Thông tin thêm về cuộc vượt ngục cách đây hơn nửa thế kỷ tại Gia Lai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Báo Gia Lai, số ra các ngày 22, 23 và 24-12-2008, có bài Sáng ngời phẩm chất của những người cộng sản viết về cuộc vượt ngục của 93 tù nhân chính trị tại tỉnh ta. Ngay sau khi báo đăng, chúng tôi đã nhận được những phản hồi tích cực. Dựa trên tư liệu mới thu thập, trân trọng gửi đến quí độc giả thêm một số thông tin về sự kiện này.

Tóm lược sự kiện

Văn bản số 795-VP/PK/M ngày 12-6-1958 của Tỉnh trưởng Pleiku viết: Tổng số tù chính trị tại Quân khu 3 có trên 600 người. Trừ số bị nhốt tại hai Trung tâm Huấn chính Pleiku (Nhà lao Pleiku - NV) và Phú Thạnh (Bình Định), số đi làm ở dinh điền Tân Lạc hoặc khổ sai tại các công trường khác, còn có 93 người “xây đắp” sân bay Chứ Drông (Đức Cơ ngày nay). Cai quản công trường này là một đơn vị thuộc Trung đoàn 181, đặt dưới sự chỉ huy của Trung úy Rahlan Neang, Chuẩn úy Ksor Do cùng 4 hạ sĩ quan và 29 lính, tất cả đều là người dân tộc thiểu số; được trang bị 2 trung liên, 2 carbines, 11 tiểu liên, 16 garant, 2 súng lục, 1 máy truyền tin SCR, 2 xe G.M.C…

Dấu tích Nhà lao Pleiku xưa còn sót lại.
Dấu tích Nhà lao Pleiku xưa còn sót lại. Ảnh: N.Q.T
Chiều 7-6-1958, trước lúc xảy ra sự kiện, địch sắp xếp công việc cho tù nhân như sau: 70 người đi nhặt cành khô, chặt cây do 12 binh sĩ canh giữ; 10 người đi gánh nước có 2 lính kèm; 8 người đi lấy củi khô, 2 lính canh; 5 người nấu bếp có 4 lính  gác. Số lính còn lại hoặc làm việc tại văn phòng cùng Chỉ huy trưởng hoặc nằm nghỉ trong lều. Khoảng 16 giờ 30, sau khi nghe một tiếng súng nổ, tất cả các vị trí đều bị “chính trị phạm” tiếp cận. Quân địch không kịp trở tay và chỉ độ 20 phút sau, tù chính trị đã làm chủ hoàn toàn nơi này. Trừ một số hoảng sợ, trốn vào rừng, 18/35 sĩ quan, binh sĩ ngụy (cả chỉ huy trưởng và phó) đều bị tước vũ khí, trói vào gốc cây. Phía ta có một người hi sinh- ông Võ Văn Ngân, 41 tuổi. Sau khi tịch thu phần lớn vũ khí, tù chính trị băng qua biên giới, sang Campuchia. Cuộc vượt ngục chớp nhoáng khiến Pleiku (và Sài Gòn) rúng động. Liên tiếp trong các ngày 8, 9 và 12-6-1958, Tỉnh trưởng Pleiku đã có 3 mật điện gửi lên cấp trên. Hàng loạt cuộc hành quân, bố ráp được địch thực hiện cấp thời nhưng vô hiệu.

Cảnh tra tấn trong Nhà lao Pleiku trước 1975 (mô hình).
Cảnh tra tấn trong Nhà lao Pleiku trước 1975 (mô hình).
Tháng 9 năm 1963, từ Campuchia, những người tù yêu nước lại một lần nữa vượt ngục. Phần lớn trong số họ thoát, trở về hoạt động cách mạng, một số người không may đã hi sinh hoặc bị bắt, đày ra Côn Đảo. Đất nước thống nhất đã hơn 30 năm, nhưng những thông tin liên quan đến gần 100 chiến sĩ nói trên vẫn còn nhiều điểm chưa được làm rõ. Nhiều câu hỏi không dễ trả lời đã khiến chúng ta trăn trở suốt thời gian qua.

