Ba thế hệ nghệ sĩ chân đất

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Hình ảnh một gia đình Bahnar 3 thế hệ gồm cha, các con, cháu hòa tấu nhạc cụ dân tộc tại Ngày hội văn hóa các dân tộc toàn tỉnh Gia Lai lần thứ II-2023 để lại ấn tượng đẹp trong lòng người mộ điệu văn hóa Tây Nguyên. Đó là hình ảnh những nghệ sĩ chân đất “cháy” hết mình cho tình yêu văn hóa dân tộc.

Gia đình nghệ nhân

Đó là gia đình nghệ nhân Byơh ở làng Bok Ajơl, xã Hà Ra, huyện Mang Yang. Ông cùng các con của mình là chị Y Tan, anh Tum, cháu gái Y Thương, cháu trai Hu Xy chiếm trọn tình cảm của những người yêu mến văn hóa Tây Nguyên bằng các tiết mục hòa tấu nhạc cụ dân tộc lôi cuốn.

3 thế hệ, từ người già nhất đến những đứa trẻ như búp măng non đều chơi thành thạo, điêu luyện các nhạc cụ dân tộc. Các thành viên có thể đổi vị trí để chơi các loại nhạc cụ khác nhau như: t'rưng, klông pút, goong… khiến các tiết mục hòa tấu của gia đình càng mê hoặc khán giả. Đặc biệt, nghệ nhân Byơh cùng các con chế tác toàn bộ nhạc cụ và đem theo biểu diễn.

Anh Tum và con trai Hu Xy bên cây đàn t'rưng. Ảnh: Hoàng Ngọc

Anh Tum và con trai Hu Xy bên cây đàn t'rưng. Ảnh: Hoàng Ngọc

Nghệ nhân Byơh cho biết, ông có 9 người con thì 5 người biết chơi thành thạo và chế tác các loại nhạc cụ dân tộc. Đến thế hệ các cháu nội, ngoại cũng được truyền tình yêu âm nhạc và biết chơi nhạc cụ truyền thống từ khá sớm.

Cậu bé Hu Xy đang học lớp 3 nhưng có thể chơi hàng chục bài nhạc trên dàn trưng cỡ đại. Hình ảnh cậu bé Bahnar hoàn toàn tự tin, làm chủ những nhạc cụ tre nứa với kỹ thuật điêu luyện khiến nhiều người không khỏi trầm trồ.

Ông Lê Thanh Tuyên (146 Cách Mạng Tháng Tám, TP. Pleiku) thán phục: “Tôi thực sự xúc động bởi đây là hình ảnh quá đẹp, hiếm thấy. Họ đúng là những nghệ sĩ từ núi rừng, trình diễn tự nhiên, ngẫu hứng, giúp lan tỏa bản sắc văn hóa đến mọi người. Tôi mong có nhiều dịp như thế này để công chúng có cơ hội thưởng thức giá trị đặc sắc của di sản văn hóa Tây Nguyên”.

Chị Y Tan chia sẻ, vì sinh ra trong gia đình nghèo, lại đông anh em nên từ nhỏ mọi người thường theo cha đi khắp nơi để kiếm sống. “Chúng tôi thường xuyên được cha dẫn vào rừng chặt tre, nứa rồi về làm các loại nhạc cụ, vừa để chơi vừa để bán nếu có người mua. Ông đàn và hát rất hay, thường hát cho con cái nghe nhiều bài dân ca của người Bahnar. Chúng tôi được ông dạy đàn, dạy hát và biết phụ cha làm đàn từ sớm. Tình yêu âm nhạc cứ thế được cha truyền vào mình lúc nào không hay”-chị Y Tan nói.

