Chư Sê phát triển nhanh, bền vững

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Chư Sê phát triển nhanh, bền vững ảnh 1
 
Huyện Chư Sê được thành lập ngày 17-8-1981, theo Quyết định số 34-QĐ/HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) trên cơ sở tách 5 xã của huyện Mang Yang cũ, 7 xã của huyện Chư Prông, có diện tích tự nhiên 135.089 ha. Sau 30 năm xây dựng và phát triển, Chư Sê đã tạo ra những tiền đề căn bản cho sự phát triển bền vững. 


Kinh tế-xã hội phát triển nhanh

Ngày đầu thành lập, điểm xuất phát nền kinh tế huyện còn thấp, tốc độ tăng trưởng kinh tế chỉ đạt 4,6% mỗi năm. Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ III, IV đã tạo bước chuyển từ nền kinh tế tự cung, tự cấp sang kinh tế hàng hóa, đồng thời chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Bước vào thực hiện công cuộc đổi mới, nền kinh tế của huyện chuyển biến khá, tốc độ tăng trưởng đạt 28,2% mỗi năm. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được cải thiện, thu nhập bình quân đầu người liên tục tăng: Năm 1981 là 909 ngàn đồng; năm 1991 là 1,1 triệu đồng, năm 2010 đạt 16 triệu đồng/năm.

Những năm qua, cơ cấu kinh tế của huyện chuyển dịch đúng hướng, tạo động lực phát triển nhanh và bền vững. Trong cơ cấu kinh tế, tỷ trọng công nghiệp-xây dựng chiếm 28%, dịch vụ chiếm 22%. Cùng với các ngành khác, ngành nông nghiệp phát triển bền vững. Nếu năm 1991 khối lượng cây lương thực có hạt đạt 16.418 tấn, thì đến năm 2010 đạt 44.112 tấn. Chư Sê đã trở thành vùng chuyên canh cây công nghiệp dài ngày như: Cà phê, hồ tiêu, cao su… Đặc biệt, sản phẩm hồ tiêu Chư Sê được Cục Sở hữu Trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ công nhận cấp sở hữu nhãn hiệu tập thể. Sản phẩm được xuất đi nhiều nước trên thế giới, đem lại nguồn lợi lớn cho nhân dân.

Đóng gói sản phẩm cao su xuất khẩu.
Đóng gói sản phẩm cao su xuất khẩu.
Thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, từ năm 1987, công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp của Chư Sê có bước phát triển mạnh mẽ. Nếu năm 1991 đạt 5,6 tỷ đồng thì đến năm 2010 tổng giá trị sản xuất công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp đạt 384 tỷ đồng. Hoạt động thương mại-dịch vụ phát triển đa dạng, tiếp cận đến các làng, xã vùng sâu, vùng xa; khối lượng hàng hóa lưu thông nhiều chiều, đáp ứng nhu cầu phát triển của nhân dân. Nếu năm 1991 đạt 6,3 tỷ đồng thì năm 2010 đạt 326 tỷ đồng, gấp 50 lần so với ngày đầu thành lập huyện…


Năm 1993, huyện mới có điện lưới quốc gia. Năm 2000, toàn huyện có 14/16 xã, thị trấn với 100/217 thôn, làng, tổ dân phố có điện. Hiện nay, 100% thôn, làng, tổ dân phố có điện, với 95% số hộ sử dụng điện lưới quốc gia. Về thủy lợi, năm 1981 huyện có 2 công trình thủy lợi tưới khoảng 300 ha, đến năm 2010 có 57 công trình, đảm bảo tưới cho hơn 10.000 ha cây trồng các loại. Sau khi chia tách huyện, Chư Sê có 46 công trình, năng lực tưới hơn 9.460 ha cây trồng các loại.