Thông tin mới từ nhân chứng sống

Qua thông tin về liệt sĩ Trần Văn Đắc (người đã vượt ngục năm 1958), chúng tôi làm quen với anh Hòa (con ông Đắc, quê ở Sóc Trăng). Sau đó, khi Gia Lai đăng loạt bài trên, qua anh Hòa, chúng tôi may mắn được biết thêm một trong số 93 người vượt ngục Chứ Drông ngày ấy. Đó là ông Nguyễn Văn Nốp (77 tuổi) hiện nghỉ hưu tại xã Hưng Nhượng, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre (trong bản danh sách do địch lập năm 1958, ở số thứ tự 33, tên ông được ghi là Nop, tức Cho, 26 tuổi). Sau nhiều lần điện đàm và thư từ, những thông tin do ông Nốp cung cấp đã giúp chúng tôi hiểu thêm một số chi tiết liên quan đến cuộc vượt ngục này:

Cuộc vượt ngục ngày 7-6-1958 là do những người tù chính trị ở công trường Chứ Drông tổ chức, thực hiện, hoàn toàn không có lực lượng nội và ngoại ứng hỗ trợ. Ông Ngô Thành, cán bộ lão thành cách mạng Gia Lai xác nhận điều này. Đây cũng không phải là một cuộc đào thoát đột xuất hay tự phát mà đã được chuẩn bị kĩ lưỡng, trong khoảng gần hai tháng. Theo ông Nốp, để đảm bảo thành công, những người lãnh đạo (đứng đầu là ông Võ Văn Thành) đã thống nhất phương án: 3 người tù bắt một lính canh. Sau khi bắt trói lính canh (số gác ngoài rừng), hai mươi tù nhân sẽ mặc quần áo lính, mang vũ khí trở về trại, cùng với số tù nhân còn lại bắt nốt số binh sĩ địch. Cũng theo kế hoạch, tù nhân sẽ đốt xe G.M.C, phá máy truyền tin và lấy súng ống trước khi vượt sang Campuchia (theo ông Nốp, khoảng cách từ công trường Chứ Drông sang đất bạn ước lượng 16 km, đường chim bay). Kế hoạch đã thành công, dù có khác với dự tính ban đầu là các tù nhân chỉ lấy súng (để tự vệ) mà không đập máy móc, đốt xe hay phá lều trại (văn bản của địch thừa nhận điều này và khẳng định toàn bộ binh lính của họ được bình an vô sự).

Ông Ngô Thành gặp gỡ thân nhân gia đình liệt sĩ Trần Văn Đắc tại Pleiku.
Ông Ngô Thành gặp gỡ thân nhân gia đình liệt sĩ Trần Văn Đắc tại Pleiku. Ảnh: N.Q.T
Sử dụng tư liệu cựu tù chính trị Diệp Minh Chánh để lại, loạt bài trước đã có đôi dòng về nhiệm vụ của ông Trần Văn Đắc khi đó, gồm: “quan hệ” với Chỉ huy trưởng công trường, tìm cách xem bản đồ;  “tranh thủ” lính gác để được đi đốn tre ở biên giới Việt Nam – Campuchia nhằm kiểm tra thực địa và vào thời điểm quyết định, đảm nhận một mũi tiến công, phải cướp được súng của một tên lính cụ thể… Sau cuộc vượt ngục lần hai, năm 1963, ông Nốp và ông Chánh (bị đày ra Côn Đảo) không gặp lại nhau nhưng thông tin mà hai vị cựu tù cung cấp hoàn toàn trùng khớp, cho thấy kế hoạch vượt ngục được vạch ra một cách kỹ lưỡng và khoa học.

