55 triệu thẻ do NH phát hành là thẻ "rác" và hệ lụy có thật

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Có tới 55 trên tổng số 132 triệu thẻ do các ngân hàng phát hành hiện đang là thẻ rác. Điều này không chỉ khiến tốn kém chi phí, gây khó khăn trong việc quản lý mà còn có thể gây nhiều hệ lụy cho khách hàng.

 



40% thẻ ngân hàng là thẻ “rác”

Chị Nguyễn Thị Thu Hương, công nhân một công ty tại Khu công nghiệp Bắc Thăng Long (huyện Đông Anh, TP Hà Nội) hiện đang sở hữu tới 5 chiếc thẻ ngân hàng các loại, trong khi chị chỉ thường xuyên sử dụng 1 chiếc thẻ mà công ty đang trả lương. Chị Nguyễn Thị Thu Hương cho biết, ngày đang học đại học, có ngân hàng đến tận trường mời các sinh viên mở thẻ miễn phí, chỉ phải đóng một khoản tiền để duy trì tài khoản nên chị đã mở 1 thẻ ATM. Tuy nhiên do mới ra trường thu nhập chưa cao nên chị gần như không sử dụng đến chiếc thẻ này, chỉ một vài lần gia đình cần gửi tiền gấp thì chị mới sử dụng đến.

Khi chị đi làm, công ty trả lương qua tài khoản của một ngân hàng khác nên chị có thêm một chiếc thẻ mới. Ngân hàng này sau đó mời mở thêm thẻ Visa nên hầu hết lao động ở công ty có thêm một chiếc thẻ Visa nữa. Được 3 năm, công ty lại đổi ngân hàng trả lương nên đồng loạt làm lại thẻ. Mới đây, chị Nguyễn Thị Thu Hương chuyển sang công ty khác và đồng nghĩa chị lại phải làm một chiếc thẻ mới.

 

“Nguyên nhân khiến lượng thẻ “rác” ngày càng nhiều là do các ngân hàng phát hành mới mỗi năm để đạt chỉ tiêu nhưng lại không tính trên số lượng thẻ hoạt động thật sự. Lẽ ra số thẻ chưa kích hoạt phải được trừ đi, nhưng các ngân hàng lại cộng dồn khiến lũy kế thẻ tung ra ngày càng lớn. Ngoài ra, các trung tâm thẻ một ngân hàng cho rằng tình trạng các doanh nghiệp thay đổi ngân hàng trả lương cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến gia tăng thẻ “rác”.

Ông Đào Minh Tuấn (Chủ tịch Hội thẻ Việt Nam)

“Tuy có tới 5 chiếc thẻ trong ví nhưng tôi gần như chỉ sử dụng 1 chiếc do công ty hiện đang trả lương. Vì không có nhu cầu sử dụng, trong khi hàng tháng vẫn bị trừ phí SMS Banking và phí quản lý thẻ nên tôi có gọi điện đến tổng đài yêu cầu khóa nhưng tổng đài cho biết tôi phải trực tiếp đến ngân hàng, đồng thời phải trả khoản phí chấm dứt sử dụng thẻ 50.000 đồng. Tuy nhiên, do bận rộn nên tôi cũng chưa đến được”, chị Nguyễn Thị Thu Hương cho biết.

Tình trạng 1 người sở hữu hơn 1 chiếc thẻ ngân hàng nhưng không có nhu cầu sử dụng đến như chị Nguyễn Thị Thu Hương hiện ngày càng phổ biến. Theo thống kê của Hội Thẻ ngân hàng, tính đến năm 2017, cả nước có 132 triệu thẻ ngân hàng các loại. Như vậy, tính sơ mỗi người dân Việt Nam từ em bé mới sinh đến các cụ già, mỗi người đang sở hữu trung bình gần 1,5 thẻ.

Đáng nói, trong số này, chỉ có 77 triệu thẻ hoạt động, còn lại 55 triệu là thẻ “rác”. Dù vậy, hiện nay các ngân hàng, tổ chức tín dụng vẫn đua nhau phát hành thêm thẻ các loại. Chỉ tính riêng từ đầu năm 2018 đến nay, cả nước đã có thêm khoảng 15,6 triệu thẻ.

