã phát động toàn thể cán bộ, đảng viên, công nhân, lao động tích cực tham gia phong trào bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, góp phần xây dựng bộ mặt nông thôn các xã vùng biên giới 2 huyện Ngọc Hồi, Sa Thầy (tỉnh Kon Tum) ngày càng khởi sắc.

Trò chuyện với chúng tôi trong buổi lễ khánh thành khuôn viên nhà rông, ông A Uất-Trưởng thôn Rờ Kơi (xã Rờ Kơi, huyện Sa Thầy) cho biết: Thôn Rờ Kơi có 185 hộ, 592 nhân khẩu, trong đó người Hà Lăng chiếm 95% dân số. Trước đây, nhà rông của thôn bị xuống cấp, khuôn viên bị lầy lội trong mùa mưa nên việc tổ chức các hoạt động ở đây gặp nhiều khó khăn. Đầu năm 2015, thôn đã họp bàn và thống nhất vận động mỗi hộ đóng góp 50.000-60.000 đồng, huy động hàng trăm ngày công lao động để chặt cây, cắt tranh, sửa chữa nhà rông. Bên cạnh đó, Công ty 732 và Công ty 78 hỗ trợ trên 150 triệu đồng để xây dựng khuôn viên, tường rào bằng xi măng. Nhờ vậy, bà con trong thôn rất vui mừng, chung sức, chung lòng để xây dựng nhà rông đẹp đẽ và đàng hoàng như hôm nay.

Hỏi chuyện Thượng tá Trần Thế Xuất-Phó Giám đốc Công ty 732 về phong trào “Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới”, ông cho biết từ năm 2012 đến nay, đơn vị đã đầu tư làm mới và tu sửa 22 km đường giao thông, sửa chữa 7 km kênh mương thủy lợi với tổng kinh phí hơn 1 tỷ đồng. Công nhân Công ty đã đóng góp 256 triệu đồng để làm đường bê tông xi măng tại các khu dân cư. Công ty còn hỗ trợ 310 triệu đồng xây dựng nhà sinh hoạt cộng đồng thôn Giang Lố 2 (xã Sa Loong, huyện Ngọc Hồi); xây dựng 40 lán trại trị giá 80 triệu đồng cho công nhân người Xê Đăng thôn Giang Lố 2 làm nơi ăn ở và làm việc trong mùa mưa khi vào mùa khai thác mủ cao su; xây dựng 10 nhà tình nghĩa và nhà đại đoàn kết tặng cho 10 hộ dân khó khăn về nhà ở tại xã Sa Loong với kinh phí 545 triệu đồng. Ngoài ra, Công ty còn tuyển dụng 125 lao động địa phương vào làm công nhân với mức lương bình quân 4,5 triệu đồng/tháng; phối hợp với xã Rờ Kơi và xã Đak Kan mở lớp dạy nghề cạo mủ cao su cho 152 con em đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ nhằm giúp họ nắm vững kỹ thuật thu hoạch mủ cao su; hỗ trợ 15.000 cây giống cao su cho nhân dân địa phương để phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo. Mặt khác, Công ty còn hỗ trợ 87 triệu đồng, ủng hộ hàng ngàn bộ quần áo, sách vở, đồ dùng học tập nhằm giúp các em học sinh có điều kiện cắp sách đến trường…

