Theo đại biểu QH Nguyễn Thị Thuỷ, nếu bổ sung trường hợp tạm giữ người để xác minh nhân thân và tình tiết của vụ việc vi phạm hành chính thì có thể sẽ dẫn đến thời gian tới đây sẽ có thể có nhiều trường hợp tạm giữ người.
Ngày 22-10, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 10, Quốc hội (QH) thảo luận trực tuyến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Trình bày báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH Hoàng Thanh Tùng nêu rõ, so với dự thảo Luật đã trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 9, dự thảo Luật đã được tiếp thu, chỉnh lý cả về nội dung và kỹ thuật lập pháp ở nhiều điều, khoản để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, khả thi và rõ ràng của các quy định, trong đó tập trung vào 6 nhóm vấn đề.
|
Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luât Hoàng Thanh Tùng trình bày báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo luật tại phiên họp |
Trong đó, về tạm giữ người theo thủ tục hành chính (sửa đổi, bổ sung Điều 122 của Luật Xử lý vi phạm hành chính), có ý kiến đề nghị rà soát quy định về các trường hợp tạm giữ người để bảo đảm chặt chẽ, tránh bị lạm dụng.
Theo ông Hoàng Thanh Tùng, dự thảo Luật bổ sung 4 trường hợp tạm giữ người, trong đó trường hợp"tạm giữ người có hành vi bạo lực gia đình vi phạm quyết định cấm tiếp xúc theo quy định của pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình" là cần thiết để bảo đảm thống nhất, đồng bộ với Luật Phòng, chống bạo lực gia đình; trường hợp "tạm giữ người để bảo đảm thi hành quyết định đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc" là phù hợp để bảo đảm thi hành quyết định áp dụng các biện pháp này.
Cũng theo Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của QH, việc bổ sung trường hợp "tạm giữ người để xác minh nhân thân và tình tiết của vụ việc vi phạm hành chính mà nếu không tạm giữ thì không có căn cứ ra quyết định xử phạt" có mục đích chủ yếu chỉ nhằm tạo thuận lợi cho việc xem xét, quyết định xử phạt vi phạm hành chính (phạt tiền, phạt cảnh cáo...) là chưa tương xứng, không phù hợp để coi là "trường hợp cần thiết" có thể hạn chế quyền đi lại của công dân theo quy định tại Hiến pháp. Do đó, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật đã bỏ quy định tạm giữ người theo thủ tục hành chính đối với trường hợp này.
Nêu quan điểm về nội dung này tại phiên thảo luận, đại biểu (ĐB) Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) cho rằng, vấn đề nên hay không nên mở rộng trường hợp tạm giữ người để phục vụ việc xác minh nhân thân và xác minh tình tiết của vụ việc vi phạm vẫn đang còn các ý kiến khác nhau.
|
Đại biểu Nguyễn Thị Thủy đề nghị cân nhắc việc mở rộng tạm giữ người để phục vụ việc xác minh nhân thân và xác minh tình tiết của vụ việc vi phạm hành chính |
Bản thân ĐB Thuỷ, bà ủng hộ phương án không mở rộng tạm giữ người để phục vụ việc xác minh nhân thân và xác minh tình tiết của vụ việc vi phạm. Vị đại biểu tỉnh Bắc Kạn nêu các lý do về việc không nên mở rộng trường hợp này.
Cụ thể, với tính chất là một biện pháp ngăn chặn, từ trước đến nay tạm giữ người luôn được quy định nhằm để ngăn chặn và đình chỉ ngay hành vi vi phạm đang diễn ra và quy định như vậy một mặt để bảo đảm việc xử lý quá trình vi phạm.
Mặt khác quan trọng hơn, đó là để bảo đảm chặt chẽ và chống sự lạm dụng trong thực tiễn thi hành. Tuy nhiên, nếu mở rộng tạm giữ người với trường hợp nêu trên thì có thể sẽ dẫn đến thời gian tới đây sẽ có rất nhiều trường hợp tạm giữ người.
Bên cạnh đó, vi phạm hành chính thường là những vi phạm ít nghiêm trọng hơn và chưa đến mức bị xử lý hình sự. Do vậy, việc tạm giữ một người, hạn chế quyền tự do của họ chỉ được đặt ra trong trường hợp thực sự cần thiết và phải trong phạm vi 5 trường hợp được phép hạn chế quyền con người, quyền công dân đã được Hiến pháp quy định, đó là vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội và sức khỏe của cộng đồng.
Theo phân tích của ĐB Nguyễn Thị Thuỷ, việc xác minh tình tiết của vụ việc vi phạm đó là trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong quá trình thực thi công vụ. Nếu mở rộng trường hợp nêu trên thì vô hình trung đã tạo thuận lợi hơn cho cơ quan nhà nước, nhưng làm bất lợi hơn cho người dân và chưa thực sự phù hợp với Hiến pháp. "Bên cạnh đó, xuất phát từ tính chất rất nhạy cảm của biện pháp này, nếu trường hợp sau khi đã tạm giữ thì có thể ảnh hưởng rất lớn đến đời sống bình thường cũng như hoạt động làm ăn, kinh doanh của người dân"- vị ĐB đến từ tỉnh Bắc Kạn lo lắng.
Ngoài ra, nếu như mở rộng càng nhiều trường hợp tạm giữ người mà căn cứ tạm giữ không chặt chẽ, không xác đáng, ĐB Nguyễn Thị Thủy lo ngại sẽ tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến quyền con người, quyền công dân rất lớn.
Cuối cùng, theo quy định tại Điều 17 Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước thì nhà nước phải có trách nhiệm bồi thường trong trường hợp áp dụng biện pháp ngăn chặn trái pháp luật. Với quy định này, nếu Luật Xử lý vi phạm hành chính bổ sung thêm trường hợp tạm giữ người nêu trên thì rất khó để có thể đặt ra vấn đề trách nhiệm bồi thường của nhà nước, bởi vì luật đã cho phép tạm giữ để phục vụ việc xác minh vi phạm.
"Do vậy, kể cả ngay sau khi đã tạm giữ, đã hết thời hạn tạm giữ và cơ quan có thẩm quyền đã kết luận vụ việc không có vi phạm thì cũng không thể đặt ra vấn đề trách nhiệm bồi thường của Nhà nước và trong trường hợp này chỉ có người bị tạm giữ là bị thiệt hại"- ĐB tỉnh Bắc Kạn cho hay.
Minh Chiến - Văn Duẩn (NLĐO)