Sở dĩ, số lượng thẻ ngân hàng tăng nhanh là do đa phần các ngân hàng đều muốn mở rộng số lượng khách hàng. Việc mở thẻ là một trong những cách để ngân hàng tiếp cận thông tin về khách hàng, đồng thời thu hút khách hàng sử dụng các dịch vụ khác. Chính vì vậy, các ngân hàng đã sử dụng nhiều cách để gia tăng lượng thẻ được phát hành như miễn giảm phí phát hành đối với những đối tượng khách hàng đặc biệt hoặc các doanh nghiệp có lượng công nhân nhận lương qua tài khoản lớn, áp chỉ tiêu đến từng cán bộ...

Điều này dẫn đến số lượng thẻ phát hành ra quá lớn so với nhu cầu sử dụng của người dân. Theo ông Đào Minh Tuấn, Chủ tịch Hội thẻ Việt Nam, nguyên nhân khiến lượng thẻ “rác” ngày càng nhiều là do các ngân hàng phát hành mới mỗi năm để đạt chỉ tiêu nhưng lại không tính trên số lượng thẻ hoạt động thật sự. Lẽ ra số thẻ chưa kích hoạt phải được trừ đi, nhưng các ngân hàng lại cộng dồn khiến lũy kế thẻ tung ra ngày càng lớn.

Ngoài ra, các trung tâm thẻ một ngân hàng cho rằng tình trạng các doanh nghiệp thay đổi ngân hàng trả lương cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến gia tăng thẻ “rác”. Để tăng lượng phát hành thẻ, các ngân hàng thường có các chương trình ưu đãi để lôi kéo doanh nghiệp trả lương qua thẻ của ngân hàng mình. Khi doanh nghiệp thay đổi ngân hàng trả lương cũng đồng nghĩa hầu hết số thẻ được phát hành cho doanh nghiệp này sẽ không còn được sử dụng.


 

Tình trạng 1 người có nhiều thẻ ngân hàng nhưng không sử dụng ngày càng phổ biến
Tình trạng 1 người có nhiều thẻ ngân hàng nhưng không sử dụng ngày càng phổ biến




Những hệ lụy không nhỏ

Theo một số chuyên gia, việc phát hành thẻ tràn lan dẫn tới số lượng thẻ không sử dụng ngày càng gia tăng sẽ gây tốn kém chi phí. Điều này đúng trên bình diện toàn nền kinh tế, sự lãng phí do thẻ “rác” cho xã hội là có thật. Tuy nhiên, thực tế các ngân hàng có thực sự chịu tốn phí vì hoạt động phát hành thẻ tràn lan hay không lại là vấn đề khác.

Hiện tại, hầu hết các ngân hàng đều không công bố chi phí phát hành thẻ vì điều này thuộc về “bí mật kinh doanh”. Tuy nhiên, nhìn vào mức phí phát hành thẻ các ngân hàng đang niêm yết thì phổ biến ở mức 30.000-50.000 đồng với thẻ ghi nợ nội địa (ATM), có thể rẻ hơn đối với các doanh nghiệp có lượng phát hành thẻ lớn. Đối với thẻ ghi nợ quốc tế và các thẻ đồng thương hiệu, mức phí phát hành dao động 50.000 đến 250.000 đồng/thẻ tùy loại...

Đó là chưa kể, đa phần các ngân hàng đều đòi hỏi một khoản tiền để duy trì tài khoản, vào khoảng 50.000-100.000 đồng. Số tiền này, khách hàng không thể thanh toán hay rút ra được, dù có hủy, ngưng sử dụng dịch vụ thẻ. “Vì vậy, người tốn phí chủ yếu ở đây là khách hàng chứ không hẳn là các ngân hàng. Bài toán phát hành thẻ lời hay lỗ chắc chắn đã được các ngân hàng tính đến, nếu lỗ thì họ đã không làm vì họ hoàn toàn có thể nắm được số lượng thẻ không được sử dụng” - một chuyên gia ngân hàng cho biết.

