Xu hướng người trẻ có nhà nhưng cho thuê và đi ở trọ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Ngoài thu nhập từ công việc chính, nhiều bạn trẻ đã linh hoạt tạo ra những nguồn thu khác để có thể tích lũy tài chính cho tương lai. Và một trong những cách được bạn trẻ áp dụng là cho thuê nhà và đi ở trọ.

Cho thuê giá cao, đi ở trọ giá thấp để tiết kiệm

Mỗi tháng, ngoài nguồn thu nhập chính từ kinh doanh quần áo, Trần Tú Quỳnh (27 tuổi), sinh sống tại 1017/25 Trần Thị Liền, xã Phước Kiển, H.Nhà Bè, TP.HCM, có thêm một khoản thu nhập khác từ việc cho thuê căn chung cư. Bắt đầu công việc kinh doanh quần áo, làm tiếp thị liên kết từ năm 2017 thì đến 2022 Quỳnh đã mua được một căn chung cư 3 phòng ngủ tại Q.10, TP.HCM. Thay vì dọn vào căn hộ để ở, Quỳnh lại quyết định cho thuê với giá 12 triệu đồng/tháng và vẫn ở phòng trọ 4 triệu đồng/tháng.

“Mình có thêm 12 triệu đồng mỗi tháng mà không phải mất quá nhiều công sức, tâm trí. Mình đã chi khoảng 8 triệu đồng cho việc ăn uống, trả tiền trọ, còn lại gửi tiết kiệm được 4 triệu đồng mỗi tháng. Mình nghĩ, bản thân còn trẻ nên phải tận dụng tối đa cơ hội kiếm tiền chứ không thể nào hưởng thụ quá sớm”, Quỳnh chia sẻ.

Xuất thân trong một gia đình có hoàn cảnh khó khăn và trải qua nhiều biến cố khi em trai mất vào năm 2019, Quỳnh ý thức được bản thân là chỗ dựa duy nhất của mẹ. Vì vậy, cô gái này luôn nỗ lực làm việc, có thêm nhiều nguồn thu nhập để trang trải cuộc sống và tích lũy cho bản thân, chăm sóc mẹ về già.

Phước Xuyên cho biết nỗ lực để có nhiều nguồn thu nhập nhằm tích lũy cho tương lai

Phước Xuyên cho biết nỗ lực để có nhiều nguồn thu nhập nhằm tích lũy cho tương lai

Là người làm nhiều công việc như: gia sư, thiết kế fanpage, bán bảo hiểm, trợ lý hoa hậu… sau hơn 9 năm tích góp Nguyễn Phước Xuyên (28 tuổi), ngụ tại Q.7 (TP.HCM) đã mua được 1 căn hộ chung cư ở TP.Thủ Đức. Cũng giống như Quỳnh, Xuyên không vội dọn về căn hộ ở mà vẫn sống tại phòng trọ với giá thuê 4 triệu đồng/tháng. Còn căn hộ chung cư thì cho thuê lại với giá 6 triệu đồng/tháng.

Ngoài công việc chính ở công ty bảo hiểm, hiện tại Xuyên có nhiều nguồn thu nhập khác như: cho thuê căn hộ chung cư, quản lý fanpage... và đầu tư chứng chỉ quỹ. “Chứng chỉ quỹ là chứng khoán nhưng được quản trị rủi ro ở mức tối thiểu dành cho người có ít kiến thức. Trung bình lãi suất của hình thức này từ 10 -15 %/năm và phải đầu tư dài hạn”, Xuyên cho biết.

Xuyên chia sẻ: "Mỗi người trẻ đều nên lựa chọn kênh đầu tư phù hợp để tích luỹ, bảo vệ dòng tiền. Sau này, số tiền đó sẽ giúp ích cho chúng ta rất nhiều trong việc gia tăng thêm tài sản và là khoản phòng thân lúc về già".

Ngoài công việc chính là quản lý nhân sự truyền thông, Đ.P.X (25 tuổi), ngụ tại Q.1, TP.HCM, còn có nguồn thu nhập từ việc sáng tác rap và viết sách. Từ khi còn là học sinh ở bậc THPT, X. đã tập tành sáng tác, thu âm những bản rap đăng tải lên mạng xã hội.

Hiện tại, X. có làm nhạc cho một hãng thu âm và phân phối lên các nền tảng như: Spotify, Apple Music, Zing MP3… Thông thường, thu nhập từ tác quyền âm nhạc, X. sẽ nhận 6 tháng/ lần với số tiền hơn 30 triệu đồng. Ngoài ra, với chuyên ngành văn học tại Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, X. còn có sở trường viết lách vào thời gian rảnh. Vừa qua, X. đã làm việc với thương hiệu Skybooks và cho ra một cuốn sách. Với hơn 2.000 cuốn được in, X. nhận được 12% tổng giá trị số sách.