Biết chơi nhạc cụ từ nhỏ, nhưng chị Y Tan chơi giỏi và yêu thích nhất là đàn trưng. Năm 18 tuổi, chị đã làm được loại đàn từ tre nứa với nhiều kích cỡ. Y Tan cũng là nữ nghệ Bahnar hiếm hoi ở vùng đất Mang Yang biết làm nhạc cụ dân tộc. Đàn trưng do chị làm ra được khách hàng khắp nơi yêu thích. “Cả gia đình đều biết chơi và làm nhạc cụ truyền thống nên hỗ trợ nhau rất nhiều. Có những đơn hàng đặt số lượng 15-20 chiếc, mình cùng em trai, em gái thường lên núi Kmông hoặc đi xa hơn vào rừng tìm nguyên liệu. Nhờ được cha chỉ dạy kinh nghiệm chọn tre, nứa, mây rừng nên bây giờ vào rừng chỉ cần nhìn vào màu sắc thân cây là mình chọn được nguyên liệu phù hợp”-chị cho biết.

Con gái chị là Y Thương hiện đang học lớp 7 không chỉ chơi được nhiều nhạc cụ mà còn có giọng hát trong veo. Em hiện là “hạt nhân” trong phong trào văn nghệ của Trường THCS Hra.

Ba thế hệ của gia đình nghệ nhân Byơh biểu diễn tại Ngày hội văn hóa các dân tộc toàn tỉnh lần thứ II-2023. Ảnh: Hoàng Ngọc

Ba thế hệ của gia đình nghệ nhân Byơh biểu diễn tại Ngày hội văn hóa các dân tộc toàn tỉnh lần thứ II-2023. Ảnh: Hoàng Ngọc

Nơi di sản được trao truyền

Ông Byơh là một nghệ nhân tài hoa đặc biệt, biết chế tác nhiều nhạc cụ dân tộc, thuộc nhiều bài dân ca Bahnar, hiểu biết chi tiết nghi thức trong các lễ hội dân gian. Nếu các con yêu thích chơi nhạc trên đàn trưng thì ông thường gửi tâm tình vào đàn goong. Có những đêm đầy ngẫu hứng, ông cùng các con quây quần trong ngôi nhà đơn sơ dưới chân núi Kmông hòa tấu nhạc cụ đến tận khuya. Tư chất nghệ sĩ của các thành viên trong gia đình Bahnar này làm đời sống văn hóa tinh thần của họ thêm phong phú. “Có lẽ vì vậy mà mình quên đi cuộc sống còn nhiều khó khăn”-nghệ nhân Byơh chia sẻ.

Am hiểu nhiều loại hình nghệ thuật dân gian, năm 2008, nghệ nhân Byơh được thầy Lê Hữu Phong (đã mất)-nguyên Hiệu trưởng Trường THCS Dân tộc Nội trú huyện Mang Yang mời truyền dạy cồng chiêng cho học sinh trong trường.

Thầy mời các nghệ nhân giỏi đến truyền dạy kỹ năng đánh cồng chiêng và trao truyền tri thức văn hóa cho học sinh dân tộc thiểu số.

Đội cồng chiêng của trường nhờ đó gặt hái nhiều thành công trong các sân chơi văn hóa-văn nghệ.

Hoạt động này sau đó được ngành Giáo dục và Đào tạo nhân rộng ở các trường có đông học sinh người dân tộc thiểu số của tỉnh.

Nghệ nhân Byơh hát dân ca Bahnar cùng chiếc đàn goong do ông chế tác. Ảnh: Hoàng Ngọc

Nghệ nhân Byơh hát dân ca Bahnar cùng chiếc đàn goong do ông chế tác. Ảnh: Hoàng Ngọc

Nghệ nhân Byơh còn giúp thầy Lê Hữu Phong thỏa lòng với đam mê văn hóa Bahnar bằng việc sưu tầm, ghi chép dân ca, nghi thức trong lễ hội đâm trâu, bỏ mả, mừng lúa mới…

Nhắc về thầy Phong như một người bạn, nghệ nhân Byơh chia sẻ: “Thầy Phong là người rất tâm huyết với văn hóa Bahnar. Hồi đó, không chỉ mời mình truyền dạy cồng chiêng cho học sinh, thầy còn nhờ mình dạy các em hát dân ca và tổ chức thi để gieo vào lòng học trò tình yêu với văn hóa bản địa. Cũng nhờ thầy Phong mà mình biết cách hướng dẫn, truyền dạy để thế hệ trẻ dễ hiểu, dễ tiếp thu”.

