(GLO)- Theo nhận định của Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Tây Nguyên, ảnh hưởng của gió mùa Tây Nam cường độ mạnh, trên địa bàn tỉnh Gia Lai (nhất là các huyện phía Tây của tỉnh và thành phố Pleiku) tiếp tục có mưa vừa đến mưa to, có nơi rất ta, xuất hiện lũ trên các sông suối trên địa bàn tỉnh và đề phòng lũ, lũ quét ở vùng trũng thấp ven sông suối và sạt lở đất.
Trước tình hình trên, UBND tỉnh yêu cầu các cấp, các ngành không được chủ quan lơ là mà phải tập trung theo dõi diễn biến thời tiết, chủ động triển khai công tác phòng-chống lũ lụt và tìm kiếm cứu nạn, tuyệt đối không để thiệt hại về người, giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại về tài sản của nhà nước và nhân dân do mưa lũ gây ra. Trong đó tập trung triển khai các việc sau đây:
1. UBND các huyện, thị xã, thành phố:
Cảnh báo và hướngdẫn cho nhân dân sinh sống ở vùng trũng thấp, vùng ven sông suối, hồ đập có nguy cơ ngập lũ, lũ quét và nhân dân ở vùng có nguy cơ sạt lở đất chủ động triển khai các biện pháp ứng phó với lũ lụt.
Những khu vực có nguy cơ ngập lũ, lũ cô lập, sạt lở đất, các tuyến đường giao thông nông thôn bị ngập lũ phải bố trí lực lượng ứng trực để hướng dẫn nhân dân qua lại, hoặc di dời đến nơi an toàn khi cần thiết.
Tuyên truyền, vận động nhân dân không được bơi lội qua sông suối khi nước lũ về để tránh thiệt hại về người; kịp thời thu hoạch diện tích cây trồng đã đủ độ chín ở khu vực trũng thấp ven sông suối để tránh thiệt hại khi lũ về.
Chỉ đạo các phòng ban chuyên môn, chính quyền cơ sở kiểm tra, rà soát các vùng có nguy cơ ngập lũ, lũ quét, sạt lở đất và hạ du hồ đập có nguy cơ mất an toàn để có phương án ứng phó kịp thời.
Chủ động các phương án phòng-chống ứng phó với mưa lũ và tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn, sử dụng ngân sách địa phương để khắc phục kịp thời thiệt hại do mưa lũ gây ra, đảm bảo đời sống và sản xuất của nhân dân.
Báo cáo kịp thời tình hình mưa lũ và thiệt hại do mưa lũ gây ra về Sở Nông nghiệp và PTNT (Thường trực Ban Chỉ đạo PCLB tỉnh) để tổng hợp, báo cáo và đề xuất cho UBND tỉnh.
2. Sở Nông nghiệp và PTNT (Thường trực Ban Chỉ đạo PCLB tỉnh):
Tổ chức trực 24/24 giờ trong mùa mưa lũ, kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung triển khai công tác phòng-chống lũ lụt trên địa bàn.
Chỉ đạo các đơn vị quản lý, khai thác các công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh thực hiện nghiệm quy trình vận hành hồ chứa, phương án phòng-chống lũ lụt và đảm bảo an toàn hồ chứa, phương án phòng-chống lũ lụt cho vùng hạ đập và sự cố đập.
Tổng hợp, báo cáo kịp thời tình hình thiệt hại và công tác phòng-chống, ứng phó, khắc phục thiệt hại do thiên tai gây ra về UBND tỉnh để theo dõi, chỉ đạo.
3. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh (Thường trực Ban Chỉ đạo về công tác tìm kiếm cứu nạn của tỉnh): Chủ động phối hợp với chính quyền địa phương triển khai tốt công tác tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn, tuyệt đối không để thiệt hại về người.
4. Sở Công thương: Chỉ đạo, kiểm tra, nhắc nhở các chủ đập thủy điện thực hiện nghiêm quy trình vận hành hồ chứa, phương án phòng-chống lũ lụt và bảo đảm an toàn hồ chứa, phương án phòng-chống lũ lụt cho vùng hạ đập và sự cố đập, tuyệt đối không để xảy ra vỡ đập, xả lũ gây thiệt hại ở vùng hạ du đập.
5. Các sở, ngành Giao thông, Điện lực, Bưu điện: Phối hợp với chính quyền địa phương kiểm tra, sửa chữa kịp thời các sự cố hư hỏng về cầu đường, điện sáng, điện thoại để đảm bảo giao thông, thông tin liên lạc và điện thắp sáng.
Nhận được công điện này, yêu cầu Sở Nông nghiệp và PTNT, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Sở Công thương, Sở Giao thông-Vận tải, các thành viên ban chỉ đạo Phòng-chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, Ủy ban Nhân dân các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện.
TM. Ủy ban Nhân dân tỉnh
KT.Chủ tịch
Phó Chủ tịch
Đã ký
Đào Xuân Liên