Còn thiếu sự gắn kết trách nhiệm trong công tác quản lý và bảo vệ rừng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Thời gian qua, vấn nạn cháy rừng, phá rừng, khai thác rừng trái phép đã trở thành tâm điểm của dư luận trên địa bàn tỉnh Gia Lai. Cuộc chiến giữ rừng đang ngày càng phức tạp trong khi rừng vẫn đang bị đe dọa từng ngày. Điều này cho thấy công tác quản lý, bảo vệ rừng vẫn còn gặp nhiều khó khăn và thách thức.

Ảnh: M.Thi
Ảnh: M.Thi

Phóng viên Báo Gia Lai Online đã có cuộc trao đổi với ông Kpă Thuyên-Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT về vấn đề này.

-P.V: Thưa ông, từ đầu năm đến nay, Gia Lai đã xảy ra bao nhiêu vụ vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng? Tổng thiệt hại và cách xử lý như thế nào?

Ông Kpă Thuyên: Từ đầu năm đến nay, qua công tác tuần tra, kiểm tra, lực lượng Kiểm lâm và các cơ quan chức năng đã phát hiện 549 vụ vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng. Trong đó: 14 vụ phá rừng trái phép với tổng diện tích thiệt hại là 22,83 ha; 34 vụ vi phạm về khai thác rừng; 4 vụ cháy rừng thiệt hại 411,1 ha; 467 vụ mua bán, vận chuyển, cất giấu lâm sản trái phép; 3 vụ vi phạm quy định về quản lý, bảo vệ động vật hoang dã; 7 vụ vi phạm quy định về chế biến gỗ và 21 vụ vi phạm khác.

Đến thời điểm này, chúng tôi đã xử lý được 508 vụ vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng. Tuy nhiên, phần lớn các vụ vi phạm đều ở mức xử phạt hành chính (498 vụ). Đối với những vụ vi phạm có thủ đoạn chặt phá, lấn chiếm rừng một cách tinh vi và phức tạp, các đối tượng vi phạm tổ chức thành băng nhóm, lợi dụng sơ hở để xâm nhập vào rừng để chặt cây lấy gỗ với số lượng lớn sẽ bị đưa ra xem xét khởi tố hình sự. Vừa qua, đã có 10 vụ vi phạm bị khởi tố hình sự nhưng tất cả 10 vụ này đều đang trong giai đoạn điều tra, chưa truy tố và xét xử.

-P.V: Trong 6 tháng đầu năm, Gia Lai liên tục xảy ra các vụ vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, cháy rừng với mức độ nghiêm trọng. (Đáng kể như cánh rừng gỗ hương quý hiếm bị hạ trong khu rừng thuộc lâm phần quản lý của Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Krông Pa, nhiều ha rừng trồng tại huyện Chư Pah bị cháy rụi, rừng trồng bị triệt hạ vô tội vạ tại Mang Yang, vụ phát hiện đường dây gỗ lậu “khủng” tại Ia Grai…). Ông nhận định như thế nào về tình hình quản lý, bảo vệ rừng trong thời gian vừa qua?

Ông Kpă Thuyên: Mặc dù công tác quản lý, bảo vệ rừng (QLBVR) trên địa bàn tỉnh trong thời gian 6 tháng đầu năm có nhiều chuyển biến tích cực, song nhìn chung vẫn còn những hạn chế, yếu kém nhất định, thể hiện qua thực tế như:

Tình hình phá rừng, lấn chiếm đất rừng làm nương rẫy ở các huyện Đức Cơ, Chư Pah, Đak Đoa vẫn còn tiếp diễn và trở thành thách thức lớn đối với các ngành chức năng trong việc kiểm soát. Vụ cánh rừng gỗ hương quý hiếm bị hạ trong khu rừng thuộc lâm phần quản lý của Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Krông Pa vào đầu năm 2013 đã thực sự làm “nóng” dư luận. Đây là một vụ phá rừng, triệt hạ gỗ quý hiếm lớn nhất từ trước tới nay và là một vụ vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng nghiêm trọng. Mặc dù cơ quan chức năng thường xuyên phối hợp tiến hành tuần tra, kiểm soát nhưng cũng không thể kiểm soát hết và lộ rõ nhiều sơ hở nên đã dẫn đến tình trạng phá rừng nặng nề.  
 

Ảnh: M.Thi
Tan hoang. Ảnh: M.Thi

Từ những vụ phá rừng thông trồng ở huyện Mang Yang, cháy rừng trồng ở Chư Pah, hay tình hình khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép từ các tỉnh giáp ranh và Camphuchia ở các huyện Đức Cơ, Ia Grai, Chư Pưh cho thấy: Công tác phổ biến pháp luật, tuyên truyền, vận động toàn dân tham gia bảo vệ rừng chưa có sự vào cuộc của hệ thống chính trị ở cơ sở. Hình thức tuyên truyền chủ yếu là tổ chức các hội nghị, họp dân ở thôn, làng... nên công tác vận động các tầng lớp nhân dân còn hạn chế, chưa làm chuyển biến mạnh mẽ nhận thức của người dân về nghĩa vụ quản lý bảo vệ rừng. Tình hình vi phạm lâm luật còn diễn ra dưới nhiều hình thức dẫn tới việc khó kiểm soát. Cháy rừng mùa khô vẫn còn diễn biến khá phức tạp ở một số địa phương và đòi hỏi các ngành chức năng phải luôn trong tâm thế sẵn sàng ứng phó.