Tốn kém chi phí đã đành, việc các ngân hàng phát hành thẻ tràn lan còn có thể gây nhiều hệ lụy cho khách hàng. Chẳng hạn như một số loại thẻ dù khách hàng không có nhu cầu sử dụng mà không hủy dịch vụ thì ngân hàng sẽ vẫn thu một số loại phí như phí thường niên và các loại phí mà khách hàng đăng ký sử dụng dịch vụ trước đó. Đặc biệt, đối với thẻ tín dụng, khoản nợ phí thường niên nếu không thanh toán thậm chí còn được xem như nợ vay quá hạn, gây phát sinh lãi và thậm chí trở thành nợ xấu.

Đáng nói, việc phát hành thẻ dễ dãi còn dễ dàng khiến các đối tượng lừa đảo lợi dụng để làm công cụ phạm tội. Ngân hàng Nhà nước mới đây đã phải lên tiếng cảnh báo về tình trạng sử dụng giấy tờ giả đăng ký làm thẻ ATM, tài khoản thanh toán tại ngân hàng rồi đem bán lại. Đồng thời, cơ quan này cũng đã phải có văn bản số yêu cầu các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán rà soát, đánh giá lại toàn bộ quy trình, thủ tục, hồ sơ đề nghị phát hành và sử dụng thẻ ngân hàng, mở và sử dụng thẻ thanh toán; kiểm tra và giám sát chặt chẽ đảm bảo quy trình được thực hiện đúng và tuân thủ quy định pháp luật hiện hành.

Đặc biệt, tăng cường các biện pháp kiểm tra, nhận biết, xác minh và cập nhật thông tin khách hàng để phát hiện, xử lý các trường hợp mạo danh sử dụng giấy tờ giả để mở và sử dụng tài khoản thanh toán, đề nghị phát hành và sử dụng thẻ ngân hàng, đặc biệt đối với trường hợp khách hàng đăng ký phát hành nhiều thẻ ngân hàng. Đánh giá, phân loại khách hàng theo mức độ rủi ro và cân nhắc giới hạn số lượng tài khoản thanh toán, thẻ ngân hàng mở cho một khách hàng và áp dụng hạn mức giao dịch tương ứng.

Tuy nhiên, để tránh các phiền phức, hệ lụy liên quan đến thẻ “rác”, khách hàng cần phải tỉnh táo trước những lời chào mở thẻ ATM, không nên mở quá nhiều thẻ mà không sử dụng đến, càng không đứng tên mở thẻ giúp. Nếu không sử dụng thì nên làm thủ tục đóng thẻ và các dịch vụ liên quan để tránh phát sinh phí.

Hà Loan (ANTD)

Có thể bạn quan tâm

Ngành Thuế Chư Pưh tiếp tục đôn đốc, khai thác tốt các nguồn thu

Ngành Thuế Chư Pưh tiếp tục đôn đốc, khai thác tốt các nguồn thu

(GLO)- Đến thời điểm này, huyện Chư Pưh đã thu được gần 29 tỷ đồng nộp ngân sách, đạt khoảng 120% dự toán tỉnh và HĐND huyện giao (trừ tiền sử dụng đất). Từ nay đến hết năm 2024, ngành Thuế huyện tiếp tục triển khai các giải pháp để quản lý thuế, chống thất thu cũng như khai thác tốt các nguồn thu.

Tiếp tục giảm 2% thuế VAT tới 1.7.2025

Tiếp tục giảm 2% thuế VAT tới 1.7.2025

Quốc hội đồng ý tiếp tục giảm 2% thuế VAT trong nửa đầu năm 2025; đồng thời yêu cầu chấm dứt việc miễn thuế với hàng giá trị dưới 1 triệu nhập khẩu qua các sàn thương mại điện tử như Shopee, Temu.

Tập huấn kiểm kê tài sản công

Tập huấn nghiệp vụ tổng kiểm kê tài sản công

(GLO)- Ngày 28 và 29-11, Sở Tài chính tỉnh Gia Lai phối hợp với Cục Quản lý Công sản (Bộ Tài chính) tập huấn nghiệp vụ tổng kiểm kê tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị, tài sản kết cấu hạ tầng do Nhà nước đầu tư, quản lý thuộc phạm vi quản lý của tỉnh Gia Lai.