Cũng như Công ty 732, gần 4 năm qua (2012-2015), Công ty 78 đã hỗ trợ, tiếp sức cùng cấp ủy, chính quyền và nhân dân các xã biên giới triển khai thực hiện có hiệu quả các mục tiêu chương trình xây dựng nông thôn mới. Thượng tá Nguyễn Đăng Thanh-Phó Giám đốc Công ty cho biết: Đơn vị đã giúp xã Mô Rai (huyện Sa Thầy) tu sửa 25,5 km đường giao thông nông thôn, huy động trên 3.300 ngày công lao động phát quang tuyến đường điện, làm vệ sinh môi trường ở các thôn làng; đầu tư xây dựng đường bê tông xi măng, khuôn viên khu dân cư và nhà rông thôn 6 (xã Rờ Kơi) với tổng kinh phí 2,350 tỷ đồng; tiếp nhận 45 thanh niên địa phương vào làm công nhân; trợ giúp 1.855 ngày công lao động cho 15 hộ đồng bào dân tộc thiểu số trồng 15,4 ha cao su tiểu điền; hướng dẫn quy trình kỹ thuật chăm sóc, làm cỏ, bón phân cao su với diện tích 65 ha; giúp phun thuốc trị bệnh cho vườn cây cao su của nhân dân với diện tích 69 ha; giúp dân khai hoang, phục hóa 5,5 ha diện tích lúa nước; mở lớp tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc, khai thác mủ cao su cho 35 hộ dân địa phương. Ngoài ra, Công ty còn hỗ trợ kinh phí mua trang-thiết bị, đồ dùng dạy học, đồ chơi cho học sinh các điểm trường mầm non trị giá trên 546 triệu đồng; hỗ trợ 20 triệu đồng cho Trường Tiểu học Mô Rai mua bồn nước và vật liệu xây dựng để sửa chữa các phòng học; tặng 25 máy vi tính cho lớp học nội trú trị giá 140 triệu đồng; mua tặng quần áo, cặp, sách vở cho học sinh các trường trên địa bàn xã Mo Rai với tổng số tiền trên 104 triệu đồng…

Lãnh đạo 2 Công ty còn cho biết, từ năm 2012 đến nay, cán bộ quân y của đơn vị đã hướng dẫn nhân dân ở 26 thôn, làng cách phòng-chống các loại dịch bệnh lúc thời tiết giao mùa; phun thuốc chống muỗi, tẩm màn cho 3.135 lượt hộ dân; tổ chức khám bệnh và cấp thuốc miễn phí cho 6.315 lượt người dân địa phương.

Được sự hỗ trợ của các đơn vị quân đội, tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội ở các thôn, làng được đảm bảo, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho các xã vùng biên giới thực hiện có hiệu quả các mục tiêu của chương trình xây dựng nông thôn mới từ nay đến năm 2020.

Thảo Nguyên

Có thể bạn quan tâm

Gia Lai: Vụ lúa Đông Xuân 2023-2024 thắng lợi

Gia Lai: Vụ lúa Đông Xuân 2023-2024 thắng lợi

(GLO)- Nhờ chủ động nguồn nước tưới từ các công trình thủy lợi, cộng với việc đưa các giống lúa mới chất lượng cao vào sản xuất nên năng suất lúa vụ Đông Xuân 2023-2024 tăng đáng kể. Với giá lúa tăng 2-3 ngàn đồng/kg so với vụ trước, bà con nông dân trong tỉnh đã có một vụ sản xuất “thắng lợi kép”.

Phú Thiện: Cơ hội quảng bá, tiêu thụ nông sản địa phương

Phú Thiện: Cơ hội quảng bá, tiêu thụ nông sản địa phương

(GLO)- 

Bên cạnh nhiều hoạt động văn hóa hấp dẫn tại Lễ hội cầu mưa Yang Pơtao Apui năm 2024 được UBND huyện Phú Thiện tổ chức trong dịp lễ 30-4 và 1-5, Phiên chợ nông sản cũng là cơ hội để giới thiệu, quảng bá sản vật đặc trưng của địa phương đến với du khách trong và ngoài tỉnh.

Năm nay, thời tiết khắc nghiệt quá, nắng nóng kéo dài khiến ao, hồ cạn trơ đáy. Ảnh: Gia Hưng

Gia Lai thiệt hại do hạn hán gần 10 tỷ đồng

(GLO)-

Theo Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy phòng-chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh: Tính đến ngày 24-4, trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận thiệt hại do hạn hán gần 10 tỷ đồng, với 379,6 ha cây trồng các loại bị thiệt hại.