Loạt bài trước cũng đã nhắc đến lá thư mà những người tù gửi Đại tá Đỗ Cao Trí trước khi vượt ngục. Ông Nốp khẳng định, người viết thư này chính là ông Trần Văn Đắc. Giỏi tiếng Pháp, sang Campuchia, ông Đắc làm phiên dịch cho tập thể tù nhân khi có việc liên quan đến chính quyền sở tại. Ông Nốp kể thêm, khi ở đất bạn, việc sinh hoạt Đảng, Đoàn vẫn được duy trì bình thường. Ông không bao giờ quên ngày 19-5-1960, các ông Diệp Minh Chánh, Trần Văn Đắc,… đã kết nạp ông vào Đảng. Tuy vậy, do khi ở Campuchia, gần 100 người tù Việt Nam được chia thành các nhóm lao động khác nhau nên ông Nốp đã không nắm được thông tin cụ thể về sự hi sinh của đồng đội Trần Văn Đắc.

Về cuộc vượt ngục năm 1963, theo ông Nốp, khi sang đất bạn, các ông đã được lực lượng vũ trang Campuchia đưa về Bôkeo rồi sau đó là Stung Treng. Mùa xuân đầu xa Tổ quốc, các ông đã cảm động rơi nước mắt khi được những phụ nữ Việt kiều may tặng mỗi người một bộ đồ bà ba đen. Chúng tôi đã được đọc những lá thư lạc quan mà ông Đắc gửi về cho gia đình ở Việt Nam giai đoạn này, đã cầm tận tay văn bản ông Chánh kể việc những người tù làm thơ, viết báo (bằng tiếng Pháp) gửi đăng trên các báo trung lập ở Campuchia giai đoạn này… Những chi tiết cảm động ấy, kết hợp với lời kể của ông Nốp, giúp hiểu thêm ý chí kiên cường của những người yêu nước.

Ông Nốp kể, khi các ông ở Campuchia, chính quyền Sài Gòn có biết và đã yêu cầu nhà nước sở tại giao số tù nhân này cho họ. Tuy nhiên, nhờ sự can thiệp của một tổ chức quốc tế (Ủy hội quốc tế?) nên các ông đã không bị bắt trở lại. Cho đến trước cuộc vượt ngục lần này, những người tù đã bắt được liên lạc với bên ngoài. Do đó, gần 100 tù nhân đã có sự chuẩn bị cẩn thận. Họ có đến 4 bản đồ (cho 4 nhóm), cơm khô, muối, thuốc trị bệnh, sữa,… Từ nơi vượt ngục đến Buôn Ma Thuột, khoảng cách được xác định là 160 km. Sau 20 ngày luồn rừng, 3 nhóm đào thoát đã đến đích an toàn. Nhóm thứ tư (21 người?) gặp biệt kích nên một số hi sinh, một số khác bị bắt, đày ra Côn Đảo, như đã biết.

Những người tù vượt ngục thành công được cơ sở của ta tiếp đón và sau thời gian nghỉ ngơi, họ trở về Trung ương Cục miền Nam (Tây Ninh) theo đường mòn rồi tiếp tục được phân công công tác tại nhiều địa phương, ngành nghề khác nhau. Ban đầu, ông Nguyễn Văn Nốp làm việc ở Ban Tuyên huấn Trung ương Cục, sau đó đi xây dựng Trường Đảng Lê Hồng Phong; đến 1966, ông được tăng cường về Giồng Trôm, Bến Tre. Ông Nốp từng làm Phó Ban Tuyên huấn Huyện ủy Giồng Trôm rồi Phó Giám đốc Trường Đảng huyện này cho đến lúc nghỉ hưu.
Câu chuyện ông Nguyễn Văn Nốp kể còn khá dài và những điều mà chúng tôi muốn biết thêm về sự kiện này vẫn còn phải chờ đợi, vì tư liệu chưa thực sự đầy đủ. Hơn nửa thế kỉ đã trôi qua, mảnh đất Gia Lai anh hùng không thể không tự hào, là nơi đã diễn ra một cuộc vượt ngục độc đáo của những người tù yêu nước.
Nguyễn Quang Tuệ

Có thể bạn quan tâm