Sự nghiệp giáo dục-đào tạo không ngừng phát triển cả về số lượng lẫn chất lượng. Năm học 1981-1982, toàn huyện có 13 trường, 225 giáo viên, 5.706 học sinh, trong đó 3 xã có trường cấp II với 15 lớp, 442 học sinh, lúc đó huyện chưa có trường cấp III. Năm học 2010-2011, sau khi chia tách huyện, toàn huyện có 55 trường học, với 1.003 nhóm lớp, 28.658  học sinh và 1.556 giáo viên, công nhân viên; có 4 trường đạt chuẩn quốc gia, 15/15 xã đạt phổ cập trung học cơ sở và phổ cập tiểu học đúng độ tuổi; tỷ lệ huy động trẻ em trong độ tuổi đến trường đạt 98,8%; duy trì sĩ số học sinh đạt 99,1%.

Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân từng bước phát triển. Năm 1981, toàn huyện có 53 y sĩ, y tá, nữ hộ sinh, 100 giường bệnh, chưa có bác sĩ, hệ thống khám- chữa bệnh chật chội thiếu thốn, khó khăn cho công tác chăm sóc sức khỏe của nhân dân. Hiện nay, Chư Sê có 1 trung tâm y tế, 1 trạm y tế trung tâm và 14 trạm y tế xã, thị trấn với 180 giường bệnh, số cán bộ, viên chức y tế 250 người.

An ninh chính trị luôn giữ vững

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng (năm 1975), Chư Sê là một địa bàn trọng điểm hoạt động của bọn FULRO. Từ ngày đầu thành lập huyện, Đảng bộ đã phát động phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, đấu tranh chống bọn phản động FULRO. Trong các năm 1982-1985, lực lượng chính này của huyện đã bóc gỡ hàng ngàn cơ sở ngầm, làm tan rã nhiều bộ khung chính quyền các cấp. Đến năm 1989, Chư Sê cơ bản xóa bỏ tổ chức phản động FULRO.

Thực hiện âm mưu “Diễn biến hòa bình” gây bạo loạn lật đổ, những năm gần đây các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo, nhân quyền để kích động chia rẽ đoàn kết dân tộc, tuyên truyền đạo “Tin lành Đê-ga” trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đặc biệt, bọn phản động còn kích động nhân dân biểu tình bạo loạn. Trong những năm 2001-2010, sau các vụ bạo loạn, gây rối không thành, bọn chúng đã kích động hàng trăm người trốn ra rừng, vượt biên tạo nên tình hình an ninh nông thôn phức tạp. Dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, cấp ủy và chính quyền đã lãnh đạo đồng bào các dân tộc trong huyện kiên quyết đấu tranh với bọn phản động. Nhờ vậy tình hình an ninh chính trị luôn được giữ vững, hệ thống chính trị không ngừng được củng cố, kiện toàn, các phần tử phản động bị trấn áp, một số đối tượng bị pháp luật nghiêm trị, nhiều đối tượng được cải tạo, giáo dục đã ăn năn hối cải; đưa hàng trăm đối tượng ra kiểm điểm, giáo dục, công khai hóa các hoạt động sai trái trước nhân dân, giao cho thôn, làng quản lý giáo dục, các khung ngầm tổ chức phản động FULRO bị phá rã.

Công tác xây dựng hệ thống chính trị 30 năm qua có bước chuyển biến quan trọng. Từ 21 tổ chức cơ sở đảng, 464 đảng viên, đến nay toàn Đảng bộ có 2.258 đảng viên, sinh hoạt ở 57 tổ chức cơ sở đảng. Sau khi chia tách huyện, Đảng bộ huyện Chư Sê có 49 tổ chức cơ sở đảng trực thuộc, với hơn 2.000 đảng viên.

Bước vào thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ VIII (nhiệm kỳ 2010-2015), Chư Sê đang đứng trước những thời cơ và thách thức lớn đan xen. Trước tình hình đó, toàn Đảng, toàn quân và đồng bào các dân tộc huyện Chư Sê phải tranh thủ thời cơ, vượt qua thách thức, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ toàn diện, đồng bộ để phát triển nhanh và bền vững.
Nguyễn Văn Lành
Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy

Có thể bạn quan tâm