Theo quy định của Luật Bảo hiểm y tế (BHYT), ngành Bảo hiểm Xã hội (BHXH) chịu trách nhiệm thu-chi BHYT. Trong khi đó, việc khám-chữa bệnh (KCB) lại do các cơ sở y tế thực hiện. Vì thế, có những loại vật tư tiêu hao của ngành Y không có trong danh mục BHYT khiến cho các cơ sở y tế KCB hết sức lúng túng.
Càng khám-chữa bệnh… càng lỗ
Bác sĩ Mai Xuân Hải-Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai, cho biết: “Nhiệm vụ của bệnh viện là cứu người. Đối với người dân tộc thiểu số vùng khó khăn, hộ nghèo KCB quên không đem thẻ BHYT như trong trường hợp cấp cứu, bệnh viện vẫn phải thực hiện sứ mệnh cứu người. Vì thế, hiện số tiền 1,7 tỷ đồng bệnh viện đã KCB cho người nghèo nhưng chưa được BHXH thanh toán. Các trường hợp phẫu thuật sọ não BHYT chi trả trên 1,8 triệu đồng nhưng chi phí của bệnh viên lên đến 2,4 triệu đồng...”. Cùng tâm trạng bức xúc nêu trên, bác sĩ Hà Ngọc Hải-Trung tâm Y tế huyện Đức Cơ, đơn cử: “Bảo hiểm y tế thanh toán một đôi găng tay chỉ 2.000 đồng trong khi đó bệnh viện phải mua 6.000 đồng/đôi”.
Khám-chữa bệnh cho trẻ em dưới 6 tuổi. Ảnh: Đinh Yến |
Nhùng nhằng chuyện thanh-quyết toán
“Theo quy định, các ca bệnh liên quan đến tự tử, đánh nhau, tự gây thương tích… đến bệnh viện cấp cứu sẽ không được hưởng BHYT. Trong khi đó, có những trường hợp không có tiền trang trải. Là thầy thuốc, chúng tôi cảm thấy rất áy náy trước những trường hợp như vậy”-bác sĩ Nguyễn Văn Đang-Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Đức Cơ cho biết. Bà Nguyễn Trường Tuyết-Phó Giám đốc Sở Y tế, bức xúc: “Người cấp cứu khâu đa vết thương nhưng BHYT chỉ tính một vết thương. Oái oăm hơn, đội ngũ giám định viên của BHXH thanh-kiểm tra các cơ sở y tế nhưng chuyên môn về ngành y hạn chế dẫn đến có những bệnh nằm trong luật quy định nhưng giám định viên hiểu sai, do vậy việc thanh-quyết toán BHYT cho các cơ sở y tế cũng sai”.
Một số y-bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh nêu thực trạng: Bệnh nhân cấp cứu phải truyền nước thì BHYT chỉ thanh toán bơm tiêm, còn dây dẫn từ bơm tiêm vào bình nước, bông gạt tiệt trùng người bệnh tự mua. Đối với người bị tai nạn giao thông, quy định phải có xác nhận của Cảnh sát Giao thông không vi phạm luật mới được hưởng BHYT. Nhưng hiện Bộ Công an chưa có quy định cấp giấy xác nhận không vi phạm Luật Giao thông Đường bộ cho người bị nạn nên vấn đề này gây nhiều khó khăn cho cơ sở KCB.
Giải pháp gỡ rối?
Về việc thanh-quyết toán BHYT, bác sĩ Mai Xuân Hải đề xuất: Nên chuyển tiền BHYT cho ngành Y tế để thuận lợi hơn trong việc KCB. Nếu thực hiện đồng chi trả thì nên phân loại đối tượng. Hộ nghèo, người dân tộc thiểu số sống ở vùng khó khăn hiện đang phải thực hiện đồng chi trả 5%, hộ cận nghèo là 20% thì nên miễn phí hoàn toàn cho họ theo nguyên tắc “thực thanh thực chi” như trước để người nghèo đỡ vất vả hơn trong việc chăm sóc sức khỏe.
Về việc tồn quỹ hơn 307 tỷ đồng sau 2 năm thực hiện Luật BHYT, ông Thới Văn Đạo-Giám đốc BHXH tỉnh nêu quan điểm: Việc kết dư quỹ BHYT nhiều như vậy là dấu hiệu không vui. Trong thời gian qua, ngành BHXH đã rất nỗ lực trong việc tháo gỡ vướng mắc để thực hiện luật. Bảo hiểm Xã hội tỉnh đã trực tiếp về tận thôn, làng ở 4 huyện để chụp ảnh, làm thẻ BHYT cho từng hộ gia đình nhằm tránh sai sót trong việc cấp phát thẻ nhưng việc làm này đang phải ngưng để chờ ý kiến của BHXH Việt Nam.
Tuy nhiên, những giải pháp này cũng chỉ là tình thế, các cơ sở KCB công lập vẫn đang đợi ngành BHXH và Bộ Y tế có những giải pháp hữu hiệu để công tác KCB được thuận lợi.
Đinh Yến