Gia Lai: Nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Chưa bao giờ, nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư lại được tỉnh ta quan tâm và đẩy mạnh đến vậy. Mới đây, tỉnh đã triển khai việc đánh giá năng lực cạnh tranh ở tất cả các sở, ngành, địa phương. Đây có thể coi là động thái để các sở, ban, ngành, địa phương bước vào cuộc đua nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh trên toàn tỉnh.

Thất thường thứ hạng các chỉ số thành phần PCI

Qua bảng xếp hạng các chỉ số thành phần năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2015, tỉnh ta có 6/10 chỉ số thành phần thấp hơn điểm trung vị của cả nước, đó là chỉ số chi phí gia nhập thị trường, tính minh bạch và tiếp cận thông tin, chi phí về thời gian để thực hiện các quy định của nhà nước, chi phí không chính thức, tính năng động và tiên phong của lãnh đạo và đào tạo lao động. So với năm 2014, tỉnh có 4 chỉ số tụt hạng là tính minh bạch và tiếp cận thông tin (giảm 0,31 điểm, tụt 19 bậc), cạnh tranh bình đẳng (giảm 0,45 điểm, tụt 4 bậc), dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp (giảm 0,08 điểm, tụt 2 bậc) và đào tạo lao động (giảm 0,22 điểm, tụt 8 bậc).

 
  Doanh nghiệp sẽ trực tiếp đánh giá mức độ hài lòng của mình đối với hoạt động của các sở, ban, ngành và địa phương. Ảnh: H.D
Doanh nghiệp sẽ trực tiếp đánh giá mức độ hài lòng của mình đối với hoạt động của các sở, ban, ngành và địa phương. Ảnh: H.D

Nguyên nhân của sự lên xuống thứ hạng các chỉ số thành phần ấy là do tỉnh đưa ra nhiều giải pháp để cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh nhưng chưa kịp thời (đến ngày 22-9-2015, UBND tỉnh mới ban hành kế hoạch hành động số 4135/KH-UBND về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh trong 2 năm 2015-2016). Bên cạnh đó,”tỉnh cũng chưa xây dựng được hệ thống một cửa liên thông hiện đại toàn tỉnh, chưa xây dựng được quy chế phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương trong việc giải quyết các thủ tục hành chính cho doanh nghiệp. Sự phối hợp của lãnh đạo các cấp, ngành, địa phương chưa đồng bộ; trách nhiệm của người đứng đầu các bộ phận trực tiếp giải quyết hồ sơ chưa cao”-ông Hồ Phước Thành-Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư nhận định.

Ngoài ra, việc đối thoại giữa các cấp, ngành với doanh nghiệp chưa thường xuyên. Công tác thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp chưa được phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, ngành; chưa chấp hành đúng quy định của Luật Thanh tra; kế hoạch kiểm tra doanh nghiệp còn chồng chéo. Một nguyên nhân nữa là hệ thống giáo dục phổ thông, giáo dục hướng nghiệp, dạy nghề còn thiếu và yếu. Việc đào tạo lao động cho doanh nghiệp chưa gắn với địa chỉ và nhu cầu. Thông tin trên website của các sở, ngành, địa phương chưa phong phú và thiết thực đối với doanh nghiệp muốn tìm hiểu để tìm kiếm cơ hội đầu tư; nhiều thông tin còn sơ sài, chưa đi vào phân tích cụ thể.

Khảo sát năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành, địa phương

Muốn không bị tụt hậu, các cấp, các ngành và địa phương xác định việc cải thiện môi trường kinh doanh phải thay đổi từ tư duy đến cách tiếp cận, từ chính sách đến tổ chức xúc tiến đầu tư. Đặc biệt, người lãnh đạo phải luôn coi hiệu quả của doanh nghiệp là sự phát triển của tỉnh và giải quyết triệt để những vướng mắc, tạo điều kiện để doanh nghiệp hoạt động hiệu quả. Chính vì vậy, việc triển khai thực hiện khảo sát chính thức năng lực điều hành của các sở, ban, ngành và chính quyền các địa phương là điều vô cùng cần thiết.

Mục đích thực hiện khảo sát là thăm dò mức độ hài lòng của nhà đầu tư, doanh nghiệp đang đầu tư, hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh để trên cơ sở đó nghiên cứu giải pháp nhằm nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh những năm tiếp theo, đồng thời đề xuất giải pháp chấn chỉnh, khắc phục những hạn chế, tồn tại của những lĩnh vực được khảo sát. Đồng thời tạo sự cạnh tranh, thi đua về chất lượng điều hành của các địa phương và các sở, ngành thuộc tỉnh, từ đó tạo động lực cải cách hành chính quyết liệt, đồng bộ trong việc nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến nhà đầu tư, doanh nghiệp, tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh ở mọi lĩnh vực. Đây cũng là cách để tạo ra kênh thông tin phản hồi rộng rãi, minh bạch và tin cậy để nhà đầu tư, doanh nghiệp tham gia đóng góp ý kiến đối với chính quyền địa phương và năng lực điều hành của các sở, ban, ngành, địa phương.

Các thông tin yêu cầu doanh nghiệp đánh giá đối với các sở, ban, ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh (tới hết tháng 12-2016) gồm: Nhận xét về cổng thông tin điện tử; nhận xét chất lượng dịch vụ 1 cửa trong tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính; nhận xét về hoạt động soạn thảo, xây dựng dự thảo các văn bản pháp luật; liệt kê ra các văn bản pháp luật đã ban hành gây khó khăn cho hoạt động của doanh nghiệp; hoạt động công khai, tuyên truyền và phổ biến pháp luật; công tác thi hành và thực thi pháp luật; mức độ hài lòng của doanh nghiệp đối với tính năng động của các sở, ban, ngành; đánh giá về lãnh đạo của các sở, ban, ngành; hoạt động thanh-kiểm tra...

Tin rằng, kết quả thực hiện khảo sát chính thức năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành, địa phương sẽ là cơ sở để UBND tỉnh xác định các biện pháp phù hợp nhằm thúc đẩy cải thiện môi trường kinh doanh của tỉnh trong thời gian tới.

 Hà Duy

Có thể bạn quan tâm

'Lên dây cót' cho điện

'Lên dây cót' cho điện

"Không để thiếu điện cho sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng trong bất cứ hoàn cảnh, trường hợp nào, nhất là vì lý do chủ quan từ công tác điều hành", đó là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong cuộc họp cuối tuần qua.
Bộ Công thương thí điểm tính giá điện 2 thành phần, tiền điện ảnh hưởng ra sao?

Bộ Công thương thí điểm tính giá điện 2 thành phần, tiền điện ảnh hưởng ra sao?

Giá bán điện 2 thành phần có nhiều ưu thế vượt trội với mục tiêu tính đúng, tính đủ chi phí mà người tiêu dùng điện gây ra cho hệ thống. Bộ Công thương khẳng định, thí điểm cần thiết để đánh giá, tính toán được khoản tiền điện chênh lệch giữa biểu giá điện hiện hành và biểu giá điện 2 thành phần.