(GLO)- Ngày 16-5 vừa qua, Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an thị xã Ayun Pa đã tiến hành bắt khẩn cấp ông Trương Thiết (SN 1972, trú tại phường Cheo Reo, thị xã Ayun Pa) để làm rõ hành vi cất giữ lâm sản trái phép.
Trước đó, vào ngày 3-5, nhận được tin báo của người dân, UBND thị xã Ayun Pa đã chỉ đạo Hạt Kiểm lâm phối hợp với Công an thị xã kiểm tra kho của Công ty TNHH Duy Nguyên do ông Thiết làm Giám đốc ở thôn Đức Lập (xã Ia Rtô, thị xã Ayun Pa) và phát hiện 138 khúc gỗ xẻ thuộc các chủng loại dổi, xoan, gáo (nhóm 3-6) với tổng khối lượng gần 63 m3. Dù ông Thiết sau đó đã đến trụ sở Hạt Kiểm lâm xuất trình hồ sơ lâm sản song qua kiểm tra, đơn vị này thấy hồ sơ không khớp với số gỗ nói trên.
Ảnh internet |
Liên quan đến vụ việc này, đầu tháng 5-2018, một vụ khai thác gỗ trái phép với quy mô lớn trên vùng núi Chư Jú (thuộc xã Ia Sao, thị xã Ayun Pa) đã bị cơ quan chức năng thị xã Ayun Pa phát hiện. Qua khám nghiệm hiện trường tại tiểu khu 1297, xã Ia Sao, cơ quan chức năng phát hiện 78 khúc gỗ (loại gỗ hộp, lóng gỗ tròn, gỗ xẻ từ nhóm 3 đến nhóm 8) có tổng khối lượng hơn 35 m3 bị lâm tặc đốn hạ còn nằm la liệt trong rừng. Theo một cán bộ Kiểm lâm Ayun Pa, số gỗ thu giữ tại kho của Công ty TNHH Duy Nguyên phần lớn còn tươi mới và cùng chủng loại với số gỗ bị thu giữ tại hiện trường khai thác trái phép ở núi Chư Jú.
Trong một diễn biến khác, mới đây, Hạt Kiểm lâm huyện Ia Grai cũng đã khởi tố vụ án hình sự về hành vi vi phạm các quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản xảy ra tại lâm phần của Ban Quản lý Rừng phòng hộ Ia Grai. Theo đó, vào ngày 9-5, đoàn kiểm tra liên ngành về quản lý bảo vệ rừng của huyện Ia Grai tiến hành tuần tra trên địa bàn xã Ia Chía thì phát hiện một số đối tượng dùng xe máy cày chở gỗ. Khi thấy đoàn kiểm tra, các đối tượng này đã bỏ trốn vào rừng. Mở rộng kiểm tra tại hiện trường và khu vực xung quanh, lực lượng chức năng phát hiện có 27 cây gỗ bị cưa hạ; 1 xe máy cày đang kéo 2 lóng gỗ; 1 rơ moóc cùng 2 lóng gỗ. Tổng khối lượng gỗ thiệt hại trong vụ khai thác này là hơn 25,8 m3.
Hai vụ phá rừng với quy mô lớn tại Ayun Pa và Ia Grai vừa bị cơ quan chức năng phát hiện cho thấy, tình trạng vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng trên địa bàn tỉnh ta vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp. Bằng chứng là theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và PTNT, từ đầu năm 2018 đến ngày 9-5, toàn tỉnh đã phát hiện 224 vụ vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng. Trong đó, có 194 vụ mua bán, vận chuyển, cất giữ lâm sản trái phép; 5 vụ phá rừng; 19 vụ khai thác gỗ, lâm sản; 3 vụ vi phạm quy định về chế biến gỗ. Cơ quan chức năng đã tịch thu 10 ô tô, máy kéo và 34 xe máy; tịch thu 238,97 m3 gỗ tròn và 187,25 m3 gỗ xẻ tang vật.
Từ đầu năm đến nay, tại nhiều hội nghị, công tác quản lý bảo vệ rừng luôn được các đồng chí trong Thường trực Tỉnh ủy và lãnh đạo UBND tỉnh đặc biệt quan tâm chỉ đạo. Mới đây, vào ngày 26-3, trên cơ sở ý kiến chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã có Công văn số 549/UBND-NL triển khai một số nhiệm vụ cấp bách về quản lý bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh. Trong công văn này, UBND tỉnh đã giao nhiệm vụ rất rõ ràng cho các sở, ngành liên quan gồm: Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Công an tỉnh và Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố, thủ trưởng các đơn vị chủ rừng.
Thế nhưng, trái với quyết tâm mạnh mẽ của Thường trực Tỉnh ủy và lãnh đạo UBND tỉnh, tình trạng “chảy máu” rừng trên địa bàn vẫn đang từng ngày diễn ra. Điều đáng buồn là trong nhiều vụ phá rừng, người ta thấy có tình trạng các ngành, đơn vị liên quan đùn đẩy trách nhiệm cho nhau hoặc đổ lỗi cho những nguyên nhân khách quan như: địa bàn quản lý rộng lớn, lực lượng mỏng, trang bị phương tiện hạn chế… thay vì nhìn nhận một cách nghiêm túc trách nhiệm của mình.
Những nguyên nhân khách quan kia đúng là có trong thực tế nhưng chắc chắn không đủ để lực lượng chức năng, các đơn vị chủ rừng giải thích là “không biết lâm tặc phá rừng” hay phải “khoanh tay, bó gối” nhìn lâm tặc lộng hành. Bởi rừng có sâu đến bao nhiêu, địa bàn quản lý có rộng lớn đến chừng nào thì lâm tặc muốn phá rừng lấy gỗ cũng phải đưa máy móc, phương tiện từ bên ngoài vào rồi kéo gỗ ra. Chưa bàn đến chuyện có sự bao che, thông đồng, móc ngoặc hay không giữa lực lượng giữ rừng với các đối tượng phá rừng, chỉ riêng việc lâm tặc đưa máy móc, phương tiện vào rừng đốn hạ, xẻ gỗ rồi kéo gỗ với số lượng lớn ra ngoài tiêu thụ, thậm chí đưa hẳn về khu dân cư cất giữ như nhiều vụ việc đã bị phát hiện cũng đủ cho thấy sự thờ ơ, thiếu trách nhiệm của một số đơn vị chủ rừng và ngành chức năng. Nếu không thờ ơ, thiếu trách nhiệm thì làm sao có chuyện “con voi chui lọt lỗ kim” như vậy?
Quyết tâm giữ rừng là thông điệp được lãnh đạo tỉnh nhiều lần nhấn mạnh trong thời gian qua. Nhưng nhìn vào thực tế, chúng ta có thể nhận thấy đâu đó vẫn còn tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”, trên quyết tâm, dưới còn thờ ơ. Bởi vậy, để rừng không còn “chảy máu”, việc tăng cường nhân lực, phương tiện cho lực lượng giữ rừng có thể không quan trọng bằng chính việc nâng cao tinh thần trách nhiệm của lực lượng này.
Vĩnh Phúc