Thu nhập thụ động giúp tạo ra sự an toàn tài chính

Thạc sĩ Nguyễn Thế Huy, giảng viên tại Trung tâm đào tạo kinh tế, tài chính - ngân hàng Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM, cho biết thu nhập được tạo ra từ các khoản đầu tư hoặc tài sản đã xây dựng trước đó, ví dụ tiền có được từ việc cho thuê nhà, chơi cổ phiếu, viết sách điện tử, tiếp thị liên kết… được gọi là thu nhập thụ động. Và thu nhập thụ động là nguồn tiền người trẻ có thể nhận được một cách đều đặn mà không cần phải trực tiếp làm việc.

Thạc sĩ Nguyễn Thế Huy

Thạc sĩ Nguyễn Thế Huy

“Thu nhập thụ động giúp tạo ra sự an toàn tài chính bằng cách đa dạng hóa, giảm sự phụ thuộc vào một công việc duy nhất. Điều này, đặc biệt quan trọng ở thời đại có nhiều biến động trong thị trường lao động. Thu nhập thụ động giúp các bạn trẻ đạt được tự do tài chính sớm hơn. Với nguồn thu nhập bổ sung này, người trẻ có thể nhanh chóng tiến gần đến các mục tiêu tài chính lớn như mua nhà hoặc thậm chí là nghỉ hưu sớm”, thạc sĩ Huy nói.

Thạc sĩ Huy cho biết thu nhập thụ động còn mang lại sự linh hoạt về thời gian, người trẻ có cơ hội theo đuổi đam mê, học hỏi kỹ năng mới hoặc dành thời gian cho gia đình.

Thạc sĩ Huy nói thêm để quản lý hiệu quả cả thu nhập chính và thụ động, người trẻ nên theo dõi chi tiêu một cách cẩn thận. Dùng các ứng dụng quản lý tài chính để ghi lại mọi khoản thu chi để có cái nhìn tổng quan và điều chỉnh khi cần thiết. Hãy đặt ra các mục tiêu tài chính cụ thể, cả ngắn và dài hạn. Sử dụng thu nhập thụ động để đẩy nhanh quá trình đạt được những mục tiêu này. Ví dụ, bạn có thể dùng thu nhập thụ động để tăng khoản tiết kiệm mua nhà hoặc đầu tư vào quỹ hưu trí.

“Khi có nhiều nguồn thu nhập, người trẻ hãy tỉnh táo, tránh rơi vào việc tiêu xài lãng phí. Thay vào đó, hãy duy trì lối sống tiết kiệm và sử dụng phần thu nhập tăng thêm để tái đầu tư. Từ đó, tạo ra nhiều nguồn thu nhập thụ động hơn trong tương lai. Hãy tự động hóa quá trình tiết kiệm bằng cách thiết lập chuyển khoản tự động từ cả thu nhập chính và thụ động vào tài khoản tiết kiệm trực tuyến ngay khi nhận được. Điều này sẽ giúp bạn xây dựng thói quen tiết kiệm mà không cần nhiều nỗ lực”, thạc sĩ Huy nhắn nhủ.

Theo Kim Ngọc Nghiên (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Hành trình từ kình ngư Ánh Viên trở thành hot TikToker

Hành trình từ kình ngư Ánh Viên trở thành hot TikToker

Tại 'TikTok Awards Việt Nam 2024', kình ngư Nguyễn Thị Ánh Viên có tên trong danh sách đề cử hạng mục Nhà sáng tạo nội dung thể thao của năm. Cựu vận động viên có những chia sẻ thú vị về hành trình trở thành TikToker để lan tỏa niềm đam mê bơi lội đến mọi người.

Tài năng “nhí” làng Bok Ayơl

Tài năng “nhí” làng Bok Ayơl

(GLO)- Hình ảnh cậu bé Husy (11 tuổi, làng Bok Ayơl, xã Hra, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai) đứng trên sân khấu say sưa diễn tấu tiết mục “Độc tấu t’rưng-Buôn làng ấm no” tại Liên hoan tuyên truyền lưu động toàn tỉnh lần thứ III diễn ra hồi tháng 10 vừa qua đã để lại ấn tượng thật khó phai.

Những đứa trẻ… không tuổi thơ

Những đứa trẻ… không tuổi thơ

Không được đến trường, những đứa trẻ từ 5-10 tuổi ăn mặc lem luốc lượn lờ khắp nơi xin tiền người đi đường, bất kể trời mưa nắng. Không có tuổi thơ, giờ chúng là “phương tiện” để người lớn kiếm tiền trên lòng thương cảm của người khác.