Ông Nguyễn Hữu Hồng-Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa-Thông tin và Thể thao huyện Mang Yang-cho biết: “Ông Byơh là nghệ nhân nổi tiếng của huyện, có nhiều đóng góp cho văn hóa địa phương. Gia đình ông có truyền thống nghệ thuật, yêu ca hát, biết chế tác, biểu diễn nhiều loại nhạc cụ dân tộc. Truyền thống ấy đã góp phần gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa, đồng thời truyền cảm hứng cho cộng đồng thêm yêu quý, trân trọng và bảo vệ di sản. Chúng tôi đang làm hồ sơ đề nghị công nhận danh hiệu nghệ nhân ưu tú để ghi nhận những đóng góp của ông”.

Có thể bạn quan tâm

'No cái bụng' nhờ cánh đồng thanh niên

'No cái bụng' nhờ cánh đồng thanh niên

Cây lúa từ "cánh đồng thanh niên" không chỉ mang lại sự no đủ cho hàng trăm người dân Giẻ Triêng ở huyện vùng cao Quảng Nam, mà còn giúp bao nhiêu người vươn lên thoát nghèo. Trong hành trình đặt nền móng cho cây lúa nước nơi vùng đất gian khó này, sức trẻ đã in dấu đậm nét.

Học sinh Trường THPT chuyên Hùng Vương thuyết trình về tranh vẽ chủ đề 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam. Ảnh: M.N

“Tiếp lửa” truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ

(GLO)- Để đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) hiểu rõ về truyền thống 80 năm vẻ vang của Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944-22/12/2024), các tổ chức Đoàn-Hội-Đội trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã triển khai chuỗi hoạt động ý nghĩa nhằm khơi dậy tinh thần trách nhiệm, lòng tự hào dân tộc trong thế hệ trẻ.

Gia Lai đẩy mạnh truyền thông về công tác dân số

Gia Lai đẩy mạnh truyền thông về công tác dân số

(GLO)- Theo Chi cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình tỉnh Gia Lai, Tháng Hành động Quốc gia về dân số (tháng 12) và Ngày Dân số Việt Nam 26-12 năm nay có chủ đề "Nâng cao chất lượng dân số để đất nước phồn vinh, gia đình hạnh phúc". Tỉnh Gia Lai sẽ đẩy mạnh truyền thông trong tháng hành động.

Khởi nghiệp 'không đụng hàng'

Khởi nghiệp 'không đụng hàng'

Từ những thực vật hoang dại, nhưng với sự sáng tạo và bàn tay khéo léo, nhiều startup đã cho ra đời những sản phẩm bất ngờ. Không chỉ nâng tầm giá trị tài nguyên sẵn có, họ còn tạo cơ hội đưa sản phẩm vươn xa.

Cô giáo Gen Z truyền cảm hứng học tiếng Anh cho học sinh Pleiku

Cô giáo Gen Z truyền cảm hứng học tiếng Anh cho học sinh Pleiku

(GLO)- Với tấm bằng IELTS 8.0, Mai Ngọc Anh (SN 2000)-Chủ nhiệm Câu lạc bộ tiếng Anh TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai) đã truyền cảm hứng học tập cho nhiều học sinh ở TP. Pleiku. Nhiều hoạt động hướng về cộng đồng được cô giáo Gen Z triển khai giúp thanh thiếu nhi có thêm những kỹ năng giao tiếp bổ ích.