Bão số 5 gây mưa lụt từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Bão số 5 sẽ gây ra một đợt mưa rất lớn kéo dài nhiều ngày và dự báo 40 huyện, thị xã tại các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi có nguy cơ ngập lụt, sạt lở đất.

Nước lũ trên thượng nguồn đổ về gây chia cắt cục bộ một số nơi ở xã Phước Thành, H.Phước Sơn (Quảng Nam). Ảnh: Nam Thịnh
Nước lũ trên thượng nguồn đổ về gây chia cắt cục bộ một số nơi ở xã Phước Thành, H.Phước Sơn (Quảng Nam). Ảnh: Nam Thịnh
Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết lúc 22 giờ ngày 11.9, tâm bão số 5 ở khoảng 15,4 độ vĩ bắc và 109,0 độ kinh đông, ngay trên vùng biển từ Đà Nẵng đến Bình Định. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60 - 75 km/giờ), giật cấp 10, di chuyển theo hướng tây, suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, đi vào đất liền các tỉnh từ Đà Nẵng đến Bình Định.
Quảng Ngãi khuyến cáo người dân không ra khỏi nhà
Trưa 11.9, tỉnh Quảng Ngãi có công điện khẩn khuyến cáo người dân đảo Lý Sơn và H.Bình Sơn không ra khỏi nhà để tránh nguy hiểm do bão số 5 gây mưa to, gió lớn.  Ông Nhâm Xuân Sỹ, Giám đốc Đài khí tượng thủy văn tỉnh Quảng Ngãi, cho biết trong chiều và tối 11.9, vùng biển Quảng Ngãi gió tăng lên cấp 9 - 10, giật cấp 11 - 12, sóng biển cao từ 4 - 5 m.
Tại các cảng cá của tỉnh Quảng Ngãi, có khoảng 5.600 tàu cá trong và ngoài tỉnh đang neo đậu để tránh bão. Trong đó, hàng trăm ngư dân có yếu tố dịch tễ được lấy mẫu xét nghiệm Covid-19.
Phạm Anh - Hải Phong
Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng chống thiên tai chiều 11.9, ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, cho biết trong đêm 11 và rạng sáng 12.9, vùng trọng tâm bão ảnh hưởng các tỉnh Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi với gió mạnh cấp 8, sau đó sẽ suy yếu nhanh. Dự báo đến trưa nay (12.9), người dân ở các tỉnh chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão cần đề phòng vẫn có gió giật cấp 7 - 8. “Dự báo mưa bão số 5 khiến 40 huyện, thị xã ở Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng có nguy cơ bị ngập lụt ở đô thị và đồng bằng, vùng núi có nguy cơ xảy ra sạt lở đất”, ông Khiêm cảnh báo.
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp nhấn mạnh các địa phương cần sẵn sàng kịch bản ứng phó mưa lớn, ngập lụt sau bão số 5. Đáng lo ngại là ở vùng ảnh hưởng bão số 5 hiện có hàng nghìn ca F0, F1 nên kịch bản sơ tán dân phải được tính toán chi tiết. Cùng với đó, không để xảy ra các sự cố như vụ sạt lở ở công trình xây dựng thủy điện Rào Trăng 3 (Thừa Thiên-Huế) như trong mùa mưa lũ 2020…
Đà Nẵng hạn chế sơ tán dân tập trung
Kết luận tại cuộc họp chống bão số 5 vào chiều tối 11.9, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng cho hay theo dự báo, lượng mưa tại Đà Nẵng sẽ rất lớn (trên 300 mm). Do đó, các đơn vị, địa phương cần tập trung ứng phó với nguy cơ ngập úng cục bộ ở các khu dân cư, các điểm ngập sâu phải bố trí người trực để cảnh báo người dân di chuyển an toàn.
Đáng chú ý, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng yêu cầu các địa phương cân nhắc kỹ việc sơ tán dân, chỉ xem xét sơ tán những trường hợp mất an toàn do ngập úng. Theo đó, sẽ không sơ tán ồ ạt theo kế hoạch dự kiến, bởi việc sơ tán dân phải kèm theo các điều kiện về phòng chống dịch Covid-19 cùng việc bố trí ở từng phòng, khu vực để đảm bảo giãn cách.
Trong ngày 11.9, Đà Nẵng có thông báo về việc tạm dừng tiêm vắc xin trong ngày 11 - 12.9 để đảm bảo an toàn cho người dân đi lại trong bão. Ngành y tế phải tập trung các công tác phòng chống dịch trong chống bão, nhất là sơ tán dân.
Nhà tốc mái, nhiều nơi bị chia cắt
Chiều 11.9, ông Hồ Quang Bửu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cho biết cho học sinh toàn tỉnh nghỉ học từ chiều 11.9 để phòng tránh khi bão số 5 đổ bộ vào đất liền. Trước 18 giờ cùng ngày, tỉnh sẽ tiến hành sơ tán 95.000 dân. Phương án sơ tán dân bám sát phương án phòng chống dịch Covid-19, ưu tiên di dân tại chỗ.
Các huyện của Quảng Nam gồm: Bắc Trà My, Nam Trà My, Phước Sơn, Tây Giang, Đông Giang… hôm qua có mưa to đến rất to; nước lũ trên thượng nguồn đổ về mạnh gây chia cắt, làm nhiều nơi bị cô lập cục bộ. Các xã vùng cao bị cô lập dùng tời (băng qua sông, suối) để vận chuyển gạo, nhu yếu phẩm tiếp tế bà con. Lũ dâng cao đột ngột cũng khiến nhiều ao cá, hoa màu ở nhiều xã vùng cao bị thiệt hại.
Trong khi đó, đến chiều tối qua, mưa lớn kèm gió mạnh tại Thừa Thiên-Huế khiến 21 ngôi nhà ở H.Phong Điền bị tốc mái, hư hỏng; nhiều điểm sạt lở gây ách tắc giao thông trên tuyến QL49B hướng đi từ xã Lộc Bình, Lộc Trì (H.Phú Lộc) ra QL1. Lực lượng chức năng các địa phương có sự hỗ trợ của công an, quân đội đã tổ chức sơ tán hơn 17.000 hộ dân (hơn 55.000 người) ở vùng xung yếu, nguy cơ cao đến nơi an toàn.
Theo Thanh Niên

Có thể bạn quan tâm