Mới đây nhất là vụ vận chuyển gỗ trái phép từ huyện Sa Thầy (Kon Tum) được tập kết tại bến sông làng Tung (xã Ia Khai-huyện Ia Grai). Qua việc phát hiện đường dây gỗ lậu có quy mô lớn này, cho thấy sự phối hợp của một số đơn vị chủ rừng, chính quyền xã và các ngành chức năng Hạt Kiểm lâm còn thiếu sự gắn kết trách nhiệm, mạnh ai nấy làm. Khi lực lượng bị phân tán thì không thể tạo được sức mạnh tổng hợp trong công tác quản lý bảo vệ rừng. Điều này dẫn đến việc quản lý địa bàn lỏng lẻo, không đủ khả năng kiểm soát, ngăn chặn tình hình vi phạm, đối với những vụ việc phức tạp không xử lý được đến nơi, đến chốn.

-P.V: Theo ông, Gia Lai cần có những giải pháp quản lý, bảo vệ rừng như thế nào để mang lại hiệu quả?

Ông Kpă Thuyên: Theo tôi, ngoài những giải pháp đã đề ra như tuyên truyền, giáo dục, tăng cường công tác hoạt động của kiểm lâm, xây dựng phương án phòng cháy chữa cháy rừng cho từng khu vực, tăng cường công tác phối hợp giữa lực lượng Kiểm lâm với các đơn vị chức năng thường xuyên triển khai truy quét tại các điểm nóng, các tụ điểm phá rừng trái pháp luật… thì chúng ta cần phải có sự đồng bộ và gắn kết trách nhiệm với nhau trong công tác quản lý bảo vệ rừng.
 

Ảnh: M.Thi
Gỗ và phương tiện vận chuyển bị các cơ quan chức năng bắt giữ. Ảnh: M.Thi

Trước mắt cần củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy các ban quản lý rừng phòng hộ. Người lãnh đạo phải có năng lực và tinh thần trách nhiệm cao, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ thực tiễn đặt ra trong công tác quản lý bảo vệ rừng. Chỉ đạo các ban quản lý rừng rà soát, đánh giá lại chất lượng đội ngũ công chức, viên chức và người lao động của đơn vị; kịp thời củng cố, sắp xếp và phân công nhiệm vụ một cách phù hợp, bảo đảm phát huy được nhiệm vụ bảo vệ rừng tại gốc. Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 3714/CT-BNN-TCLN ngày 15-12-2011 của Bộ Nông nghiệp và PTNT, Công văn số 4146/UBND-NL ngày 20-12-2011 của UBND tỉnh về việc tăng cường chấn chỉnh hoạt động của lực lượng Kiểm lâm; đặc biệt quan tâm củng cố, kiện toàn, nâng cao năng lực thực thi nhiệm vụ của đội ngũ công chức Kiểm lâm địa bàn.

-P.V: Cảm ơn ông!

Trần Dung (thực hiện)

Có thể bạn quan tâm

“Tiếp sức” cho doanh nghiệp phát triển

“Tiếp sức” cho doanh nghiệp phát triển

(GLO)- Hàng loạt hoạt động hỗ trợ được tỉnh Gia Lai triển khai thời gian qua đã tiếp thêm niềm tin cho cộng đồng doanh nghiệp khôi phục và phát triển sản xuất kinh doanh. Đi kèm với đó, số doanh nghiệp thành lập mới cũng như hoạt động trở lại ngày càng nhiều.
Điều chuyển hơn 57 tỷ đồng trồng rừng thay thế

Điều chuyển hơn 57 tỷ đồng trồng rừng thay thế

(GLO)- Cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và PTNT) vừa có công văn đề nghị UBND các tỉnh, TP. Hà Nội và đơn vị liên quan chỉ đạo, thông báo các chủ dự án nộp hơn 57,3 tỷ đồng tiền trồng rừng thay thế để điều chuyển cho tỉnh Gia Lai kịp thời trồng rừng.
Giá hồ tiêu xuất khẩu của Việt Nam xếp chót bảng

Giá hồ tiêu xuất khẩu của Việt Nam xếp chót bảng

(GLO)- 4 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam đạt 83.783 tấn, trị giá 353 triệu USD, giảm 18,3% về lượng nhưng tăng 11,5% về giá trị so với cùng kỳ năm 2023. Song, giá hồ tiêu của Việt Nam xếp chót bảng so với nhiều nước.
Dựa vào dân để giữ rừng

Dựa vào dân để giữ rừng

(GLO)- Thời gian qua, các địa phương, đơn vị chủ rừng trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã đẩy mạnh triển khai công tác giao đất, giao rừng cho cộng đồng dân cư và cá nhân sống gần rừng.